Trào lưu sinh con tự nhiên nguy hiểm thế nào?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sản khoa, việc sinh con thuận theo tự nhiên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.

Mới đây, một tài khoản Facebook đăng bài viết kèm chùm ảnh về một người phụ nữ đã sinh con thuận tự nhiên tại nhà, con trai 3,3 kg thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sản khoa, việc sinh con thuận theo tự nhiên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sản khoa, việc sinh con thuận theo tự nhiên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.

Đây không phải là lần đầu tiên trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” rộ lên. Trước đó, nhiều hội, nhóm group kín lẫn công khai trên mạng xã hội, cổ vũ cho việc thai phụ không theo dõi thai kỳ, không sinh nở ở cơ sở y tế, mà sinh con tại nhà, không có sự hỗ trợ của y tế.

Họ truyền tai nhau rằng, khi sinh con ra không cắt dây rốn ngay mà chờ đợi để bánh nhau tự bong ra. Sau đó bánh nhau cùng dây rốn sẽ tự rụng trong vòng 3 - 6 ngày. Những người sinh thuận tự nhiên cũng không bài trừ việc tiêm vắc-xin cho trẻ.

Hệ lụy của việc này đã xảy ra khi vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu một bé gái sinh ra theo cách thuận tự nhiên rồi tử vong do bị nhiễm khuẩn. Đáng nói, mẹ cháu bé ở Hà Nội, không phải ở vùng sâu vùng xa.

Người mẹ này sinh con lần ba tại nhà. Sau sinh, trẻ không được cắt dây rốn, bánh rau được đặt trong chậu muối đã được rang khô, ngày thứ 3 tự rụng dây rốn.

Ngày thứ 7 sau đẻ trẻ xuất hiện sốt nhẹ nhưng mẹ không đo nhiệt độ. Cháu bú mẹ kém hơn, gia đình cũng không đưa trẻ đi khám, không dùng thuốc.

Người mẹ chỉ xử lý bằng phương pháp cho da tiếp xúc da, vắt sữa đổ thìa. Gia đình cũng không cho cháu tiêm vắc-xin phòng uốn ván. 9 ngày tuổi, cháu bé bị gồng cứng người, bỏ bú, sốt cao li bì, lúc này, gia đình mới đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, co giật do tăng Natri máu nặng, rối loạn đông máu. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã nỗ lực hết sức để cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi.

Về phía Bộ Y tế, theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói rằng, dưới góc độ chuyên môn, cần khẳng định rằng trào lưu sinh con thuận tự nhiên có rất nhiều tác hại đến sức khỏe của mẹ và bé.

Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị có liên quan cần tăng cường quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại địa phương, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân cố tình cổ vũ, quảng bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 30 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi đều giảm gần 4 lần.

Còn theo các chuyên gia sản khoa, nếu tự sinh con tại nhà, nguy cơ đầu tiên là với bà mẹ. Nếu đẻ tại nhà, các bà mẹ sẽ phải đối mặt với cơn đau đẻ.

Có những cơn đau khiến bà mẹ bị sang chấn tâm lý, suy kiệt nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, của các trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, bà mẹ còn phải đối mặt với nguy cơ chảy máu có thể do rách tầng sinh môn, do sót nhau thai, đờ tử cung hoặc vỡ tử cung…

Khi chảy máu nhiều, y khoa chẩn đoán là băng huyết sau sinh. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, băng huyết sau sinh có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời.

Khi trẻ được sinh tại nhà, không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như: Suy thai, trẻ bị sa dây rốn… Đây là những tình huống cấp cứu tối sản khoa, nếu không được xử lý kịp thời thì trẻ sẽ có thể bị tử vong.

Thậm chí, nếu thai hơi to một chút, hoặc khung chậu của mẹ bị giới hạn thì nguy cơ khi đẻ, bé có thể bị mắc vai, gãy xương đòn… Đây là những tình huống thông thường hoàn toàn có thể xảy ra mà người mẹ không thể biết được.

Chưa kể, nếu bà mẹ nằm trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, tim mạch… hay thai bị ngôi ngang, ngôi không thuận, song thai… còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng khuyến cáo các bà mẹ không nên sinh con tại nhà nếu không có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Bởi có thể bị nhiễm trùng ở mẹ, xuất huyết sau sinh, trẻ sơ sinh bị ngạt thở. Do đó, các bà mẹ cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc trước sinh cũng như đảm bảo quá trình sinh nở được an toàn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trao-luu-sinh-con-tu-nhien-nguy-hiem-the-nao-d218361.html