Trao giải cuộc thi viết 'Lòng tốt quanh ta' lần 1, năm 2022-2023: Xúc động những nhân vật bước ra từ trang viết
Trân quý biết bao khi lòng tốt, việc thiện đến từ những người vốn không dư dả. Câu chuyện đẹp của họ sẽ được cộng hưởng và lan tỏa ngày càng nhiều trong cuộc sống
Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 1 năm 2022-2023 đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc khi trực tiếp vinh danh và giao lưu với những nhân vật bước ra từ những trang viết. Đó là cụ ông Trần Văn Hồng và cụ bà Nguyễn Thị My (ở Bình Thạnh, TP HCM) - nhân vật trong tác phẩm "Vợ chồng U90 nấu cơm chay miễn phí" đoạt giải đặc biệt; chị Võ Thị Sương và con gái Nguyễn Võ Anh Tú (đến từ Phú Yên) - nhân vật trong tác phẩm "Món quà vô giá của chàng trai ra đi ở tuổi 22" đoạt giải nhất.
Dấn thân bền bỉ
Tác phẩm "Vợ chồng U90 nấu cơm chay miễn phí" không chỉ nhận được sự đồng thuận cao trong Ban Chung khảo mà còn tạo nên hiệu ứng xã hội rất sâu rộng, được chia sẻ nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sự lan tỏa về tình yêu thương và những điều tốt đẹp. Ban Tổ chức đã cho xe đến tận nhà để đón hai cụ dự lễ trao giải cuộc thi.
Từ quê miền Tây Nam Bộ lên chữa bệnh, cụ Nguyễn Thị My (72 tuổi) được người thành phố giúp đỡ, khiến cụ thương mến và quyết định ở lại, gắn bó với đô thị này. Với tấm lòng thơm thảo, hết bệnh, cụ My gọi chồng là cụ Trần Văn Hồng (88 tuổi) lên TP HCM sống và nấu cơm chay miễn phí giúp người nghèo. Việc làm của hai cụ được nhiều người ủng hộ, chung tay; giúp hàng ngàn suất cơm cho người nghèo, người bệnh.
Tại lễ trao giải, cụ My nghẹn ngào: "Ngày xưa tôi nghèo lắm, lên TP HCM bán bánh xèo, bánh khọt để mưu sinh. Thấy nhiều người khổ như mình, tôi mới bàn với chồng nấu cơm chay phát miễn phí. Nhiều người thấy việc làm có ích, đã góp tiền, góp sức để có thêm nhiều bữa ăn cho người nghèo".
Trước tâm tình của hai cụ, nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban Chung khảo cuộc thi, không kìm được xúc động. Theo nhà văn, lòng tốt không chỉ là lòng tốt một ngày, một giờ, một phút, mà lòng tốt chính là sự dấn thân bền bỉ. Khi chúng ta đi gần hết cuộc đời thì tự nhủ: "Ta có phải là người tử tế hay không", "Ta có phải là người có lòng trắc ẩn hay không". "Hai bác ngồi đây là một minh chứng, là một tấm gương cho chúng ta học hỏi" - nhà văn nhìn nhận. Ông kể trước khi lễ bắt đầu, có nói chuyện với hai cụ. "Tôi có hỏi hai bác đi dự lễ trao giải thì ở nhà ai phát cơm. Hai bác nói dậy từ rất sớm và đã nấu xong cơm, nhờ người ở nhà phát giúp. Chỉ chi tiết nhỏ này thôi cũng thấy rất xúc động" - nhà văn bộc bạch.
Trân quý nghĩa cử ấy, lãnh đạo Tập đoàn CT Group đã trao tặng hai cụ số tiền 10 triệu đồng. "Cảm ơn Ban Tổ chức - Báo Người Lao Động đã cho CT Group cơ hội để được đồng hành với một cuộc thi hết sức ý nghĩa. Đặc biệt biết ơn hai cụ rất nhiều bởi đây là tấm gương rất tuyệt vời, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, đến với xã hội" - ông Vũ Hồng Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn CT Group, bày tỏ.
Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân đã trích 10 triệu trong 20 triệu đồng - số tiền nhận từ chương trình "Mai Vàng tri ân" của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) để gửi tặng hai cụ.
Ai cũng có thể cho đi
Tại buổi lễ còn có tâm sự hết sức cảm động của nhân vật từ tác phẩm "Món quà vô giá của chàng trai ra đi ở tuổi 22" - chị Võ Thị Sương ở Tuy Hòa (Phú Yên). Chị Sương đã ngồi tàu suốt đêm để kịp có mặt ở TP HCM lúc hơn 4 giờ sáng. Trong đôi mắt đỏ hoe và giọng nói ấm áp của người phụ nữ hơn 50 tuổi này chứa đựng tinh thần sống thật can trường, bao dung khi hồi tưởng lại hành trình gian nan của người mẹ nuôi con trai mang bệnh hiểm nghèo. Họ trải qua biết bao lần đổi nhà trọ khi chủ nhà sợ người bệnh qua đời trong nhà mình, những gì quý giá nhất mà gia đình luôn mang theo là di ảnh người chồng, người cha quá cố và những tấm bằng khen thành tích học giỏi của cô con gái. Đối diện nhiều biến cố đau đớn thắt lòng song mẹ con chị vẫn luôn biết nghĩ đến người khác. Khi nghe tâm nguyện của con trai Nguyễn Võ Anh Tuấn mong muốn hiến mô, tạng sau khi qua đời, chị Sương đã băn khoăn, trăn trở và quyết định đồng hành với con. Tuấn giã từ sự sống ở tuổi 22 nhưng đã để lại món quà vô giá - đôi giác mạc giúp 2 người ở Quảng Trị và Hà Tĩnh tìm lại ánh sáng. Khoảnh khắc ngay trong buổi lễ, khi chị Sương rút ra "Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng", trên thẻ có dòng chữ "Tôi tình nguyện hiến tặng mô, tạng của tôi sau khi chết/chết não mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào" khiến không ít người rơi lệ. "Quan điểm của tôi là cho đi không bao giờ cần nhận lại" - chị Sương nói.
Cảm kích trước ý chí và tình cảm tha thiết của con trai chị dành cho cuộc sống, trước tấm lòng cao cả và nghị lực của chị, bạn đọc và Báo Người Lao Động kết nối với địa phương không chỉ hỗ trợ về công việc mà còn góp tiền xây nhà tình thương. Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) tặng 66 triệu đồng; doanh nhân Lê Anh Thiên Thư tặng 30 triệu đồng và Báo Người Lao Động tặng bổ sung, tròn 100 triệu đồng để hỗ trợ chị Võ Thị Sương. Chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" - do ông Trương Hòa Bình sáng lập, Báo Người Lao Động quản lý - cũng tặng con gái chị Võ Thị Sương 10 triệu đồng làm khoản kinh phí hỗ trợ học tập.
Vinh danh 3 nhà báo có nhiều đóng góp cho báo chí nước nhà
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, sáng 23-6, chương trình "Mai Vàng tri ân" của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã vinh danh 3 nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Đó là nhà báo, nhà thơ Hoài Vũ - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; nhà báo, nhà văn, họa sĩ Huỳnh Dũng Nhân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động. Nam A Bank đã trao khoản hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi nhà báo. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam còn tặng biểu trưng của hội cho 3 nhà báo.
Đại diện các nhà báo được vinh danh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã bày tỏ sự "hạnh phúc, ấm áp". Ông cho biết phương châm sống của bản thân rất giống với tiêu chí của cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta", rằng: "Nhân văn là gì, nhân văn là lòng tin vào con người", chính điều này đã đi cùng nhà báo suốt 40 năm làm nghề. Sau khi tham dự lễ trao giải, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ dòng trạng thái "Sự kiện vui nhất của tôi trong dịp 21-6" trên Facebook.
Phát động cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 2 năm 2023-2024
Tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 1 năm 2022-2023, nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đã phát động cuộc thi viết"Lòng tốt quanh ta" lần 2 năm 2023-2024.
Ông Tô Đình Tuân chia sẻ qua lần 1, Ban Tổ chức thấy rằng lòng tốt vẫn còn rất nhiều, sự nhân ái, nhân văn vẫn còn rất nhiều, vấn đề là phát hiện và nhân lên như thế nào nên Báo Người Lao Động đã quyết định tổ chức cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 2. "Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng còn rất nhiều người, nhiều tập thể, cá nhân, nhiều tấm lòng chưa được phát hiện ở khắp mọi miền Tổ quốc" - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động bày tỏ. Ban Tổ chức mong muốn qua cuộc thi lần 2 sẽ nhận thêm được nhiều bài dự thi hay, muốn được tiếp cận thêm những người tốt - việc tốt trong cuộc sống thường ngày, do bạn viết gần xa gửi về.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM và các doanh nghiệp đã chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành với Báo Người Lao Động trong suốt thời gian qua.Theo ông Tô Đình Tuân, không chỉ riêng cuộc thi này mà trong suốt 2 năm đại dịch COVID-19, Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình, như "ATM thực phẩm miễn phí", "Tình thương cho em"… với trị giá hàng chục tỉ đồng đã giúp nhiều người lao động không chỉ ở TP HCM mà ở trên mọi miền đất nước. Hay chương trình "Mai Vàng tri ân" đã giúp rất nhiều văn nghệ sĩ... làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, càng nhân văn, càng trí tuệ hơn.
Thể lệ và thời gian tham gia cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 2 năm 2023-2024 sẽ được Ban Tổ chức công bố trong thời gian sớm nhất.