Trào lưu đông lạnh trứng vì tương lai

Hiện nay, có nhiều phụ nữ sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền cho dịch vụ trữ đông trứng, chờ cơ hội mang thai và sinh con trong tương lai. Đối với một số phụ nữ, họ hy vọng lựa chọn này cho phép duy trì khả năng sinh nở khi tìm được một nửa của mình, hoặc cho tới khi lập gia đình. Nhưng, hiện tại họ còn vướng bận theo đuổi sự nghiệp.

Câu chuyện đông lạnh trứng dự phòng cho tương lai của phụ nữ

Nadine, nữ giám đốc một nhà hàng tại New York (Mỹ), lựa chọn công nghệ đông lạnh trứng và thường xuyên lui tới cơ sở y tế Upper West Side để thực hiện siêu âm theo chu kỳ. Nadine nằm trong số hàng ngàn phụ nữ mỗi năm quyết định trữ trứng đông lạnh như một biện pháp "bảo hiểm" cho tương lai. Nadine mới 36 tuổi, sống tằn tiện suốt thời gian tuổi 20 cho tới khi ngoài 30 nhằm tiết kiệm đủ tiền mua nhà.

Nhưng đến tuổi 34, Nadine quyết định sử dụng số tiền tiết kiệm ít ỏi đồng thời vay mượn thêm để có đủ tiền trữ đông trứng. Mặc dù hiện nay kiếm được nhiều tiền hơn lúc trước song Nadine vẫn phải dốc sức làm việc để có tiền trả khoản nợ đã vay. Nadine không thấy hối tiếc bởi vì như cô tâm sự: "Độ tuổi 34 được coi là giới hạn cho việc sinh nở, cho nên bác sĩ khuyên trữ đông trứng và tôi thấy đó là việc cần làm".

Emma Jane, nữ chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ở London (Anh), kiếm được khoảng 55 ngàn bảng Anh/ năm và bắt đầu cân nhắc sử dụng công nghệ trữ đông trứng khi 37 tuổi. Emma Jane tìm hiểu các cơ sở y tế một cách cẩn thận và cuối cùng chọn một nơi để thực hiện một số xét nghiệm cần thiết với giá khoảng 200 bảng Anh.

Ngoài khoản phí tổn cho việc hút trứng, các cơ sở y tế thường tính tiền rất đắt cho việc lưu giữ trứng trong các bể chứa đông lạnh đặc biệt.

Ngoài khoản phí tổn cho việc hút trứng, các cơ sở y tế thường tính tiền rất đắt cho việc lưu giữ trứng trong các bể chứa đông lạnh đặc biệt.

Tháng 11-2017, Jane được hút trứng tại một cơ sở y tế nổi tiếng với phương pháp sử dụng ít thuốc hơn cho nên chi phí thấp hơn, nhưng khả năng trứng đậu thai thành công cũng thấp hơn. Mặc dù vậy, Jane cũng tốn đến 5.100 bảng Anh.

Emma Jane kể: "Đó là một khoản tiền rất lớn". Các bác sĩ khuyến nghị là phụ nữ nên có 20 trứng để có cơ hội sinh con thành công cao nhất cho nên Jane có kế hoạch tiếp tục hút trứng đợt thứ 2. Emma Jane tốn hơn 300 bảng Anh mỗi năm để trữ đông trứng tại Anh trong thời gian tối đa cho phép là 10 năm.

Sau đó, chi phí cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể tốn đến 5.000 bảng Anh hoặc thậm chí còn cao hơn nếu chọn cơ sở y tế tư nhân. Đó là khoản phí tổn khổng lồ cho những phụ nữ muốn có con muộn như Emma Jane.

Tuy nhiên, công nghệ trữ đông trứng không bảo đảm tỷ lệ thành công trong mọi trường hợp, và phần lớn các ca IVF thường thất bại - chỉ có một phần năm đạt kết quả như ý muốn - và sẽ luôn có khả năng là trứng đông lạnh không còn dùng được sau quá trình rã đông, hoặc có thể phát sinh một số bất thường về nhiễm sắc thể.

Helaine Olen, tác giả cuốn sách "Pound Foolish", đặt câu hỏi vì sao có quá nhiều tiền được đổ vào ngành công nghiệp vẫn còn đang đạt tỷ lệ thành công thấp như thế. Olen bình luận: "Đây là chuyện những phụ nữ Mỹ đang được chào mời một thứ công nghệ không có gì đảm bảo thành công, như một cách đề cập đến các vấn đề xã hội rộng lớn hơn". Tiffany Murray, nay 40 tuổi, trữ đông trứng khi cô 34 tuổi sau khi không mấy thành công trong việc hẹn hò ở Washington DC.

Thay vì lấy chồng để sinh con trước khi quá muộn, Murray chọn giải pháp trữ đông trứng. Cha mẹ cô đã trả tiền cho việc này như món quà Giáng sinh. Bốn năm sau, Murray gặp người chồng hiện nay và họ đã nhanh chóng thụ tinh "theo cách tự nhiên".

Tuy nhiên, Murray vẫn phải trả tiền để 14 trứng của mình được trữ đông. Trong khoảng thời gian 6 năm kể từ khi Murray bắt đầu trữ đông trứng, chi phí phải chi trả hàng năm tăng từ 350 USD lên 600 USD. Với mức giá này, Murray nói đùa "trứng của tôi đang bị giữ làm con tin để đòi tiền chuộc".

Làn sóng đông lạnh trứng và gánh nặng chi phí

Tiến trình đông lạnh trứng có thể nói là tương tự như phần nửa đầu của quá trình IVF. Nói cách khác, hormone cần được kích thích để nhiều trứng rụng cùng lúc và sau đó hút chúng ra đem đông lạnh.

Về sau, phụ nữ có thể dùng số trứng đã đông lạnh này để làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF nếu như họ không có khả năng thụ thai theo cách tự nhiên. Thế nhưng, lựa chọn công nghệ đông lạnh trứng - hay còn gọi bằng từ chuyên môn là phương pháp bảo quản noãn bào bằng hình thức đông lạnh - khiến đối tượng phải chịu gánh nặng chi phí đáng kể.

Tại Mỹ, một lần thực hiện đông lạnh trứng có thể tốn tới 17.000 USD, tức là tương đương với một phần năm thu nhập trung bình của một gia đình.

Tại Anh, lựa chọn này tốn từ 2.500 tới 5.000 bảng Anh - tương đương khoảng từ 10% đến 20% số tiền chi tiêu của một gia đình có thu nhập trung bình. Việc trang trải các khoản phí tổn này gây căng thẳng tài chính cho phụ nữ, vốn đã có thu nhập thấp hơn và cũng tiết kiệm được ít hơn so với nam giới.

Nhiều phụ nữ quyết định đông lạnh trứng có nghĩa sẵn sàng hy sinh các khoản tiền tiết kiệm, thậm chí có người còn mắc những khoản nợ lớn do phải đi vay để trang trải cho quá trình này, hoặc cho các khoản y tế tốn kém liên quan.

Các chuyên gia cho rằng trữ đông trứng giúp những phụ nữ độc thân có con.

Các chuyên gia cho rằng trữ đông trứng giúp những phụ nữ độc thân có con.

Tại sao những người phụ nữ này lại sẵn sàng bỏ ra một cái giá cao như thế - mà thường là phải đánh đổi với những mục tiêu khác như mua nhà hay có đảm bảo tài chính trong tương lai - để trữ số trứng mà rất có thể rồi sẽ chẳng bao giờ cần đến? Chưa hết, chắc chắn là không ai dám đảm bảo rằng số trứng đông lạnh khi được đem ra dùng sẽ cho kết quả một thai kỳ thành công?

Trong những năm gần đây, số phụ nữ lựa chọn công nghệ trữ đông trứng gia tăng nhanh chóng - chỉ có 564 lượt tiến hành trữ đông được thực hiện tại Mỹ năm 2009, nhưng con số này vào năm 2016 tăng vọt lên 8.892 ca, theo Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản (SART) của Mỹ. Tại Anh, Cơ quan Quản lý Hoạt động Thụ tinh nhân tạo và Phôi thai (FEA), ghi nhận có khoảng 1.170 lượt trữ đông trứng trong năm 2016 - tăng từ con số 395 lượt hồi năm 2012.

Việc gia tăng này phần nào có thể giải thích được là hồi năm 2012, khi Hội Y tế Sinh sản Mỹ (ASRM) dỡ bỏ hạn chế "thử nghiệm" nhờ một số tiến bộ trong công nghệ làm đông lạnh trứng khiến trứng có nhiều cơ hội thụ thai thành công hơn sau khi rã đông. Truyền thông đưa tin rộng rãi về việc các hãng công nghệ khuyến khích nhân viên tiến hành trữ đông trứng như một phần trong các gói phúc lợi, và việc các gương mặt nổi tiếng đi tiến hành trữ đông trứng, khiến lựa chọn này được biết đến rộng rãi hơn trong công chúng.

Những công ty như EggBanxx, công ty chuyên về dịch vụ tài chính, cũng chào mời các khoản vay cho việc rút trứng trữ đông lạnh. Các nghiên cứu về hiện tượng trên cho thấy có lẽ phụ nữ đi tiến hành thủ thuật rất tốn kém này như một hình thức đánh bạc vì những điều sâu xa hơn chứ không chỉ vì muốn để thời gian phấn đấu cho sự nghiệp.

Kết quả nghiên cứu chưa được công bố do Marcia Inhorn - nhà nhân chủng học Đại học Yale (Mỹ) - cho thấy 90% trong số 150 phụ nữ Mỹ được phỏng vấn trong quá trình nghiên cứu về việc đi làm đông lạnh trứng cho thấy việc còn đang phải tìm kiếm bạn đời phù hợp là lý do chính. Zeynep Gurtin, nhà nghiên cứu Đại học Cambridge, nói rằng tại Anh cũng có hiện tượng tương tự. Thế nhưng điều đó có ý nghĩa thế nào với tình hình tài chính của người phụ nữ?

Phụ nữ vốn đã kiếm được ít hơn so với nam giới trong hầu hết mọi ngành nghề, và họ cũng có ít hơn những tài sản như các quỹ lương hưu hay bất động sản. Tại Mỹ, phụ nữ chỉ có số tài sản bằng 32% của nam giới. Tuy số lượng phụ nữ đi làm thủ thuật hút trứng ra để trữ đông khá là nhỏ nếu xét trên quy mô cả nước, nhưng với riêng từng người thì chi phí lại rất lớn.

Một số rủi ro của công nghệ đông lạnh trứng

Những phụ nữ muốn đông trữ trứng cần nhận biết về "tỷ lệ thành công tương đối thấp" khi thụ thai - một chuyên gia phụ khoa hàng đầu cho biết. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ đông lạnh trứng sau tuổi 35 nhưng cơ hội thụ thai thành công giảm đi.

Adam Balen, giáo sư Đại học Sản khoa và Phụ khoa Hoàng gia Anh, bình luận: "Đông lạnh trứng không đảm bảo là sẽ có con". Tuy nhiên, Jara Ben Nagi - nữ chuyên gia Trung tâm Sức khỏe Sinh sản và Gene di truyền - cho rằng công nghệ trữ đông trứng có thể giúp các phụ nữ độc thân chờ đợi cho tới khi họ gặp được người bạn đời tâm đầu ý hợp mới có con.

Hiện nay, cuộc tranh luận đang nổ ra sôi nổi giữa 2 nhóm chuyên gia về lợi ích và rủi ro liên quan đến công nghệ đông lạnh trứng và phương pháp sinh con trong ống nghiệm cho phụ nữ ở độ tuổi gần 40 diễn ra trên tạp chí Nhật ký quốc tế về Sản khoa và Phụ khoa.

Giáo sư Adam Balen lập luận: "Tỷ lệ thành công cho phương pháp đông trứng đã cải thiện đáng kể trong những năm qua, tạo cơ hội cho phụ nữ trữ đông trứng vì những lý do xã hội nếu họ chưa sẵn sàng có con. Mặc dù những lựa chọn của phụ nữ phải được hỗ trợ, họ cần phải biết là tỷ lệ thành công tương đối thấp, chi phí cao đồng thời không loại trừ một số tác dụng phụ.

Phụ nữ cũng được biết rằng ở Anh, giới hạn thời gian đông trứng cho lý do xã hội [không phải sức khỏe] hiện nay là 10 năm". Giáo sư cũng cảnh báo phụ nữ đi khám chuyên gia sức khỏe sinh sản nên chọn phòng khám có kinh nghiệm. Giáo sư nhận định thời gian tốt nhất để trữ đông trứng cho phụ nữ là ở độ tuổi ngoài 20, và chắc chắn là dưới tuổi 37.

Tuy nhiên, Jara Ben Nagi bảo vệ quan điểm rằng lựa chọn đông lạnh trứng cho phép phụ nữ độc thân có nhiều thời gian hơn để tìm bạn đời và cho họ có hy vọng ở thời điểm mà khả năng thụ thai của họ suy giảm. Nhóm này chỉ ra rằng trong một nghiên cứu đối với 1.382 phụ nữ đã thực hiện đông lạnh trứng, 120 người dùng trứng của mình sau một khoảng thời gian trung bình là hơn 2 năm.

Và, 45 trong số 95 phụ nữ độc thân lúc đó đã dùng trứng sau khi họ có bạn đời. Họ nói thêm rằng tỷ lệ sống sót của trứng đông lạnh với phương pháp thủy tinh hóa (vitrification) là 85%, và tỷ lệ có thai là 27% - không mấy khác so với tỷ lệ thành công của phương pháp IVF cho phụ nữ độ tuổi từ 35 đến 37.

Nhóm này nói: "Phụ nữ không nên bị trừng phạt với tình trạng vô sinh chỉ vì họ không tìm được bạn đời. Họ cũng không nên bị áp lực phải có mối quan hệ chỉ vì hoạt động giảm sút của buồng trứng". Timothy Bracewell-Milnes - giáo sư Đại học Hoàng gia London (Anh) - và các đồng nghiệp từ Bệnh viện Chelsea & Westminster ở London cảnh báo đa số phụ nữ chỉ thực hiện các biện pháp bảo tồn khả năng có con khi đã quá muộn.

Theo họ, các biện pháp này thường được thực hiện như "nỗ lực cuối cùng" thay vì có sự lựa chọn có kế hoạch với đầy đủ thông tin khi họ ở độ tuổi ngoài đến giữa 30.

Theo nhóm này, nghiên cứu cho thấy người trẻ tuổi không biết về giới hạn của chức năng sinh sản nữ và thường "đánh giá quá cao" tỷ lệ đông lạnh trứng thành công khi họ muốn có thai sau này. Nhóm nghiên cứu kết luận: "Trữ đông trứng một cách gián tiếp khuyến khích phụ nữ có con muộn hơn, và điều này kéo theo rủi ro cao hơn rất nhiều về biến cố khi mang thai".

Đối với những phụ nữ gần 40 tuổi, cần có 30 trứng đông lạnh để có khả năng thụ thai cao hơn. Điều này đòi hỏi phải có 3 chu kỳ kích thích buồng trứng với chi phí vào khoảng 15.000 bảng Anh. Ngoài ra, phụ nữ còn phải trả phí trữ đông từ 200-400 bảng Anh/năm cộng thêm các chi phí khác khi sử dụng trứng đông lạnh.

Họ đồng ý đông lạnh trứng phải được coi là giải pháp cho các phụ nữ độc thân ở tuổi giữa và cuối 30, những người "chấp nhận chi phí cao và tỷ lệ thành công thấp, nhưng họ phải được cung cấp thông tin chính xác và cân bằng về độ an toàn và khả năng thành công". Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng phụ nữ cần phải được biết tất cả các thông tin cần thiết để có quyết định cuối cùng.

An An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/trao-luu-dong-lanh-trung-vi-tuong-lai-564818/