Trào lưu sống ảo và hệ lụy khôn lường

Đi đâu làm gì cũng check in, chụp ảnh, livestreams khoe trên mạng xã hội… dường như đang trở thành trào lưu không chỉ của giới trẻ mà cả những người trung niên, lớn tuổi. Đó là sở thích cá nhân của mỗi con người pháp luật không cấm, thế nhưng nhiều người bất chấp vi phạm pháp luật, bất chấp những hình ảnh phản cảm để tạo ra những bức ảnh đặc biệt để sống ảo là điều đáng báo động.

Liên tiếp vi phạm

Quả thật chưa bao giờ trào lưu sống ảo lại phát triển mạnh mẽ như hiện tại. Việc sống ảo không có gì đáng trách, thậm chí với những người nổi tiếng, những người kinh doanh thì họ xem đây là công việc, vì họ phải duy trì độ hot của tên tuổi, thu hút sự chú ý từ dư luận. Thế nhưng thời gian vừa qua, dư luận xôn xao việc các tài khoản trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh về một nhóm người trải thảm giữa đường tập yoga hay trèo lên nóc xe ôtô chụp ảnh biểu diễn động tác yoga với hoa bằng lăng tím…

Một nhóm yoga nằm giữa đường chụp ảnh.

Một nhóm yoga nằm giữa đường chụp ảnh.

Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến nhiều người đang dần ảo tưởng và ngộ nhận về sự nổi tiếng của mình. Đi chơi, đi tập thể thao, đi ăn, đi du lịch… cũng phải chụp ảnh để “nuôi” Facebook. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mỗi mùa đều có vài bộ ảnh cầu kì. Bất cứ một trend (xu hướng) gì nổi lên trên Facebook, TikTok đều được các Facebooker, TikToker săn đón và thực hiện nhiệt tình. Thế nhưng giữa thế giới ảo và đời thực ranh giới rất mong manh. Không ít người vì đam mê bắt trend mà không biết mình đã vi phạm pháp luật.

Mới đây, ngày 21/5, UBND thị trấn Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính một nhóm yoga 16 người về hành vi tập trung đông người trái phép, gây cản trở giao thông... 16 người này thuộc câu lạc bộ yoga Ngân Châu (có địa chỉ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã ra giữa đường tập, quay video. Theo đó, sáng sớm ngày 11/5, nhóm này đã tổ chức tập yoga ngay giữa lòng đường để chụp ảnh, quay video clip kỷ niệm với hoa bằng lăng ngay tại khu vực ngã 3 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Nguyễn Công Thu thuộc tổ dân phố Tân Hưng, thị trấn Kiến Xương. Theo video clip và hình ảnh ghi nhận được, nhóm người này trải thảm để tập yoga và chụp ảnh, lấn chiếm gần như toàn bộ lòng đường, bất chấp các phương tiện đang lưu thông, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Trước đó, UBND thị trấn Kiến Xương cũng đã xử phạt một nhóm yoga khác gồm 17 thành viên cũng có hành động tương tự. Theo đó, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh 17 thành viên này nằm, ngồi giữa đường để chụp hình với hoa bằng lăng tím.

Nhiều người dùng mạng xã hội bình luận bày tỏ sự “ngán ngẩm” trước hành động này của nhóm phụ nữ, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng truy tìm để có biện pháp xử lý nghiêm.

Ngay sau đó cơ quan chức năng đã triệu tập, làm việc với nhóm người này. Theo đó, cơ quan chức năng xác định khu vực nhóm phụ nữ mang thảm tập yoga ra chụp ảnh kỉ niệm mùa hoa bằng lăng là ngã ba đường Trần Hưng Đạo giao với đường Nguyễn Công Thu, huyện Kiến Xương. Hình ảnh video cho thấy nhóm người trải thảm tập yoga và lấn chiếm gần như toàn bộ lòng đường, bất chấp các phương tiện vẫn lưu thông qua lại.

Căn cứ mức độ vi phạm, Công an thị trấn Kiến Xương đã tham mưu chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi: tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông, quy định tại điểm a, khoản 2, điều 11, nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, mỗi người bị xử phạt hành chính 150.000 đồng. Có ba trường hợp vi phạm do chưa đủ tuổi vị thành niên nên chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở.

Trước đó ngày 17/5 tại Ninh Gia (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cũng có một nhóm phụ nữ đỗ ôtô chiếm làn đường rồi dàn hàng nhảy múa, quay video, gây cản trở giao thông. Cùng ngày, một ôtô chở 4 người do một phụ nữ điều khiển đi vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt). Trên đường đi, người phụ nữ dừng ôtô để chụp ảnh, bật loa phát nhạc và thản nhiên nhảy múa trên đường.

Dàn xe sang của Hải Idol dàn giữa đường chụp ảnh.

Dàn xe sang của Hải Idol dàn giữa đường chụp ảnh.

Hay hành vi một TikToker dàn dựng việc dừng, đỗ đoàn xe rước dâu giữa đường tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, rồi đăng phát trực tiếp lên mạng xã hội những ngày cuối tháng 4/2024 cũng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Công an địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Và ngày 16/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc, Hải Dương đã ra quyết định khởi tố và bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Hải (sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương); Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự; khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1999, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Phạm Ngọc Phong (sinh năm 1999, trú tại phường Thanh Bình, Hải Dương) tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Phạm Đức Hải (thường gọi là Hải Idol) người sáng tạo nội dung số, đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để bán hàng quần áo online như: fanpage Facebook “HẢI IDOL Vượt Khó”; tài khoản Facebook “Phạm Đức Hải (Hải Idol vượt khó)”; tài khoản Facebook “Phạm Đức Hải”; tài khoản Facebook “HẢI IDOL VƯỢT KHÓ”; tài khoản Facebook “AeLimited Chính Hãng”; Nền tảng Tiktok: kênh “AELIMITED”, kênh “Hải IDOL - AE LIMITED”, kênh “Hải IDOL AELIMITED”.

Theo đó, Hải lập một bộ phận truyền thông (Media) để sản xuất các video, hình ảnh số đăng tải trên các tài khoản của Hải trên không gian mạng.

Ngày 21/4, diễn ra đám cưới của Nguyễn Văn Năm (nhân viên cũ của Hải), nên ngày 19/4/2024, Hải nêu ý tưởng với bộ phận truyền thông về việc có 4 chiếc xe sang ở đám cưới, bộ phận truyền thông triển khai ý tưởng của Hải như trang trí 4 xe hoa, lên kịch bản, sản xuất và đăng tải các video có liên quan đến 4 chiếc xe sang bằng tài khoản của Hải trên không gian mạng với mục đích mượn đám cưới của Năm để đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng.

Khoảng 15h, ngày 21/4, Phạm Đức Hải là người xếp đội hình xe và cùng nhiều đối tượng khác thực hiện hành vi dùng 4 xe sang dừng, đỗ xe giữa đường tại Km1+500 đường trục Bắc - Nam, thuộc địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để dàn cảnh chụp ảnh, sau đó di chuyển trên đường thì Trường phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội để câu like, câu view, tăng tương tác. Thời điểm Trường phát livestream trên Facebook “HẢI IDOL Vượt Khó” thu hút hàng nghìn lượt xem và tương tác.

Đến tối cùng ngày, khi Hải về xem lại livestream đã phát thì thấy có nhiều bình luận trái chiều, tiêu cực, lên án hành vi của Hải và đoàn xe hoa nên Hải tự xóa và gỡ bỏ đoạn livestream trên Facebook “HẢI IDOL Vượt Khó”.

Tuy nhiên, hành vi của Hải và các đối tượng có liên quan vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông trên đoạn đường từ Quốc lộ 38 đi vào đường trục Bắc - Nam, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khi cố ý vi phạm quy định pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người tham gia giao thông, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Thế giới ảo, hậu quả thật

Những ví dụ trên cho thấy đang có một trào lưu độc hại lan truyền trên mạng xã hội, được thực hiện chỉ để làm trò vui trên mạng, bất chấp nguy hiểm cho bản thân lẫn những người xung quanh. Đáng nói, trò câu view vô ý thức này lại đang được “khích lệ” trên một số nền tảng, trong đó có TikTok thông qua việc gợi ý hiển thị tới người xem liên tục. Có một điểm khác trong trào lưu độc hại này là đối tượng xuất hiện ở video đa phần là người đã có tuổi, thay vì nhóm người trẻ, những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với nội dung và các xu hướng.

Hải Idol tại cơ quan Công an.

Hải Idol tại cơ quan Công an.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày sử dụng Internet khoảng 7 giờ, với nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm, kinh doanh... Và quan trọng hơn thực trạng sống ảo đang ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ. Những nội dung, hành vi đi ngược lại văn hóa thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật nếu lặp đi lặp lại với các bạn trẻ - những người coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong đời sống sẽ có thể khiến họ cảm thấy quen thuộc, lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên và làm theo.

Trên thực tế, để có được những bức ảnh nhằm “câu like” trên mạng xã hội, nhiều người trẻ không ngại tạo dáng ở những tư thế vô cùng nguy hiểm, thậm chí chỉ một chút sơ sẩy, họ hoàn toàn có thể phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Không ít trường hợp tai nạn dẫn đến tử vong đã được ghi nhận khi nạn nhân cố gắng tìm đến những vị trí cao như ban công, nóc nhà... để chụp ảnh và vô tình trượt chân dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam cũng đã xảy ra những vụ tai nạn do mải mê chọn cảnh chọn góc để chụp ảnh “check-in” sống ảo.

Hay mới đây, trào lưu “tụm 3 tụm 7” vừa qua đường vừa nhảy theo nhạc đang được giới trẻ thi nhau thể hiện. Trên TikTok xuất hiện một đoạn clip nhóm nhỏ gồm 5 trẻ em nhảy trên nền nhạc khi qua đường tại nút giao thông cầu Rồng, Đà Nẵng.

Mặc dù các em sang đường đúng làn quy định và tín hiệu đèn giao thông nhưng việc mải mê nhảy nhót có thể khiến các em mất tập trung, không quan sát kỹ các phương tiện đang lưu thông, đặc biệt là xe ưu tiên. Đây là hành vi rất đáng lo ngại khi ngay cả trẻ em cũng bị cuốn vào trào lưu nguy hiểm này.

Mạng xã hội như Facebook, TikTok quy định rõ độ tuổi của người sử dụng là người từ đủ 13 tuổi trở lên, nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Nguy hiểm hơn khi có những người đăng bài viết hay làm clip với nội dung không chuẩn mực rồi lan truyền, làm cho một bộ phận giới trẻ nhận thức sai lệch về các vấn đề trong đời sống. Ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi… Đặc biệt, cần phải có những chiến lược an toàn trên không gian mạng, nhất là để bảo vệ toàn diện trẻ em, tương tác an toàn, lành mạnh trên không gian mạng.

Theo TS. Bùi Phương Thảo - Chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội phân tích, trên thực tế có không ít những Facebooker, TikToker… bất chấp tất cả để làm ra những clip có nội dung xấu, miễn có thể câu like, câu view được tốt nhất. Họ ứng dụng những quy luật tâm lý của con người vào việc thu hút sự chú ý của đám đông. Vì vậy, để giúp thế hệ trẻ nhìn nhận sự việc một cách tỉnh táo thì chính các bạn trẻ cần biết tư duy phê phán, tư duy phản biện.

“Chúng ta không nên chạy theo trend, mà hãy tỉnh táo tư duy xem vấn đề đó có đáng để like, share hay không. Để làm được điều này thì việc cốt yếu là phải tăng nhận thức, tăng tư duy phản biện cho người trẻ. Chúng ta cũng cần dạy các bạn trẻ tư duy độc lập để không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tư duy của đám đông. Chúng ta không thể chỉ phòng, chống, quét để loại bỏ những video xấu đó, bởi quét cái này họ sẽ tạo ra cái khác”, tiến sĩ Bùi Phương Thảo cho biết.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/trao-luu-song-ao-va-he-luy-khon-luong-i733142/