Trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính Hiệp Trung Quốc
Chiều ngày 28/11, trong khuôn khổ chương trình Giao lưu hữu nghị giữa MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc lần thứ hai tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận Tổ quốc - Chính hiệp các tỉnh/khu tự trị biên giới hai nước.
Chủ trì Hội nghị có ông Vương Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của gần 140 đại biểu chính thức của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn của Việt Nam; đại biểu Chính hiệp tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc.
Bàn giải pháp đổi mới trong phương thức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác như: Kinh nghiệm và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; Kinh nghiệm và giải pháp đổi mới trong tập hợp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị tới Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi kinh nghiệm công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc các tỉnh, huyện, xã có chung đường biên giới phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; Kinh nghiệm và các giải pháp đổi mới trong phương thức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính hiệp Trung quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham luận về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới, bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động; Mặt trận tiếp tục quan tâm thực hiện việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước; Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, chính đáng của nhân dân.
"Cần tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức MTTQ Việt Nam các cấp có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng để thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", bà Nguyễn Quỳnh Liên nêu ý kiến.
Ông Kim Học Phong, Ủy viên Ủy ban Xã hội và Pháp chế Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc cho biết, Chính hiệp Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng cần hội tụ, quảng bá nhận thức, lấy hiệp thương để hội tụ nhận thức chung, lấy nhận thức chung để củng cố đoàn kết, tăng cường dẫn dắt chính trị, tư tưởng để tạo đồng thuận vào các hoạt động liên quan đến đề xuất, đề án, thị sát, khảo sát và điều tra, nghiên cứu, từ đó có nhiều đóng góp tích cực về mặt thành quả nghiên cứu, đi sâu.
Cũng theo ông Kim Học Phong, mỗi tháng Chính hiệp sẽ tổ chức thông báo về các vấn đề mà quần chúng nhân dân quan tâm để lắng nghe ý kiến, phản ánh bức xúc của quần chúng nhân dân, tìm hiểu tình hình, trao đổi tư tưởng, thiết lập cơ chế báo cáo viên để phổ biến kiến thức liên quan đến Chính hiệp; biến chủ trương của Đảng chuyển hóa thành nhận thức chung của xã hội để truyền tải tới nhân dân, tạo dựng nền tảng chính trị và nền tảng xã hội thực chất để Đảng dẫn dắt nhân dân quản trị nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới về tư duy và cách làm với mục tiêu cao nhất là để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Trong đó phải kể tới việc MTTQ các cấp trong tỉnh đã chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội theo các chuyên đề, nhất là các chuyên đề và lĩnh vực mà cấp ủy, chính quyền, đặc biệt người dân địa phương quan tâm như: Công tác cải cách hành chính, đất đai, tài nguyên, môi trường, công tác giải phóng mặt bằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Bên cạnh đó, thường xuyên chú trọng việc cập nhật, nắm bắt tình hình nhân dân; các ý kiến, kiến nghị của cử tri, coi đây là yếu tố đầu vào, là cơ sở quan trọng để xác định, lựa chọn các chuyên đề giám sát, phản biện xã hội hàng năm.
Đặc biệt chú trọng đến việc cập nhật, theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát cũng như kết quả giải trình, tiếp thu, không tiếp thu của các cơ quan chức năng sau phản biện xã hội của MTTQ tỉnh. Tiếp tục chủ động, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.
“Mặt trận tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng căn cứ kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thảo luận, thống nhất đối tượng, phạm vi, mốc thời gian và đặc biệt là mục tiêu hướng tới sau giám sát, phản biện cho mỗi chuyên đề và lĩnh vực cụ thể. Từ đó tiến hành nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kết hợp với khảo sát thực tế theo hướng chuyên sâu là những giải pháp căn cốt, quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, phản biện.”, ông Nguyễn Văn Hồi nói.
Ông Lý Văn Siêu, Chủ tịch Chính hiệp Đông Hưng cho biết trong quá trình giao lưu tiếp xúc thường xuyên, hai địa phương là tỉnh Đông Hưng (Trung Quốc) và thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) đã thiết lập 24 cơ chế giao lưu về lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế, ... Để có được điều này, hai bên đều đi sâu quán triệt thực hiện những nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nhau viết nên trang sử mới, vừa là đồng chí, vừa là anh em.
Hai bên đã thiết lập cơ chế giao lưu thường xuyên, lãnh đạo hai bên đều chuẩn bị chu đáo về nội dung và phương thức trao đổi, xây dựng phương án công tác, bảo đảm hiệu quả để Chính hiệp Đông Hưng và MTTQ thành phố Móng Cái duy trì trao đổi, giao lưu mật thiết. Hai bên đã tôn trọng lẫn nhau, chọn những chủ đề, lĩnh vực hai bên cùng quan tâm để giao lưu, trao đổi. Đây cũng là thuận lợi quan trọng để hai bên duy trì mối quan hệ hợp tác.
Nêu một số kiến nghị, ông Lý Văn Siêu cho rằng, Chính hiệp Trung Quốc và MTTQ Việt Nam tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa lịch sử. Tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời, tài liệu cách mạng lịch sử của hai bên rất phong phú, hi vọng tổ chức cơ sở hai bên tăng cường hợp tác về lĩnh vực chuyên môn, cùng nhau khai thác tài liệu, câu chuyện lịch sử, cùng nhau thúc đẩy, xây dựng bảo tàng kỷ niệm tình hữu nghị cách mạng hai bên. Đồng thời cùng nhau nghiên cứu đề xuất xây dựng vành đai du lịch, cửa khẩu biên giới, khu biên giới hai bên phong cảnh tươi đẹp, điều kiện độc đáo để xây dựng vành đai du lịch xuyên biên giới. Cùng nhau đề nghị chính quyền hai bên kiến nghị UNESCO đưa di sản phi vật thể của dân tộc Kinh vào di sản phi vật thể thế giới.
Hoàn thiện cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai bên
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Dũng khẳng định, Chính hiệp Trung Quốc nguyện cùng với MTTQ Việt Nam chung tay hợp tác đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững, lành mạnh trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của những nhận thức chung quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan hệ Trung Quốc – Việt Nam duy trì đà phát triển lành mạnh ổn định với tốc độ nhanh chóng. Hai bên đang giao, lưu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và thu được tiến triển mới, thúc đẩy mỗi nước phát triển mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai bên.
Ông Vương Dũng chia sẻ, Chính hiệp Trung Quốc và MTTQ Việt Nam đều phát huy vai trò hết sức quan trọng trong quá trình quản trị đất nước và quản lý xã hội. Rất mong hai bên có thể tăng cường đi sâu hợp tác, tham vấn lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau để đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thời đại mới.
Thời gian tới, ông Vương Dũng cho rằng, quán triệt thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Việt Nam, cần tiếp tục kiên trì thực thi tốt phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Căn cứ theo những nhận thức chung của Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến hai bên cần đi sâu trau dồi, tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm về các ủy ban chuyên môn, các địa phương đặc biệt là các tỉnh biên giới; cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm trong quá trình thực hiện đúng chức trách của mình, thực hiện giám sát dân chủ, không ngừng làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn.
Ông Vương Dũng cũng khẳng định, đây là thời cơ hết sức quan trọng để hai bên chúng ta học hỏi lẫn nhau, hy vọng thông qua giao lưu hôm nay sẽ tăng cường hiểu biết trong hoạt động công tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và MTTQ – Chính hiệp các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy tình cảm hữu nghị và sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai bên. Chính hiệp Trung Quốc nguyện cùng với MTTQ Việt Nam đi sâu hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó góp phần vun đắp tình cảm hữu nghị giữa hai bên và thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam.
Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc tin tưởng rằng với sự chung tay nỗ lực của hai tổ chức, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và UBTƯ MTTQ Việt Nam nhất định sẽ có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Ông Vương Dũng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay rất bổ ích cho các đồng chí Chính hiệp Trung Quốc, chúng tôi nguyện cùng với MTTQ Việt Nam tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai bên và hoàn thiện cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai bên học hỏi tham khảo, giúp đỡ lẫn nhau, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước.
Tăng cường sự hiểu biết, cùng tiến bộ và học tập lẫn nhau để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc là hai tổ chức có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của mỗi nước, nhất là trong việc phát huy sức mạnh của toàn dân, quy tụ, tập hợp các lực lượng xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển đất nước. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc tiếp tục được coi trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, thực hiện sự thống nhất giữa đồng chí Vương Hộ Ninh, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về một số nội dung theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai tổ chức.
“Tiếp theo thành công tốt đẹp của hoạt động Giao lưu hữu nghị lần thứ nhất giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính Hiệp Trung Quốc, Chương trình Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc lần thứ hai tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa mong muốn của lãnh đạo hai tổ chức với mục đích tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; tăng cường tuyên truyền cho cán bộ làm công tác Mặt trận và nhân dân về truyền thống đoàn kết láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, nhất là các tỉnh biên giới”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, ý kiến tham luận đều có sự đầu tư nghiên cứu công phu, tâm huyết, thể hiện sự thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong công tác Mặt trận cũng như trong công tác Chính hiệp, thể hiện sự tương đồng và mối quan hệ khăng khít, gắn bó, bền chặt giữa hai Bên; đồng thời cho biết, các bài phát biểu sẽ được tập hợp thành kỷ yếu của Hội nghị và cùng với hai bên tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động trong thời gian tới
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà tin tưởng, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm lần này chính là một bước cụ thể nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân, đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước, công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn hai bên sẽ có thêm nhiều hình thức hợp tác, trao đổi thiết thực để các đại biểu có thêm nhiều đóng góp tâm huyết về kinh nghiệm công tác, qua đó tăng cường tình hữu nghị trong giao lưu và hợp tác, tăng cường sự hiểu biết, cùng tiến bộ và học tập lẫn nhau để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; góp phần tích cực triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
“Với tinh thần “đồng chí, anh em," hữu nghị, chân thành, tôi mong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là tăng cường các hình thức giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác Mặt trận và chính hiệp để nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ của hai tổ chức; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả biên Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa hai tổ chức giai đoạn 2014-2019 đã được hai bên thống nhất kéo dài hiệu lực; đồng thời phối hợp nghiên cứu, trao đổi để thống nhất sớm ký kết Bản Ghi nhớ mới giữa hai tổ chức vào thời gian thích hợp”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.