Trao đổi kinh nghiệm về phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước
Sáng 12/11, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN với đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh.
Tham dự hội nghị về phía Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 09-NQ/TU về “tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) trên địa bàn TP Hà Nội”; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Về phía TP Hồ Chí Minh có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Văn Thị Bạch Tuyết cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Báo cáo về công tác triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DNNKVNN trên địa bàn TP Hà Nội”, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo TP xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DNNKVNN TP Hà Nội trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN tư nhân, công ty TNHH và DN có vốn đầu tư nước ngoài (có từ khi Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài").
Hằng năm, Ban Chỉ đạo TP đã chỉ đạo cơ quan thường trực và các ngành phối hợp tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nghị quyết. Năm 2022 thực hiện biểu dương 35 chủ DN tiêu biểu; năm 2023 đã biểu dương 33 chủ DN; năm 2024 đã biểu dương 70 chủ DN tiêu gắn với kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024).
Từ năm 2012- 2024 đã thành lập 28 đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết tại 30 quận, huyện, thị ủy; Đảng ủy Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các đảng bộ Tổng Công ty trực thuộc Thành ủy; trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ tại nhiều chi bộ trong các DNNKVNN. Các quận, huyện, thị ủy đã thành lập và hoàn thiện mô hình Đảng bộ Khối DN trực thuộc. Đến nay đã có 30/30 quận, huyện, thị ủy thành lập Đảng bộ Khối DN, 30 Đảng bộ khối DN quận, huyện, thị ủy có 1.502 chi bộ với 15.538 đảng viên.
Một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã được nhiều cấp ủy, tổ chức triển khai, áp dụng có hiêu quả; các mô hình được triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn. Trước khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU toàn TP có 117.740 DNNKVNN đăng ký hoạt động, trong đó có 633 tổ chức đảng với tổng số 18.593 đảng viên; 2.301 công đoàn cơ sở với tổng số 203.503 đoàn viên; 653 cơ sở Đoàn - Hội LHTN với 9.262 đoàn viên, 11.920 hội viên; 132 tổ chức Hội phụ nữ với 2.779 hội viên.
Đến nay Hà Nội đã thành lập được 1.931 tổ chức Đảng trong các DNNKVNN; kết nạp mới 12.717 đảng viên, trong đó, có 67 chủ DN tư nhân được kết nạp Đảng. Thành lập được 8.655 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên và kết nạp được 587.258 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn TP thành lập được 86/90 tổ chức đảng (đạt 95.6%), kết nạp 732/903 đảng viên mới (đạt 81.1%). Trong đó, kết nạp mới được 4 chủ DN vào đảng. Các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội đã thành lập được 477/550 tổ chức đoàn thể, với 26.313/35.000 đoàn viên, hội viên.
Ban Chỉ đạo TP đã chủ động trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DNNKVNN. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, việc tiếp tục đầu tư ngân sách TP để chi hỗ trợ tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong các DNNKVNN trên địa bàn TP Hà Nội là một nhu cầu cần thiết, góp phần quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các DNNKVNN…
Mục tiêu phát triển mới khoảng 1,215 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội
Báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và xác định chỉ tiêu phát triển mới nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu m2 sàn, đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu m2 sàn.
Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở TP đã được phê duyệt, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020), UBND TP đã phê duyệt ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Về tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, tổng số các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn TP 69 dự án. Về các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, theo Kế hoạch phát triển nhà ở của TP, hiện có 7 dự án nhà ở công nhân, trong đó 1 dự án đã hoàn thành với khoảng 0,13 triệu m2 sàn, khoảng 1.170 căn hộ; 6 dự án với khoảng 0,31 triệu m2 sàn với gần 8.000 căn hộ nhà ở công nhân đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đầu tư.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 4 khu nhà ở công nhân đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê 8.082 chỗ, 1 dự án đang triển khai thủ tục lập quy hoạch.
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN
Báo cáo về công tác xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Phạm Quang Thanh cho biết, LĐLĐ TP Hà Nội hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 9.898 CĐCS và 750.862 đoàn viên; trong đó, DNNKVNN có 5.946 CĐCS (chiếm 60%), với 563.462 đoàn viên công đoàn (chiếm 75%).
Trong những năm qua, các cấp Công đoàn TP đã triển khai có hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DNNKVNN. Đồng thời chỉ đạo các CĐCS xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TP.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, từ năm 2012 - 2024, các cấp công đoàn Thủ đô luôn thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS do Thành ủy Hà Nội giao. Cụ thể, từ năm 2012 – 2024, thành lập mới 6.900/5.274 CĐCS (đạt 130,8%), phát triển 655.226/379.238 đoàn viên (đạt 172,7%). Trong đó thành lập 6.342/6.900 CĐCS (đạt 91,9%) với 582.058/655.226 đoàn viên (đạt tỷ lệ 88,9%) KVNNN, đặc biệt tỷ lệ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tăng nhanh trong những năm gần đây.
Hằng năm, LĐLĐ TP đã phối hợp với UBND TP tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với cán bộ công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn. Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở đẩy mạnh phối hợp tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tính đến 30/10/2024, có 4.285 DN đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt 76,21%). Riêng năm 2024 ký mới được 1.350 bản thỏa ước lao động tập thể (đạt 225% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao). Tổ chức 123.256 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho 416.480 lượt người lao động.
Về công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, giai đoạn 2020 - 2024, từ nguồn ngân sách công đoàn, “Quỹ Xã hội Công đoàn” và các nguồn xã hội hóa, các cấp công đoàn TP đã chi hỗ trợ cho 1,26 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền 592,7 tỷ đồng. Đầu năm 2023, trước tình hình các DN bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, LĐLĐ TP đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, LĐLĐ TP đã chỉ đạo Quỹ trợ vốn đã giải ngân nguồn vốn 364,5 tỷ đồng đến đoàn viên công nhân lao động nghèo, thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô. Thẩm định 12.964 lượt hồ sơ vay vốn và chấp thuận cho 12.100 lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, tại 773 CĐCS…
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo hai bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu chế xuất; việc phát triển các tổ chức Đảng cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại các DNNKVNN. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, bố trí quỹ nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; việc triển khai các mô hình hoạt động của tổ chức Đảng tại đây sao cho hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, thời gian qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hợp tác liên quan đến công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU TP luôn chú trọng công tác phát triển Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong DNNKVNN.
Trong đó, kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo là bám sát sự chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách sáng tạo, quyết liệt, tập trung vào những nhiệm vụ khó, khâu đột phá. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đơn vị hiệp quản trên địa bàn có liên quan; trách nhiệm người đứng đầu và vai trò của Ban Chỉ đạo, các cấp ủy trong công lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đoàn thể Nhân dân trong các DNNKVNN.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức Đảng trong các DNNKVNN, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Đảng ủy khối và hệ thống chính trị cơ sở.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của TP Hà Nội trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn trong việc duy trì sinh hoạt tổ chức Đảng trong các DNNKVNN, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và công đoàn khi Việt Nam thực hiện các công ước quốc tế. Trong đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh giao cho Công đoàn TP tham mưu các nội dung liên quan nhằm vừa duy trì quan hệ hài hòa với các DNNKVNN vừa bảo đảm ổn định, thúc đẩy sản xuất phát triển...