Trao đổi về tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động liên quan

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam nói chung và tội phạm vi phạm quy định, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng nói riêng đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và uy tín của hệ thống các tổ chức tín dụng. Bài viết trao đổi về thực trạng vi phạm pháp luật của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Pháp Lý

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Pháp Lý

Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam

Trong thời gian qua, với nhiều biến động trên thế giới, trong đó có tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Nằm trong xu thế đó, hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng nợ xấu nội bảng tại 27 ngân hàng gia tăng ở mức 129,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,87% lên 2,36%, trong đó, có 15/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Điều đáng lo ngại là tình hình vi phạm pháp luật của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam nói chung và tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng nói riêng đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và uy tín của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động, diễn biến của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng hết sức phức tạp, xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng gây thiệt hại lớn về tài sản, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây dư luận xấu trong xã hội.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (lực lượng Cảnh sát kinh tế) là lực lượng chủ công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Từ năm 2012 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 20% so với tổng số các loại tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Do vậy, việc nhận diện đúng tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng cũng như các đặc điểm liên quan có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ của quốc gia.

Tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 206, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thay thế tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 1999, Bộ Luật Hình sự năm 1999 với những điểm mới mang tính hoàn thiện như: (1) Quy định rõ ràng về hậu quả của hành vi phạm tội; (2) Quy định đầy đủ, chi tiết về hành vi khách quan của tội phạm; (3) Mở rộng về chủ thể tội phạm; (4) Thay đổi về các mức hình phạt. Những điểm mới trên đã được bổ sung để phù hợp với công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong bối cảnh mới.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hoạt động, diễn biến của tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng hết sức phức tạp, xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng gây thiệt hại lớn về tài sản, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây dư luận xấu trong xã hội. Từ năm 2012 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 20% so với tổng số các loại tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Về địa bàn hoạt động, các hoạt động phạm tội chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng... và các tỉnh, thành phố đông dân cư, có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với đặc điểm riêng về kinh tế, chính trị và là những nơi đứng đầu về phát triển kinh tế của cả nước, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những địa bàn có rất nhiều chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng, tập trung nguồn vốn lớn cho các doanh nghiệp, cá nhân.

Thực tế cho thấy, cùng với Vietcombank, Vietinbank và Agribank, BIDV - bốn ngân hàng thương mại Nhà nước có nhu cầu cấp thiết cần tăng vốn điều lệ để phát huy vai trò đắc lực trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khi càng được các cơ quan chức năng tạo điều kiện với nhiều ưu đãi, cơ chế thuận lợi và một số rủi ro trong công tác quản lý thì tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng càng dễ xuất hiện tại những ngân hàng này.

Nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội

Kết quả điều tra cho thấy, phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mọi mặt, tập trung chủ yếu qua các hành vi:

Thứ nhất, cho vay không đảm bảo tính pháp lý, chính xác về tài liệu, hồ sơ cho vay như sử dụng hồ sơ tài sản thế chấp giả; hợp đồng, hóa đơn mua bán giả; dự án ma; phương án kinh doanh giả, chứng thư bảo lãnh giả...

Thứ hai, cán bộ, nhân viên ngân hàng sửa chữa giấy tờ tài sản cầm cố làm tăng giá trị, thông đồng với các đối tượng khác để cho vay với giá trị lớn.

Thứ ba, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ trong quá trình khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, sai phương án kinh doanh trong hồ sơ vay hoặc để thực hiện các hoạt động trái pháp luật khác.

Thứ tư, không đăng ký giao dịch bảo đảm,cơ quan chức năng chưa công nhận và thực hiện các quyền lợi liên quan.

Thứ năm, cán bộ ngân hàng móc nối với khách hàng, doanh nghiệp không còn khả năng tài chính để được vay tiếp, vay tiền tín dụng đem đảo nợ, làm thủ tục đảo nợ khống... thực hiện giải chấp tài sản đảm bảo trong khi khách hàng chưa trả hết nợ và dùng tài sản đó thế chấp tiếp.

Thứ sáu, vi phạm quy định về cho vay và hỗ trợ lãi suất như: Không đúng thời gian (vượt quá thời gian sử dụng vốn vay thực tế), không đúng đối tượng (các khoản vay đã được các ngân hàng khác hỗ trợ, khoản vay không xác định được tài sản...)

Tình hình tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong những năm qua thường hoạt động theo tổ chức, có sự móc ngoặc, câu kết giữa các đối tượng là cán bộ trong các ngân hàng với các đối tượng ngoài ngân hàng, chủ yếu xuất phát từ những đối tượng là cán bộ thẩm định tín dụng thực hiện không đúng quy định các khâu thẩm định tài sản bảo đảm, quyết định phê duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, gỉai ngân…

Những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng gia tăng là do: (1) Công tác quản lý thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ vay vốn của ngân hàng còn lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong quy trình hoạt động và các hành vi vi phạm pháp luật; (2) Nhận thức và trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ còn chưa cao; (3) Một số văn bản pháp luật xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo giữa Luật các Tổ chức tín dụng và các Luật khác...

Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng

Theo thống kê của Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn tài sản của Nhà nước, công dân, tác động, ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và giảm thiểu các khoản nợ xấu ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện một số giải pháp nâng sau:

Một là, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng:

- Lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tập trung rà soát, nghiên cứu từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đặc điểm tội phạm học và công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện đấu tranh, xử lý tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời Nhà nước có thể kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quá trình quản lý nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng, văn bản pháp luật liên quan, yêu cầu thực tiễn về quản lý Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, sửa đổi một số quy định để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, các ngân hàng thương mại.

Hai là, đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát kinh tế phục vụ yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng:

- Tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế về công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, trang bị kiến thức cho từng cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ được tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả do tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng để lại cùng với vị trí, vai trò của công tác này đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống tài chính - ngân hàng trong bối cảnh mới.

- Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng, nghiệp vụ Công an; tổ chức nghiên cứu khoa học, hội thảo, đào tạo ngoại ngữ, tin học, để cán bộ, chiến sĩ nắm bắt thêm những kinh nghiệm trong việc giải quyết án liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm vận dụng linh hoạt trong việc xử lý, phát huy được tính độc lập, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

- Áp dụng có hiệu quả công nghệ hiện đại, phương tiện thông tin đại chúng để công tác tuyên truyền có thể tiếp cận được tất cả quần chúng nhân dân, đến mọi địa bàn, khu vực của Đất nước.

- Đổi mới hình thức vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện và tố giác tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng... Thông qua định hướng truyền thông, phổ biến đầy đủ thông tin về tội phạm lĩnh vực ngân hàng, hướng dẫn cụ thể về quy trình tố giác tội phạm đến gần với nhân dân hơn sẽ giúp quá trình tiếp nhận, xác minh thông tin tội phạm được đẩy nhanh tiến độ.

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2015), Bộ Luật hình sự năm 2015;Quốc hội (2010), Luật các tổ chức tín dụng 2010 số 47/2010/QH12;Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13;Một số website: luatminhkhue.vn, sbv.gov.vn, mps.gov.vn...

Nguyễn Phương Linh - Cục Đào tạo (Bộ Công an)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trao-doi-ve-tinh-hinh-toi-pham-trong-linh-vuc-ngan-hang-va-hoat-dong-lien-quan.html