Trào lưu 'FIRE' – Giấc mơ về hạnh phúc của giới trẻ
FIRE có lẽ là từ mà rất nhiều người trẻ dùng để làm 'kim chỉ nam' cho cuộc sống của mình. FIRE hiểu đơn giản chính là mong muốn được nghỉ hưu 'non', còn dịch từ tiếng Anh là Financial Independence, Retire Early, có nghĩa là 'độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm'.
Làm cật lực để được nghỉ hưu “non”
Phạm Ngọc Hạnh (23 tuổi), đang là nhân viên bất động sản ở Hà Nội cho biết, hiện tại cô đang làm hai công việc một lúc. Một việc chạy content bán hàng online và một việc là nhân viên sale bất động sản. Thu nhập của cô rơi vào khoảng 70 triệu đồng/tháng. Hạnh tâm sự, cô làm việc gần như không có ngày nghỉ, với hy vọng: “Tôi muốn tích lũy thật nhiều tiền bạc, để có thể về hưu sớm trong tương lai”. Giấc mơ của Hạnh là nghỉ hưu năm 40 tuổi, trở về quê, mở một trung tâm dạy học nho nhỏ, để giúp đỡ các em học sinh ở quê hương.
Trần Phương Ly (26 tuổi), hiện là giáo viên cho biết, ngoài làm giáo viên trên trường, cô còn đi dạy thêm ở các trung tâm. Ly chia sẻ, công việc bận rộn đến mức, mỗi ngày cô chỉ có bốn tiếng để ngủ. Cho nên, giấc mơ của Ly đó là ổn định công việc, có mức thu nhập thật tốt, để sau này về hưu “non” khi cảm thấy mình không còn sức lực để đáp ứng nhu cầu công việc nữa.
Bùi Văn Nam (24 tuổi) chia sẻ, năm đầu tiên sau khi ra khỏi đại học, anh đã nhận ba công việc cùng một lúc. Một công việc làm trong giờ hành chính, một công việc làm bán thời gian và một công việc hỗ trợ cộng đồng vào cuối tuần. Nam từng cho rằng sống phải cống hiến hết mình.
Thực tế, điều này khiến anh kiệt quệ sức lực, rơi vào trầm cảm và phải đến viện truyền nước rất nhiều lần: “Mỗi ngày, tôi làm việc từ tám giờ sáng cho đến ba giờ sáng ngày hôm sau”. Cuối cùng, anh nghỉ bớt việc và dành thời gian đi du lịch Sa Pa. Nam cho biết, đó lúc anh nhận ra, hạnh phúc không phải nằm ở việc kiếm tiền, mà ở khoảnh khắc anh được ngủ đủ giấc, ăn một bữa cơm mà không cần lo lắng: “Tôi quyết định, sẽ nỗ lực kiếm tiền để nghỉ hưu sớm. Vì tôi muốn được tận hưởng cảm giác hạnh phúc ấy một lần nữa”.
Theo cuộc khảo sát của Northwestern Mutual (tại Mỹ), cho thấy hai thế hệ trẻ nhất trong nhóm tuổi lao động đều bày tỏ kỳ vọng được nghỉ hưu trước tuổi 60. Còn theo GOBankingRates, tỷ lệ Gen Z (sinh từ năm 1990 – 2010) muốn nghỉ hưu sớm là 59,4%, Gen Y là 59,5%. Nhìn chung, độ tuổi trung bình người trẻ muốn nghỉ hưu giảm nhẹ từ 63,4 xuống 62,6.
Sự thật, không một thời đại nào, mà người trẻ phải đối diện với nhiều áp lực như thế kỷ hai mốt hiện nay. Gen Z (sinh từ năm 1990 - 2010) phải chịu áp lực rất sớm, từ những năm cấp I, cấp II, thậm chí ngày nay, nhiều đứa trẻ mới học mẫu giáo đã phải gánh “giấc mơ” nặng nề của gia đình, xã hội.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn, bao gồm Millennials (sinh từ 1980 - 1990) chiếm 56%, Gen Xers (sinh từ 1970 - 1980) chiếm 51% và Boomers (1946 - 1970) chiếm 70%. Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thành viên của nhóm khác. Khoảng 37% thành viên nhóm Gen Z cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Cuộc sống áp lực, khiến nhiều người trẻ chọn cách nghỉ việc, “nhảy việc” hoặc điều trị trầm cảm, nhằm “giải thoát” gánh nặng cho mình. Nhưng cuối cùng, để có tiền bạc mưu sinh, họ vẫn phải trở lại với guồng quay của xã hội. Những cách làm trên, chỉ là phút “đình công” tạm thời giúp người trẻ nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Chính vì vậy, rất nhiều người hướng đến mục tiêu nghỉ hưu sớm, giúp họ vừa có nguồn thu nhập ổn định, lại có thể tận hưởng cuộc sống.
Muốn hưởng thụ trước hết phải cống hiến
Trào lưu FIRE hay được gọi là nghỉ hưu sớm, không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà đã hoạt động rất mạnh mẽ ở trên toàn thế giới. Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Quyền lợi Người lao động (EBRI) năm 2020 (Mỹ), có 11% người lao động hiện nay có kế hoạch nghỉ hưu trước tuổi 60. Trào lưu này cũng nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới, thậm chí ở Hàn Quốc còn có những cuốn sách phân tích riêng về vấn đề này.
Tuy nhiên, nghỉ hưu “non” không phải lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Bởi khi nghỉ hưu để tận hưởng cuộc sống, họ phải đảm bảo được tài sản của bản thân đủ để sống trong 30 - 40 năm không làm những công việc ổn định. Cho nên, để về hưu sớm, người trẻ thường phải cống hiến, nỗ lực trong công việc gấp đôi, thậm chí gấp ba lần người bình thường.
Lan Anh (30 tuổi), hiện đang chuẩn bị làm việc trở lại. Chị chia sẻ, bản thân đã quyết định nghỉ hưu ở tuổi 40, những tưởng sẽ có cuộc sống thoải mái. Nhưng chị dần nhận ra số tiền lương hưu không thể sinh sống được ở Hà Nội, khi chị chỉ được nhận 45% tiền đóng bảo hiểm xã hội vào 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Sau những chuyến đi chơi, thư giãn, chị tiêu gần hết vài chục triệu tiết kiệm. Hiện tại, chị quyết định sẽ xin một số công việc bán thời gian để làm trước rồi sẽ tính sau.
Trong một cuốn sách đã định nghĩa rằng những người theo lối sống FIRE của Hàn Quốc đã cho những số liệu hỗ trợ những người có ý muốn nghỉ hưu sớm. Giả dụ, họ muốn nghỉ ở độ tuổi 40 thì phải sở hữu tài sản ròng 2 tỷ won (khoảng 20 tỷ VND), hoặc số tài sản gấp 25 lần số tiền chi tiêu hàng năm. Hầu hết những người theo lối sống FIRE cần phải tiết kiệm 60 - 80% thu nhập để hoàn thành mục tiêu nghỉ hưu sớm. Và nếu vậy, thì hầu hết, họ cần có thu nhập khoảng 70 triệu won/năm (khoảng 1,4 tỷ VNĐ) mới có thể theo đuổi lối sống FIRE.
Vào khoảng vài năm trước, có câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội về chàng trai Trung Quốc tên Wang Jing dành tiền mua nhà rồi cho thuê và nghỉ hưu ở tuổi 30. Anh sử dụng số tiền cho thuê nhà để đi du lịch, trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống. Câu chuyện này đã ảnh hưởng đến rất nhiều người trẻ ở châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Thực tế, một điểm đáng chú ý trong câu chuyện, là chàng trai người Trung Quốc đã tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn để mua nhà Bắc Kinh và từ đó “dưỡng già” khi mới 30 tuổi. Vậy nên, tiền đề để về hưu sớm, đó là người trẻ phải có tài chính bền vững.
Anh Trần Lê Anh Tú (40 tuổi), vừa mới nghỉ việc tại công ty xây dựng cho biết, khi nghỉ anh đang giữ chức quản lý trong công ty. Anh “về hưu” vì cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi. Dù chỉ làm một công việc, nhưng anh thường xuyên đi công tác xa, mất ăn, mất ngủ để đấu thầu các dự án. Thậm chí có những tháng, anh chỉ cảm nhận thời gian, bằng việc đi đi, về về trên chiếc máy bay: “Cho nên, tôi quyết định nghỉ hưu sớm”. Xác định nghỉ hưu, anh Tú cũng đã không lo lắng về chuyện tiền bạc, khi hiện nay, anh đã có một căn hộ riêng, tài khoản và bảo hiểm đủ để sống cuộc đời tương đối thoải mái: “Tôi đã có kinh nghiệm làm việc, nên có rất nhiều bạn bè mời về làm cộng tác viên hoặc làm tư vấn chiến lược”.
Chị Huyền Anh, nhân viên ngân hàng hiện sống tại Hưng Yên, cho biết, chị thật sự có kế hoạch sẽ xin nghỉ hưu sớm. Chị Trang hiện nay gần 40 tuổi, ngoài công việc chính đang làm, chị còn có một shop quần áo online và sở hữu một trung tâm Fitness nho nhỏ. Chị cho biết: “Hiện tại, tôi đã có khoản tiền tiết kiệm, nguồn thu từ cửa hàng và trung tâm thể thao cũng rất tốt”. Cho nên, chị định xin về hưu sớm, để có thời gian nghỉ ngơi, tập trung vào những dự án cá nhân của mình.
Phần lớn những người chọn nghỉ hưu “non” ở độ tuổi 30 – 40 đều không nghỉ việc hoàn toàn. Họ chuyển qua làm công việc bán thời gian, hoặc kinh doanh tự do, không bị ràng buộc, áp lực vào một chỗ duy nhất như khi còn đi làm hành chính. Đồng thời, nhờ vào tiền lương hưu, họ vẫn có thể duy trì mức thu nhập ổn định, kể cả khi đối mặt với những biến cố bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai, người về hưu sớm vẫn không lo sẽ bị “trắng tay”.