Trao đổi kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về nhiễm trùng và truyền nhiễm

Sáng 22-10, tại Trung tâm Hội nghị Tiền Giang, Liên chi hội Truyền nhiễm các tỉnh miền Tây tổ chức Hội nghị khoa học Truyền nhiễm các tỉnh miền Tây mở rộng lần thứ III.

Quang cảnh các đại biểu dự hội nghị.

Quang cảnh các đại biểu dự hội nghị.

Đến tham dự và chủ tọa phiên hội nghị thứ I, có GS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam; GS.TS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang; TS Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Phiên thứ 2 có PGS Trần Xuân Chương, Liên chi hội trưởng Liên chi hội Truyền nhiễm miền Trung và Tây Nguyên; PGS Nguyễn Văn Hảo, Giảng viên Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh; PGS Đỗ Duy Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Theo đó, các đại biểu được xem các nội dung trình bày của các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ về 9 đề tài như: Tổng quan về Corticoides trong bệnh truyền nhiễm; Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo, sán dải chó, sán lá gan, giun lươn và cập nhật từ xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị trong thực hành lâm sàng; Cập nhật chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS; Sử dụng kháng sinh trong bệnh truyền nhiễm và thực hành lâm sàng; Cập nhật chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết; Vai trò xét nghiệm HbcrAg trong thực hành lâm sàng; Kiểm soát và điều trị viêm gan siêu vi B tại Việt Nam; Viêm gan C liệu có thể điều trị khỏi; Cập nhật mới từ Hội nghị của Hiệp hội Nghiên cứu gan châu âu (EASL) - Vienna, Austria 6-2023.

Phát biểu chia sẻ với hội nghị, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS.BS Tạ Văn Trầm cho biết: Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016 - 2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống công bố dịch kết thúc khi WHO có khuyến cáo, các hướng dẫn giám sát và phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ…. Hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; Hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm...

Củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Thúc đẩy việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở; đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp...

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202310/trao-doi-kinh-nghiem-trong-chan-doan-dieu-tri-cac-benh-ly-ve-nhiem-trung-va-truyen-nhiem-993722/