Trao đổi mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam - Đài Loan 2019

Nhằm tăng cường giáo dục, trao đổi các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của con người… trong các ngày từ 19 đến 23-8 sẽ diễn ra hoạt động trao đổi mạng lưới giáo dục môi trường giữa Việt Nam-Đài Loan.

Theo đó, chương trình Mạnh lưới trao đổi giáo dục môi trường giữa Đài Loan và Việt Nam được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Việt Nam-Đài Loan đặt tại Đại học Quốc gia Đông Hoa, Đài Loan và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội đặt tại Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Chương trình được thực hiện với 5 chủ đề chính bao gồm: Biến đổi khí hậu, Kinh tế tuần hoàn; Bảo tồn thiên nhiên; Đa dạng văn hóa; Sự tham gia của cộng đồng. Tại Việt Nam, chương trình diễn ra tại một số trường đại học ở Hà Nội; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

Ngày 19-8, chương trình diễn ra ở Trường Đại học KHXH và Nhân Văn-Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT-Bộ TN&MT; bà Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; ông Richard Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam; bà Pei-Yu Wu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan cùng một số sinh viên của 2 nước.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại buổi trao đổi ngày 19-8 (ảnh: T.A)

Bà Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại buổi trao đổi ngày 19-8 (ảnh: T.A)

Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện các đơn vị tổ chức, hỗ trợ đều đánh giá cao ý nghĩa của chương trình trao đổi Mạng lưới Giáo dục môi trường. Hiện nay, tại Việt Nam và Đài Loan đều đang xảy ra những vấn đề nghiêm trọng với cả môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng tới chất lượng sống và sinh hoạt của người dân. Những kinh nghiệm và kiến thức mà các bạn sinh viên chia sẻ sẽ góp phần kiến tạo những giải pháp để cải thiện môi trường mỗi nước. Đồng thời, sự kiện này cũng thúc đẩy mối giao lưu, tương tác năng động giữa sinh viên, giới trẻ Việt Nam-Đài Loan nói riêng cũng như quan hệ song phương hai nước nói chung.

Tại buổi trao đổi, bà Pei-Yu Wu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan cho biết: Về lĩnh vực môi trường, Đài Loan và Việt Nam đã có mối quan hệ trong nhiều năm. Những vấn đề hợp tác chủ yếu là xử lý ô nhiễm môi trường đất hay chất thải từ máy bay. “Vấn đề môi trường là vấn đề mang tính khu vực và quốc tế nên tôi mong rằng sinh viên Đài Loan đến dự buổi trao đổi sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức bổ ích về vấn đề môi trường ở các nước bạn và khu vực, qua đó có thêm hiểu biết về bảo vệ môi trường...”.

Ông Richard Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho rằng, chương trình trao đổi mạng lưới là một sự kiện có ý nghĩa gắn kết, tạo sự học hỏi lẫn nhau giữa giới trẻ Việt Nam-Đài Loan.

Tại phần trao đổi, các sinh viên xuất sắc đến từ ba trường đại học của Đài Loan và 3 trường đại học của Việt Nam cùng thành viên các tổ chức phi chính phủ của hai nước đã thảo luận về các vấn đề giáo dục môi trường của hai nước, phát huy sức sáng tạo nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện lĩnh vực giáo dục môi trường cũng như bảo vệ môi trường nói chung.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đánh giá những bài thuyết trình của sinh viên 2 nước đã thể hiện kiến thức rộng và sự quan tâm giải quyết những vấn đề về môi trường toàn cầu. Các báo cáo đã đề cập đến những vấn đề hết sức cơ bản liên quan đến môi trường toàn cầu như: Đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, bảo tồn tự nhiên, kinh tế tái chế...

"Các bạn thể hiện góc nhìn đa dạng, vừa có các tiếp cận từ góc độ kỹ thuật, vừa có tiếp cận từ góc độ chính sách, rồi cả góc độ nhận thức, thái độ, tâm lý, hành vi... của cộng động về vấn đề môi trường và giáo dục môi trường. Các ví dụ được các bạn trẻ nêu ra rất độc đáo và sinh động, trong đó có cả các thí nghiệm trên thực tế mà các bạn quan sát, tiến hành", PGS-TS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Ông Richard Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (ảnh: T.A)

Ông Richard Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (ảnh: T.A)

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Vũ Minh Lý chia sẻ: Giáo dục môi trường kết nối con cái chúng ta với thế giới xung quanh, dạy chúng về cả môi trường tự nhiên và môi trường đã được con người tạo ra; nâng cao nhận thức về các vấn đề tác động đến môi trường mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào, cũng như hành động chúng ta có thể thực hiện để cải thiện và duy trì nó.

Giáo dục môi trường khuyến khích sinh viên nghiên cứu, điều tra cách thức và lý do tại sao mọi thứ xảy ra và tự đưa ra quyết định về các vấn đề môi trường phức tạp. Giáo dục môi trường thúc đẩy ý thức về vị trí và kết nối thông qua sự tham gia của cộng đồng, để khuyến khích người dân tìm hiểu thêm hoặc hành động để cải thiện môi trường của họ.

Từ quan điểm đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong giáo dục môi trường, thông qua quyết tâm tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình chính thống, được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và các quy định khác, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động ngoại khóa, và thông qua tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

 Sinh viên 2 nước thảo luận về các vấn đề giáo dục môi trường nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện (ảnh: T.A)

Sinh viên 2 nước thảo luận về các vấn đề giáo dục môi trường nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện (ảnh: T.A)

Theo ông Vũ Minh Lý, tại Việt Nam, Bộ TN&MT và Bộ GD-ĐT đã tập trung xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục môi trường trong các cấp học; tăng cường đội ngũ chuyên gia về môi trường, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học; rà soát, xây dựng và tăng cường hệ thống tài liệu, học liệu điện tử về giáo dục môi trường; tăng cường xây dựng, tăng cường các sáng kiến, giải pháp về bảo vệ môi trường trong học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi, giải thưởng…

“Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn chưa đủ, kết quả vẫn còn trong tương lai trong khi ô nhiễm và suy thoái môi trường, cũng như suy thoái đa dạng sinh học ngày càng trở nên nghiêm trọng và cấp bách hơn theo thời gian. Chúng tôi cần những nỗ lực chung và sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế”, ông Vũ Minh Lý nói.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trao-doi-mang-luoi-giao-duc-moi-truong-viet-nam-dai-loan-2019-159386.html