Trào lưu '30k và bữa cơm 4-5 người ăn': Tiết kiệm thời bão giá hay quá hà tiện?
Sau khi cô vợ siêu tiết kiệm xuất hiện trên TikTok và làm mưa gió bằng những 'bữa ăn hạt dẻ' thì hiện tại những bữa ăn rẻ không tưởng cũng đang trở thành trào lưu.
Ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, vật giá trong nước cũng leo thang, nhiều gia đình phải đối mặt với bài toán chi tiêu cắt giảm. Trên MXH người ta cũng đang thể hiện sự "thắt lưng buộc bụng" một cách vừa thực tế vừa hài hước bằng những bữa cơm siêu tiết kiệm, với nhiều người họ cho rằng đó là... mức giá không tưởng.
Cô vợ siêu tiết kiệm và "bữa ăn hạt dẻ"
Là trend trên MXH thôi, chuyện đâu có gì nghiêm túc quá. Nhưng lão chồng nhà tôi lại làu nhàu: "Nhìn vợ người ta đi 15k nấu ăn được cho 4 người".
Lại nhớ gần đây một anh chàng trong một show hẹn hò trên truyền hình bày tỏ quan điểm cá nhân rằng người biết chi tiêu là người có thể cầm 20k và nấu được 1 bữa ăn ra hồn, đó mới là người có tư cách tay hòm chìa khóa trong gia đình.
Quay lại từ cô vợ siêu tiết kiệm trên Tiktok dạo gần đây "trình diễn" những món ăn 15k- 18k cho 4 người, thậm chí từ comment "18k nhiều quá chị nấu 5k đi ạ" và thế là cơm 5k chị vợ này cũng làm được luôn. Điều đáng nói là trông thành phẩm cuối cùng quả thật cũng không đến nỗi nào.
Sau đó, là trend Tiktok với những bữa cơm siêu tiết kiệm có mức giá 5k, 7k, 15k, 17k khiến các bà nội trợ cứ gọi là khóc thét vì... không hiểu nổi. Nhiều người quá đà đến mức mang 5 nghìn đi mua thịt, nhưng thịt lợn bây giờ ở cái mức đắt đến mòn cả ví (150 nghìn/kg với ba chỉ) thì 5 nghìn đem ra, bà hàng thịt nào buồn cắt cho?
Người ta nửa đùa, nửa bực cảm thán: "Đến mua cho mèo, cho cún người ta còn biết điều mà mua đến 2 chục tiền thịt". Chẳng ai cấm mua 5 nghìn, có người sẽ bán đấy, nhưng cơ bản là cái trào lưu này khiến người ta sinh phiền.
"Đàn bà đảm là biết khéo co vừa ấm" - Thế là những video bữa cơm 15-20k hiện lên như một minh chứng, một bằng khen ngầm cho những cô vợ đảm thể hiện sự cần kiệm. Một số lớn, đặc biệt ở thành phố thì 150 nghìn còn khó mà đua tranh, nữa là vài nghìn cho cả gia đình "đủ chất".
Dân gian đã từng nói "buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện", nhưng ngày nay người ta lại nghĩ khác vì cho rằng biết làm ra tiền, biết tiêu tiền mới là khôn. Việc ngồi đó "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" để tính toán từng đồng dường như không được cho rằng là cách làm hay. Thậm chí nó có thể kéo tụt nhưng suy nghĩ hào phóng, thoáng đãng về khát vọng, về ước mơ mà người ta đã dày công xây cho mình và vun đắp cho con cái.
Hà tiện khác xa Tiết kiệm
Chúng ta đang sống trong thời kỳ giá cả leo thang, việc thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu là tất yếu, nhưng đến mức hà tiện một cách quá đáng như thế này thì người ta có cảm giác dường như đã đẩy câu chuyện đi hơi xa.
Người tiết kiệm thường quan tâm đến hiệu quả của dòng tiền, còn người hà tiện dường như chỉ quan tâm số tiền mình bỏ ra ít nhất có thể. Với khái niệm phân biệt sự khác nhau như thế này thì những bữa ăn gia đình 5-10-15k có tính hà tiện nhiều hơn.
Thực tế gia đình tôi ăn 150k/bữa cho 4 người, giờ khó khăn hơn tôi giảm xuống còn 100k/bữa, nhưng nhìn đến những con số giật mình như trên thì tôi chịu. Không khí của những bữa cơm 5-10-15k tôi đã có cảm giác nhìn thấy những dấu hiệu không vui vẻ.
Nếu một số cho rằng đây chỉ là trò vui hoặc có tính tham khảo thì cũng không đúng. MXH nhiều khi đẩy sự việc đi xa hơn người ta tưởng, khi trào lưu được tạo ra thì có những hệ lụy cũng xảy đến và điều này đang ảnh hưởng trực tiếp vào suy nghĩ của không ít người.
Warren Buffett nói rằng: "Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau tiết kiệm". Như vậy người tiết kiệm là người biết sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình, nghĩa là bỏ ra khoản tiền tiết kiệm trước rồi tiêu dùng ở phần còn lại.
Còn người hà tiện họ nghĩ ngắn hơn và dường như chỉ chăm chăm chi tiêu ít nhất có thể. Cũng không loại trừ có ai đó sinh ra những bữa cơm tiết kiệm cũng có khi chỉ vì thu về những chiếc like.
Vì vậy, điều muốn nói là tôi luôn ủng hộ chi tiêu tiết kiệm, nhưng tôi không thực sự ủng hộ sự hà tiện. Thứ khiến người ta co ro ngồi đó lo "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" và học cách sống khổ thay vì nghĩ cách kiếm tiền hay giải những bài toán lớn lao hơn để thực hiện những giấc mơ lớn hơn của đời mình.