Trao cơ hội làm lại cuộc đời cho người hoàn lương

Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều người mãn hạn tù ở Bình Định có thêm cơ hội làm lại cuộc đời.

Được hỗ trợ kịp thời, nhiều người mãn hạn tùBình Định tiếp cận với tín dụng ưu đãi (tối đa 100 triệu đồng/người để đầu tư sản xuất, kinh doanh), qua đó sớm ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Làm lại cuộc đời mới

Sau khi chấp hành án phạt tù xong trở về địa phương, anh Nguyễn Trường Giang (27 tuổi, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hoài Ân.

Anh Giang đầu tư số vốn này vào sửa sang, mở quán kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Có công việc tạo thu nhập ổn định, lại được gia đình quan tâm và cộng đồng chia sẻ, anh Giang dần tự tin hòa nhập với mọi người.

 Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ giải ngân cho một trường hợp mãn hạn tù. Ảnh: THU DỊU

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ giải ngân cho một trường hợp mãn hạn tù. Ảnh: THU DỊU

“Em cảm ơn gia đình, bạn bè và đặc biệt là sự thấu hiểu, tạo điều kiện từ ngân hàng giúp em làm lại cuộc đời. Nghề đầu bếp em học từ những ngày chấp hành án phạt tù. Bây giờ, mong muốn của em là công việc kinh doanh thuận lợi, em có thể chăm lo được cho bản thân và gia đình mình” - anh Giang bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Tâm, mẹ anh Giang, xúc động cho biết từ ngày anh Giang mãn hạn tù về nhà, tâm lý ổn định và hòa nhập tốt. “Có công việc để làm con tôi tiến bộ hơn, tôi giữ đà đó hay thủ thỉ, trò chuyện, chỉ cho con thấy không ai bỏ rơi con cả. Trở về gia đình, về với cộng đồng được sự quan tâm như thế này, đó là điều gia đình tôi thấy may mắn, biết ơn” - bà Tâm nói.

2,9 tỉ đồng là số tiền đã được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Định giải ngân cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương từ tháng 10-2023 đến nay. Gói tín dụng này thực hiện theo Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sai lầm trong hoạt động chuyên môn, ông VBT (55 tuổi, TP Quy Nhơn) phải nhận án phạt tù, chấp hành xong bản án, ông rời phố về quê để làm lại cuộc đời. Tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), ông T vừa làm vườn vừa phụng dưỡng cha mẹ già. Nhờ đồng vốn từ PGD Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, ông T đầu tư nuôi dúi, nhím và trồng đậu phộng…

Ông T chia sẻ: “Nhờ vốn tín dụng ưu đãi này, những người từng lầm lỗi như tôi có cơ hội làm lại cuộc đời mới. Sự chủ động về kinh tế giúp những người như tôi tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, từ đó xóa dần mặc cảm, nỗ lực sống và thay đổi theo hướng tích cực hơn”.

Chương trình tín dụng nhân văn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Quang Phụ, Chủ tịch UBND xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, bày tỏ việc trao cần câu cá cho người mãn hạn tù là cách thiết thực để họ tự tin hòa nhập với đời sống cộng đồng, ngăn được nguy cơ tái phạm.

“Địa phương và ngân hàng rất quan tâm tới nhóm này. Phía ngân hàng hỗ trợ vốn, chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn về sản xuất, kinh doanh, từ đó nhân rộng các mô hình hay trong huyện” - ông Phụ nói.

 Tổ vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn trong sản xuất từ mô hình nuôi động vật rừng của một trường hợp mãn hạn tù ở huyện Phù Mỹ. Ảnh: THU DỊU

Tổ vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn trong sản xuất từ mô hình nuôi động vật rừng của một trường hợp mãn hạn tù ở huyện Phù Mỹ. Ảnh: THU DỊU

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân, cũng khẳng định đây là chương trình tín dụng nhân văn. Ngay khi có chủ trương này, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tập huấn nghiệp vụ, ở cơ sở chúng tôi chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai.

“Đến nay, huyện Hoài Ân giải ngân cho chín trường hợp với tổng số tiền 750 triệu đồng. Theo nhu cầu thực tế, có đăng ký vay là chúng tôi rà soát, xác minh và hướng dẫn hồ sơ làm thủ tục cho vay kịp thời” - ông Hiếu thông tin.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, nhận định về lâu dài, những trường hợp vay vốn làm ăn hiệu quả sẽ tạo được sự lan tỏa, giúp nhiều người đã từng lầm lỗi tự tin, hoàn lương, làm lại cuộc đời mới.

Thông tin với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Định, cho biết đơn vị vẫn tiếp tục phối hợp rà soát đối tượng, nắm thông tin, nhu cầu để xây dựng và bố trí giải ngân kịp thời, đảm bảo cho người mãn hạn tù tiếp cận vốn đầy đủ.

“Mình chăm lo cho họ, để họ ổn định cuộc sống cũng là cách mình lo trước cho mình” - bà Phương nói.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, cho biết đơn vị tiếp tục phối hợp với công an huyện, xã và các tổ chức hội đoàn thể để triển khai cho vay vốn theo Quyết định 22. Hiện có 13 trường hợp mãn hạn tù ở huyện Phù Mỹ được vay tổng cộng gần 1 tỉ đồng.

“Hiểu được tâm lý còn nhiều e ngại của người vay, do vậy chúng tôi thường xuyên phối hợp với tổ vay vốn địa phương xuống thực tế, vừa nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có thể giúp họ tiếp cận với gói tín dụng này tốt nhất” - ông Thảo cho hay.

THU DỊU

Nguồn PLO: https://plo.vn/trao-co-hoi-lam-lai-cuoc-doi-cho-nguoi-hoan-luong-post782490.html