Trào lưu thử chồng, người yêu trên mạng xã hội: Đừng lấy giấy thử lửa
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều dịch vụ kiểm tra sự chung thủy của chồng và người yêu. Nhiều người vì chưa thật sự tin tưởng vào 'nửa kia' của mình, nhiều người lại bị sự tò mò thôi thúc nên đã tìm đến loại dịch vụ 'có một không hai' này. Nhưng, hầu hết trong số họ, sau khi trải nghiệm dịch vụ đều nhận về kết quả không mong muốn.
Tự “lấy búa đập vào đầu”
Đầu năm 2023, dịch vụ thử lòng người yêu, vợ/chồng bắt đầu xuất hiện trên một số nền tảng mạng xã hội. Trên TikTok, từ khóa “thử lòng người yêu” có gần 100 triệu lượt xem. Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ cụm từ “test người yêu” lập tức ra rất nhiều hội nhóm như: “Test người yêu Free”; “Test người yêu”; “Test chồng, test người yêu”... Những hội nhóm này ít thì vài trăm thành viên, nhiều có khi lên tới vài chục nghìn thành viên.
Để “mục sở thị” không khí sôi động của dịch vụ “test người yêu”, phóng viên đã tham gia vào nhóm “Test chồng, test người yêu” với hơn 4 nghìn thành viên tham gia. Tại đây, quản trị viên có nickname Trương Linh, đồng thời cũng là người nhận làm dịch vụ liên tục đăng tải hình ảnh các hóa đơn chuyển khoản của “hội chị em” tới tài khoản của mình để nhờ test độ chung thủy của chồng, người yêu.
Với những hóa đơn chuyển khoản được đăng tải thì dịch vụ ở đây có giá trung bình là 140 ngàn đồng, tất nhiên, đối với những ca khó và cần nhiều thời gian hơn thì giá cả sẽ theo đó mà tăng lên. Bên cạnh các bill chuyển khoản, Trương Linh còn đăng tải rất nhiều đoạn hội thoại trong quá trình thử chồng/người yêu của khách hàng. Với những ca đơn giản, chủ tài khoản này viết: “Chưa thả thính cá đã cắn câu. Thật sự chia buồn với chị”. Hãn hữu lắm mới có những ca khiến chủ nhân dịch vụ này phải thốt lên “khoai quá”, bởi lẽ, dù có “thả thính” thế nào thì “đối tác” kia vẫn nhất mực nói rằng đã có vợ, con và không có nhu cầu làm quen với ai khác.
Trong nhóm “Test người yêu”, những bài viết đăng tải nhu cầu “test người yêu” rất nhiều. Nickname Nhi Nhi viết: “Mình cần một bạn uy tín, chất lượng ở Sài Gòn test bồ mình nha, có thể tốn hơi nhiều thời gian, phát sinh chi phí trong lúc test mình chịu hết, phí test khi nào xong mình chuyển khoản nhé, bạn nào giúp mình với”. Phía dưới bài đăng là những comment đề nghị chủ status check inbox.
Nguyễn Thu Thủy (21 tuổi, ngụ ngõ 10, phố Kiên Cương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tham gia dịch vụ test người yêu với vai trò tester (người làm dịch vụ). Thủy cho biết, khách hàng chỉ cần cung cấp số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội, cô sẽ chủ động tìm hiểu và nhắn tin cho người cần thử. Người được cho là mắc bẫy nếu như nói bản thân chưa có người yêu, đồng ý đi chơi, gặp mặt hay tán tỉnh ngược lại.
Để phục vụ cho công việc này, Thủy bắt buộc phải có nhiều tài khoản mạng xã hội, tất cả đều giống như thật, tức là có vài nghìn lượt theo dõi, có bình luận của bạn bè và hoạt động hằng ngày. Tất nhiên, là nhìn vậy nhưng không phải vậy, bởi lẽ tất cả các tài khoản này đều do Thủy làm giả.
Tùy vào tính cách, sở thích hay nghề nghiệp của người cần test, cô sẽ chọn tài khoản phù hợp. Ví dụ, với người chững chạc, trưởng thành, thích con gái nhẹ nhàng, cô có tài khoản giả là một cô gái vừa ra trường, mới đi làm và nhắn tin làm quen, thể hiện mình là người đúng “gu” của họ. Với các khách hàng trẻ, cô cũng có tài khoản kiểu Gen Z và biết cách bắt chuyện theo kiểu trẻ trung.
Thủy cho biết: “Có những người đa nghi và cảnh giác cô sẽ phải mất khá nhiều thời gian để tiếp cận. Tất nhiên, mức độ “gài bẫy” càng khó thì phí dịch vụ sẽ phải tỉ lệ thuận chứ không áp theo giá chung được”.
Mỗi ngày cô nhận được khoảng hơn 100 yêu cầu thuê, khách hàng chủ yếu thuộc nhóm tuổi 16-25 tuổi. Lý do cần test cũng rất đa dạng. Mỗi lần test, Thủy thu phí 200 ngàn đồng, dù có thành công hay không, người thuê đều phải thanh toán trước và đợi đến lượt.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm cái nghề “độc, lạ” này, Thủy nhiều khi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thật sự mất niềm tin vào cuộc sống. Bởi, theo chia sẻ của cô gái này thì 100 trường hợp cô thử thì có đến 8-9 chục trường hợp là “sập bẫy”. Cô bảo, qua việc test này, cô thấy chuyện tình yêu sao mà u ám đến thế.
Yêu nhau đã được 2 năm nhưng chưa khi nào Lê Thanh Mai (24 tuổi, trú tại tổ 1, phố Văn Phú, Phú La, Hà Đông) cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào người yêu mình. Lý do cũng bởi, cô chính là người thứ 3 chen chân vào cuộc tình của người yêu cô với bạn gái cũ. Để chính thức biến người yêu của người khác thành người yêu mình, Mai cũng không mất quá nhiều thời gian. Và, khi đã chính thức trở thành “chủ sở hữu” thì Mai lại luôn có cảm giác bất an. Thế nên, ngay từ khi trào lưu “test người yêu” xuất hiện, cô đã ngay lập tức tham gia dịch vụ. Và, kết quả đúng như cô thường lo lắng. Chỉ sau vài tin nhắn làm quen và thả thính của “tester”, người yêu cô đã tự nguyện trở thành con mồi. Anh ta chủ động hẹn cafe với gái lạ và thậm chí còn có mong muốn tiến xa hơn.
Sau khi nhận kết quả test, Mai không thất vọng mà chỉ thấy buồn vì tin rằng mình đang phải trả giá cho hành động cướp người yêu của người khác năm nào. Sau cùng, cô quyết định chia tay người yêu vì cô nghĩ rằng mình không thể đi đường dài với người đàn ông dễ thay lòng đổi dạ.
Không giống Mai, nickname “Nguyễn Hoa” lại có một gia đình rất hạnh phúc, yên ấm. Chị Hoa kết hôn cùng chồng đã được 8 năm, hiện có 2 bé, 1 trai, 1 gái rất dễ thương. Chồng chị Hoa làm kỹ sư nên môi trường tiếp xúc đa số là đàn ông, cộng với bản tính mộc mạc nên chị Hoa luôn có cảm giác an tâm về chồng. Tuy nhiên, khi trào lưu “test chồng, test người yêu” nổi như cồn trên mạng xã hội, chị Hoa cũng tò mò muốn biết chồng mình có bị “sập bẫy” hay không. Nghĩ là làm, chị Hoa đã thuê tester “thả thính” chồng mình. Những ngày đầu, tester báo rằng chồng chị rất “rắn”, không mấy bận tâm tới những lời đong đưa của gái lạ khiến chị Hoa rất vui. Tuy nhiên, chỉ còn một ngày sẽ hết hạn hợp đồng, tester chụp lại đoạn hội thoại giữa cô ta và chồng chị khiến chị đứng không vững. Nội dung tin nhắn đại loại vợ chồng chị không hạnh phúc, vợ không tâm lý khiến đời sống vợ chồng bấy lâu không hạnh phúc. Chính vì vậy, anh đồng ý “tìm hiểu” gái lạ và họ hẹn nhau đi uống cafe.
Chị Hoa đã lấy hết can đảm chia sẻ lại câu chuyện của mình trên nhóm “Test người yêu”. Cuối cùng, chị khuyên những chị em khác đừng tự “lấy búa đập vào đầu” khi đang có một cuộc sống gia đình bình yên.
Người bị “gài bẫy” cảm thấy bị tổn thương
Câu chuyện của chính bản thân mình được nickname “Elly Thương” chia sẻ trên một hội nhóm. Theo lời kể của nickname này, chị cũng từng thuê tester thả thính chồng của mình trong vòng một tháng trời. Điều chị cảm thấy rất hạnh phúc là dù tester đã dùng đủ ngón nghề nhưng chồng chị vẫn không hề bị lung lay. Anh khẳng định mình đã có vợ, có con và đang có một mái ấm rất hạnh phúc nên không quan tâm tới bất cứ cô gái nào khác. Nhận kết quả hơn cả sự mong đợi, chị Thương đã không giấu được sự sung sướng nên trót khen chồng đứng đắn vì vượt qua được bài test.
Ngay sau khi nghe vợ nói vậy, mặt chồng chị Thương biến sắc. Anh nói rằng chị đã xúc phạm mình, đã không đặt niềm tin tưởng vào chồng thì tốt nhất không nên chung sống tiếp. Thấy độ nghiêm trọng của vấn đề, chị Thương đã xin lỗi chồng nhưng anh vẫn giữ thái độ “không thể chấp nhận” hành động của vợ khiến cuộc sống vợ chồng trở nên ngột ngạt.
Dù may mắn vì có một người chồng biết cưỡng lại mọi cám dỗ để bảo vệ gia đình nhưng sau khi tham gia dịch vụ test chồng, chị Thương lại lâm vào một bi kịch khác. Đó là bi kịch người bạn đời cảm thấy tổn thương sâu sắc khi sống bên cạnh một người mà họ không tin tưởng mình.
Quá nhiều câu chuyện, tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra trong thực tế, được kể lại bởi chính chủ hoặc lan truyền qua các nhân vật liên quan. Những người chứng kiến, những người “hóng được” đã vô tình găm sâu vào tâm trí sự cảnh giác và nghi ngờ thường trực đối với người yêu hoặc vợ/chồng của mình. Và, tất nhiên, khi mức độ nguy cơ càng tăng, nỗi sợ càng lớn thì những loại dịch vụ như thế này càng được dịp nở rộ.
Trên thực tế, dịch vụ thử lòng người yêu đã phát triển vài năm gần đây ở nhiều nước nhưng nhiều người không nhận ra tác hại rất lớn của hành động này. Có nhiều thống kê cho thấy đa số các cặp đôi sẽ chia tay khi một trong hai sử dụng dịch vụ này, vì lòng tin đã không còn thì họ mới tìm đến dịch vụ để kiểm tra. Với người bị thử, dù kết quả như thế nào cũng sẽ tổn thương nặng nề khi nghĩ đối phương không còn tin mình.
Theo PGS.TS Tâm lý Trần Thành Nam, dịch vụ thử lòng này hoàn toàn không đáng tin cậy. Việc không chấp nhận sự tán tỉnh trên mạng không đồng nghĩa với việc cá nhân đó gắn bó và yêu bạn thực sự. Đôi khi chỉ là họ thấy không phù hợp hoặc họ cũng đã có mối quan hệ ngoài luồng khác hoặc có thể họ đã biết về dịch vụ thử lòng trên mạng xã hội, sẽ có cách đối phó chứ không phản ánh con người thật của họ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho rằng: “Việc bỏ tiền ra thuê một người nào đó dùng thủ pháp để kiểm tra, xem thử thái độ của chồng/vợ hay người yêu đối với mình như thế nào thì hầu hết đều nhận lại kết quả không mong muốn. Nhiều người muốn thử vì chưa thực sự tin tưởng vào “nửa kia” của mình nhưng cũng có nhiều người muốn thử vì tò mò, vì muốn được khẳng định thêm một lần nữa về độ chung thủy của đối phương. Xét ở góc độ nào đó thì hiện niềm tin của nhiều người dành cho người bạn đời suy giảm, một phần có lẽ do bị ảnh hưởng của đời sống hiện đại, xu hướng thị trường len lỏi trong các mối quan hệ “cặp đôi”. Ở đây không phải là câu chuyện mưu sinh, không phải là câu chuyện người ta thay lòng đổi dạ mà có lẽ do giá trị của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi ngày nay đã khác đi nhiều và nó có màu sắc thực tiễn, thực dụng nhiều hơn.
Ai đó từng nói rằng: “Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá”. Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa. Đến lúc giấy cháy mất rồi lại thất vọng lòng người đen bạc. Vì là giấy nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời”.