Trào lưu 'Anti vắc xin': Trẻ mất cơ hội tạo lá chắn miễn dịch
Lời Tòa soạn: Hiện nay, trào lưu 'Anti vắc xin' đang lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người dân hoang mang, thậm chí có người từ chối việc tiêm vắc xin cho trẻ.
Để làm rõ những tác hại của trào lưu này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
*P.V: Thưa ông, việc phụ huynh từ chối tiêm vắc xin sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ?
- Ông Nguyễn Văn Đồng: Hiện nay, cán bộ y tế khá vất vả trong tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin cho trẻ khi một số người phản đối tiêm chủng. Họ coi tiêm chủng bắt buộc là sự can thiệp của Chính phủ vào lựa chọn cá nhân. Những người khác lo ngại về sự an toàn, hiệu quả của vắc xin hoặc tin rằng các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin không gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe.
Quan niệm sai lầm này là nguồn cơn dẫn tới việc phụ huynh “Anti vắc xin”-từ chối tiêm chủng vắc xin khiến trẻ mất cơ hội tạo lá chắn miễn dịch và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trên thực tế, trẻ em tiếp xúc với nhiều kháng nguyên lạ mỗi ngày. Thức ăn đưa vi sinh vật mới vào cơ thể và vô số vi sinh vật sống trong miệng, mũi khiến cho hệ thống miễn dịch tiếp tục phơi nhiễm với nhiều kháng nguyên.
Ở trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch còn non yếu dễ nhạy cảm với mầm bệnh. Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin được quy định trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong thuộc nhóm B theo Điều 3, Luật Phòng-chống bệnh truyền nhiễm.
*P.V: Ông có thể nói rõ thêm về lợi ích của việc tiêm vắc xin và khuyến cáo gì với các bậc phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ?
- Ông Nguyễn Văn Đồng: Các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho thấy tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp dự phòng an toàn, hiệu quả nhất để dự phòng mắc bệnh, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.
Tác động của vắc xin là rất to lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin giúp giảm 2-3 triệu trẻ em tử vong hàng năm do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm màng não do Hib, viêm phổi… Bên cạnh đó, tiêm chủng góp phần làm giảm tỷ lệ kháng sinh và ngăn chặn các chủng kháng sinh, kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe và giảm biến chứng bệnh tật. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe.
*P.V: Tại Gia Lai, công tác tiêm chủng được triển khai và đảm bảo an toàn như thế nào thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Đồng: Theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13-6-2024 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, công tác tiêm chủng mở rộng có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ mang thai để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến.
Cụ thể các hoạt động đã và đang triển khai bao gồm: tiêm chủng thường xuyên, tổ chức tiêm bù mũi cho các đối tượng chưa tiêm đủ mũi, phối hợp với ngành Giáo dục để triển khai tiêm chủng bù liều cho trẻ mầm non và tiểu học, thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi-Rubella, hoạt động triển khai tiêm vắc xin Td, hay sắp tới là triển khai vắc xin Rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng…
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác này, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh quán triệt thực hành tốt bảo quản vắc xin và thực hành an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Công tác tiêm chủng mở rộng tại tỉnh được triển khai an toàn và đúng quy định.
*P.V: Ông có thể khái quát những kết quả mà Chương trình tiêm chủng mở rộng mang lại đối với công tác phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?
- Ông Nguyễn Văn Đồng: Trên thực tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã mang lại những kết quả như: thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; khống chế và tiến tới loại trừ nhiễm viêm gan B; khống chế bệnh bạch hầu, ho gà. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa không mắc bệnh và tránh các biến chứng nặng của bệnh.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên toàn tỉnh (tính đến tháng 11-2024) đạt hơn 80%, tỷ lệ bao phủ vắc xin càng rộng giúp các cá nhân được tiêm chủng ngăn ngừa yếu tố gây bệnh, giúp bảo vệ một phần các cá thể vì lý do mẫn cảm với vắc xin mà không được chủng ngừa. Từ đó tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, bền vững và phát triển.
*P.V: Xin cảm ơn ông!