Trào lưu rời bỏ Thung lũng Silicon

Giới công nghệ tại Thung lũng Silicon và các nhà đầu tư Phố Wall đang tháo chạy đến Miami để kinh doanh và sinh sống.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm việc tại nhà. Khi các lãnh đạo công nghệ rời San Francisco và nhà đầu tư Phố Wall rời New York, họ muốn tìm nơi có môi trường tốt hơn, chính sách thuế ưu đãi và được chính quyền chào đón hơn.

Vài doanh nghiệp đã chuyển trụ sở sang Austin (bang Texas), một số khác chọn Boulder (bang Colorado). Nhưng Miami dường như là lựa chọn của nhiều người nhất.

Làn sóng dịch chuyển đến Miami

Hàng chục tên tuổi lớn đã đến Miami như Keith Rabois, đồng sáng lập PayPal và bạn đời. Ngoài ra còn có nhà đầu tư công nghệ Peter Thiel, nhà sáng lập dịch vụ chia sẻ ảnh Shutterstock, Jon Oringer và ông trùm truyền thông Bryan Goldberg. CEO nền tảng chia sẻ video Cameo, Steven Galanis cũng đến Miami sinh sống, còn Elon Musk đang muốn xây đường hầm cao tốc dưới thành phố.

Các nhà đầu tư Phố Wall như Elliott Management cũng chuyển trụ sở đến Miami bên cạnh công ty của Carl Icahn, Icahn Enterprises. Những doanh nghiệp đang có văn phòng ở Miami như Citadel hay Blackstone. Ngân hàng Goldman Sachs cũng cân nhắc chuyển một số bộ phận hoạt động sang Miami.

 Miami đang là điểm đến mới của các doanh nghiệp từ Thung lũng Silicon và Phố Wall. Ảnh: New York Times.

Miami đang là điểm đến mới của các doanh nghiệp từ Thung lũng Silicon và Phố Wall. Ảnh: New York Times.

Miami thường được xem là nơi tận hưởng sự giàu có, dưỡng già của các tỷ phú khi về hưu. Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển từ Thung lũng Silicon và Phố Wall cho thấy thành phố này phù hợp để kinh doanh, khởi đầu cuộc sống mới.

Hàng tuần, sự kiện Miami Tech Welcome được tổ chức tại một quán rượu ngoài trời, thu hút khoảng 25-30 người. Nhiều nhóm WhatsApp, Telegram được lập để tổ chức hoạt động cho những người mới chuyển đến trong lĩnh vực công nghệ, thảo luận về các chủ đề như dòng giao dịch (deal flow), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ sức khỏe (Healthtech) và các hoạt động tại Miami như lướt ván diều. Thành viên trong nhóm còn tổ chức đạp xe vào thứ Năm hàng tuần, chơi quần vợt vào thứ Bảy bên cạnh các bữa tiệc sang trọng.

Natalia Martinez-Kalinina từ Reef Technology - một startup về hậu cần (logistic), đang điều hành câu lạc bộ sách và lướt ván tại Miami. Khi có người mới, cô thường chủ động giới thiệu họ về môi trường, xã hội xung quanh.

David Blumberg, nhà đầu tư mạo hiểm của Blumberg Capital, chuyển từ San Francisco sang Miami vào tháng 11/2020. Tình hình chính trị bất ổn tại California khiến ông phải rời đi. Trong khi đó, nhà sáng lập hãng tiếp thị Craftsman+, Alex Merutka được rủ đến Miami khi đang phân vân giữa việc chịu cách ly tại San Francisco hoặc chuyển đến nhà mẹ ở San Diego.

“Họ nói rằng hãy đến Miami, có gì đó thực sự đặc biệt ở đây", Merutka nói, và anh đồng ý chuyển đến. Nhà của Merutka nằm trên đảo Hibiscus, được anh và những người bạn tạo thành một khu phức hợp nhỏ, tất cả làm việc trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.

"Bạn sẽ có trải nghiệm này khi mọi người cùng chuyển đến Miami, và chúng ta (có cảm giác) trở lại làm sinh viên năm nhất", Merutka cho rằng những người chuyển đến Miami không muốn ở một mình. Tại đây, anh đã mua một căn nhà, tham gia lớp học tiếng Tây Ban Nha và tập chèo thuyền. Doanh nghiệp của Merutka có doanh thu tăng gấp đôi, nhân viên từ 10 lên 25 người.

 Jon Oringer, nhà sáng lập Shutterstock đạp xe cùng các nhân vật công nghệ tại Miami. Ảnh: New York Times.

Jon Oringer, nhà sáng lập Shutterstock đạp xe cùng các nhân vật công nghệ tại Miami. Ảnh: New York Times.

Điều đặc biệt đến từ thị trưởng

Ngoài không gian và các hoạt động, điều thú vị tại Miami còn nằm ở Thị trưởng Francis Suarez.

"Bạn có một thị trưởng ủng hộ doanh nghiệp ở đây, đó là sự khác biệt lớn", Jay Levy, 40 tuổi, nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển khỏi New York sau một phản ứng chính trị ngăn việc Amazon mở văn phòng tại quận Queens năm 2019.

Suarez, con trai cựu Thị trưởng Xavier Suarez đã khởi động chương trình eStart, đơn giản hóa việc kinh doanh tại thành phố, giảm thuế và thủ tục so với New York hay San Francisco.

"Đó là quyết định chớp nhoáng... 'Này, chúng tôi muốn có bạn, chúng tôi chào đón bạn' - tôi không nhận ra đó là thời điểm nhạy cảm khi mọi người có cảm giác không tốt về cách đối xử của chính phủ nơi họ sống", Thị trưởng Suarez chia sẻ.

“Bạn không chỉ thấy ngày càng nhiều tiền của mình được chuyển đến chính phủ, mà còn thấy ngày càng nhiều tiền được chuyển đến một chính phủ không muốn bạn”, Suarez cho biết. Ngày 28/1, ông còn lên Twitter cùng CEO SoftBank thông báo rằng tập đoàn Nhật Bản đã cam kết đầu tư 100 triệu USD vào các công ty công nghệ Miami, hoặc doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đến thành phố.

Các doanh nghiệp công nghệ chuyển đến Miami có thể yêu cầu một căn hộ giá ưu đãi, trang bị nệm thông minh do startup Eight Sleep sản xuất. Những người sáng lập của công ty này cũng vừa chuyển đến Miami.

 Adam Garfield (ngoài cùng bên phải) là người gốc Miami, trò chuyện cùng các nhân vật công nghệ tại một quán cà phê. Ảnh: New York Times.

Adam Garfield (ngoài cùng bên phải) là người gốc Miami, trò chuyện cùng các nhân vật công nghệ tại một quán cà phê. Ảnh: New York Times.

"Miami có mọi thứ để trở nên khác biệt"

Nếu có một biểu tượng cho sự thay đổi trong văn hóa tại Miami, đó là nhà của Jon Oringer, người sáng lập Shutterstock. Nó rộng 1.500 m2, từng thuộc về ngôi sao bóng chày Alex Rodriguez nhưng Oringer đã mua lại với giá 42 triệu USD.

Ngôi nhà trở thành không gian làm việc chung cho một số công ty mà Oringer đã đầu tư thông qua Pareto Holdings, một quỹ mà ông và Edward Lando sáng lập để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở Miami.

Pareto đã hoàn tất 100 khoản đầu tư, với 100 khoản đầu tư khác được lên kế hoạch cho năm 2021. Quỹ này đang tập trung vào các công ty quan hệ khách hàng, Fintech và y tế từ xa.

Meghan Maloof Berdellans, làm việc tại S&S Global, cho biết sẽ chuyển 2 giám đốc từ San Francisco hoặc New York đến Miami mỗi tuần. Marc Lotenberg, CEO tạp chí Surface, đã mua nhà ở Miami và sẽ không quay lại New York.

Khác với San Francisco hay New York, Miami có nền chính trị đa dạng, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ cùng sống trong nền hòa bình tương đối. Sự đa dạng về chủng tộc tại đây cũng rất khác biệt. Với dân số khoảng 500.000 người, Miami có khoảng 70% là người Tây Ban Nha và 15% là người da màu. San Francisco, với dân số 900.000 người, có 15% là người Tây Ban Nha và 5% là người da màu.

 Trung tâm Miami một buổi hoàng hôn. Ảnh: New York Times.

Trung tâm Miami một buổi hoàng hôn. Ảnh: New York Times.

Leigh-Ann Buchanan, nhà sáng lập Aire Ventures, tổ chức tư vấn phi lợi nhuận cho biết cử nhân kỹ sư thuộc nhóm người thiểu số tốt nghiệp tại Miami nhiều hơn những thành phố khác. Bà hy vọng số tiền mình đầu tư vào Miami sẽ đến tay mọi doanh nhân có nhu cầu, không chỉ những startup công nghệ

“Miami có mọi thứ để trở nên khác biệt”, Buchanan nói.

Những người rời bỏ Miami cũng đang trở về quê hương. Adam Garfield, 33 tuổi, nhà sáng lập SpeedETab, startup cung cấp dịch vụ đặt hàng online, cho biết hầu hết bạn bè lớn lên tại Miami cùng anh đã chuyển đến New York hoặc San Francisco để làm ăn.

“Lựa chọn chính cho các công việc ở Miami thuộc về ngành du lịch, vậy nên hầu hết bạn bè của tôi đã rời đi. Giờ thì họ đang trở về nhà", Garfield nói.

Phúc Thịnh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-duong-moi-sau-thung-lung-silicon-post1179772.html