Trào lưu điệu nhảy yêu nước lan tỏa mãnh liệt trên mạng xã hội dịp 30/4
Trend 'điệu nhảy yêu nước' đang gây bão trên TikTok và Facebook với loạt video đạt hàng triệu lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ, trở thành hiện tượng mạng xã hội nổi bật trong những ngày giữa và cuối tháng Tư, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Dạo quanh nền tảng mạng xã hội vào những ngày giữa và cuối tháng 4, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ khoác áo dài, mặc áo cờ đỏ sao vàng hoặc áo bộ đội xuất hiện dày đặc, đồng loạt thực hiện các động tác nhảy trên nền nhạc của hai ca khúc nổi tiếng: Máu đỏ da vàng do DTAP sáng tác, ca sĩ Erik trình bày và Viết tiếp câu chuyện hòa bình do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác, ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh thể hiện.
Điều đặc biệt ở trào lưu này chính là sự gần gũi, dễ tiếp cận. Chỉ cần vài động tác đơn giản, dễ ghi nhớ, bất kỳ ai – dù là người mới học nhảy hay chỉ muốn thử sức – đều có thể tham gia. Không cần tới sân khấu chuyên nghiệp hay ánh đèn rực rỡ, chỉ cần một góc nhỏ trong nhà, sân trường, công viên hay nơi làm việc, là bạn đã có thể ghi lại một video mang đậm chất Việt.

Các TikToker và nghệ sĩ nổi tiếng tham gia trào lưu. (Ảnh chụp màn hình)
Sức hút mạnh mẽ của trào lưu còn đến từ sự góp mặt của các nhà sáng tạo nội dung có tầm ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ thực hiện các video mẫu, mà còn hướng dẫn cụ thể cách thực hiện, từ từng động tác vũ đạo đến biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt. Nhiều video hướng dẫn còn được dựng công phu, lồng ghép kỹ thuật chuyển cảnh, hiệu ứng âm thanh để tăng tính hấp dẫn và lan tỏa.

Nữ ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh và màn "biến hình" đầu tư khi tham gia trào lưu nhảy yêu nước. (Ảnh chụp màn hình)
Không ít bạn trẻ đầu tư nghiêm túc cho sản phẩm của mình. Ngoài phần nhảy làm điểm nhấn chính, nhiều bạn còn tạo ra phân đoạn “biến hình” đầy sáng tạo: từ học sinh phổ thông thành chiến sĩ thời chiến, từ bộ đồng phục học đường thành áo dài truyền thống, hoặc từ một góc phố hiện đại quay về bối cảnh làng quê xưa. Những chuyển đổi mượt mà ấy không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn thể hiện chiều sâu về mặt ý tưởng – như một cách kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Sự lan tỏa không dừng ở người trẻ. Rất nhiều em nhỏ mẫu giáo, tiểu học cũng xuất hiện đều đặn trong các video. Gương mặt ngây thơ, động tác còn vụng về, nhưng chính sự hồn nhiên đó lại khiến cộng đồng mạng vô cùng thích thú. Nhiều phụ huynh và giáo viên cũng tích cực hưởng ứng, xem đây là cách truyền dạy lòng yêu nước cho thế hệ tiếp theo một cách tự nhiên và hiệu quả.
Tại một số trường học, giáo viên còn lồng ghép điệu nhảy vào các hoạt động ngoại khóa. Cô giáo Nguyễn Thanh Hà – giáo viên tại trường Tiểu học Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, chia sẻ: "Không đơn thuần là nhảy cho vui, trào lưu này mang trong mình thông điệp về tình yêu đất nước. Học sinh vừa luyện vận động, vừa tiếp cận với lịch sử theo cách trực quan và dễ nhớ nhất."
Phan Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội), bày tỏ: "Mình rất tự hào khi thực hiện điệu nhảy này. Âm nhạc truyền cảm hứng, động tác đơn giản mà ý nghĩa, đặc biệt là khi nhìn thấy bạn bè xung quanh và cả những người chưa từng quen biết đều cùng nhau lan tỏa tinh thần Việt Nam, mình càng thấy xúc động."
Đồng quan điểm, bạn Khánh Ly – sinh viên năm ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: "Là gen Z, mình sinh ra trong thời bình, chưa từng trải qua chiến tranh, nhưng khi mặc áo cờ đỏ và nhảy trên nền nhạc mang âm hưởng hào hùng, mình cảm thấy được kết nối với tinh thần của cha mẹ, ông bà. Đó là một cảm xúc rất đặc biệt."
Ca sỹ Nguyễn Duyên Quỳnh tham gia trào lưu với màn biến hình ấn tượng. (Nguồn: Nguyễn Duyên Quỳnh)
Một TikToker nổi tiếng tham gia trào lưu trong trang phục một nữ quân nhân. (Nguồn: @mylee_real)
Các bạn trẻ đến từ những tỉnh thành khác nhau cùng tham gia trend. (Nguồn: @trannhattan4)
Một video đạt 7,9 triệu lượt xem trên TikTok. (Nguồn: @nhatthien120797)
Không ít video còn mang nội dung đầy sáng tạo như ghi lại cảnh cả gia đình cùng nhảy, nhóm bạn thân từ các tỉnh thành khác nhau cùng hẹn giờ quay đồng bộ, hoặc người trẻ cùng ông bà mình thể hiện những bước nhảy nhẹ nhàng. Chính những điều bình dị ấy đã tạo nên bản sắc riêng biệt cho trào lưu nhảy yêu nước – không cầu kỳ, không xa vời, mà chân thành và gần gũi.
Thạc sĩ Nguyễn Mai Lan, chuyên viên truyền thông tại Công ty One Mount cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà trào lưu điệu nhảy yêu nước lan rộng và được đón nhận nồng nhiệt đến vậy trong những ngày tháng 4. Sự xuất hiện đồng loạt của các bạn trẻ trên mạng xã hội, trong trang phục áo dài truyền thống, áo cờ đỏ sao vàng hay áo bộ đội, đã biến không gian số thành một "sân khấu cộng đồng" để thể hiện tình yêu nước một cách gần gũi, trẻ trung mà nhưng đầy trang trọng.
Chị nhận định: “Điểm đáng ghi nhận của trào lưu này là tính tiếp cận phổ quát. Dù là học sinh, sinh viên, người đi làm, nghệ sĩ hay chỉ đơn giản là người dùng mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể tham gia mà không cần điều kiện kỹ thuật hay năng lực chuyên môn phức tạp".
Cũng theo chị Lan, đây là ví dụ điển hình cho thấy tinh thần yêu nước, giá trị văn hóa có thể được "kích hoạt" mạnh mẽ nếu biết tận dụng công cụ của thời đại: “Trước đây, các giá trị lịch sử, văn hóa thường được truyền đạt qua sách vở hoặc các phương tiện truyền thống. Nhưng giờ đây, với mạng xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ, giới trẻ đang tự tạo ra một hình thức tiếp cận mới, sống động hơn, mang màu sắc cá nhân và tính tương tác cao. Việc kết hợp giữa âm nhạc hiện đại, nhịp điệu sôi động với các biểu tượng văn hóa – như áo dài, khăn rằn, áo bộ đội – là minh chứng rõ rệt cho khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc làm mới những giá trị cũ.”
Đáng chú ý, trào lưu không chỉ dừng lại ở biểu diễn đơn thuần mà còn mang yếu tố giáo dục cộng đồng rất rõ nét. Theo chị, thông qua trào lưu này, người trẻ đang tái hiện tinh thần lịch sử theo cách gần gũi và dễ hiểu. Những “cú biến hình” trong video – từ học sinh thành chiến sĩ, từ hiện đại quay về truyền thống – không chỉ đẹp mắt mà còn hàm chứa thông điệp rõ ràng: quá khứ và hiện tại luôn gắn kết, và mỗi thế hệ đều có trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản dân tộc.
Cuối cùng, chị Mai Lan khẳng định, trào lưu nhảy yêu nước không nên chỉ được nhìn nhận như một hiện tượng bề nổi. “Nó phản ánh tinh thần dân tộc được hồi sinh trong không gian số – nơi thế hệ trẻ vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thụ hưởng, và cũng chính là người truyền cảm hứng. Nếu chúng ta biết tiếp cận và định hướng đúng cách, những trào lưu như thế này sẽ không chỉ dừng ở vài ngày sôi động mà có thể trở thành một chất liệu giáo dục, một kênh truyền thông văn hóa hiệu quả cho cả xã hội.”