Trào lưu trộn chất tẩy rửa độc hại để thư giãn trên TikTok
Việc trộn nhiều hóa chất không theo chỉ dẫn có thể gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia thử thách.
Thời gian gần đây, các video liên quan đến đổ một số chất tẩy rửa gia dụng vào bồn tắm, nhà vệ sinh đã trở nên nở rộ trên TikTok và phát triển thành trào lưu phổ biến được gọi là #productoverload - hashtag có hơn 700 triệu lượt xem.
Sản phẩm trong clip thường có màu sắc rực rỡ sau khi được trộn cùng với thuộc tẩy dạng lỏng, nước rửa chén, nước xả vải và thuốc xịt làm sạch tạo bọt…
Tác giả video thường đáp ứng yêu cầu của người xem bằng cách tạo ra một danh sách kết hợp dựa trên số biểu tượng cảm xúc hoặc tên nhất định. Họ sử dụng những câu chuyện kịch tính tự kể để thay thế phần nhạc trong clip, theo Insider.
Trào lưu độc hại
Những video dọn dẹp ngày càng thu hút khán giả vì mang lại cảm giác hài lòng, thỏa mãn. Trên nền tảng, một hashtag khác là #cleantok đã đạt mốc 40 tỷ lượt view. Điều này dẫn đến sự nổi lên của những nhà sáng tạo chuyên hướng dẫn làm sạch.
Tuy nhiên, nhiều người cũng sử dụng hashtag này cho các video không liên quan nhiều đến việc dọn dẹp nhà cửa.
Chẳng hạn, một số sản phẩm phổ biến của người dùng tên là @cleanermamabee, có 40 triệu lượt thích, cũng dùng #cleantok cho những clip về ASMR (phản ứng kích thích cảm giác tự động).
Không ít người xem cho biết họ thích màu sắc tươi sáng, âm thanh của các chai xịt và tiếng cọ rửa trên bề mặt. Nó giúp họ cảm thấy thư giãn, thoải mái như đang nghe ASMR.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể gây hại cho môi trường, trong một số trường hợp còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người quay clip nếu tiếp xúc thời gian dài.
Dave Rudge, giám đốc vận hành của công ty vệ sinh React, chia sẻ hóa chất tẩy rửa được thiết kế để có hiệu quả khi sử dụng riêng biệt và theo chỉ dẫn. Vì vậy việc trộn chúng lại sẽ làm giảm hiệu quả và không mang lại lợi ích nào.
Sử dụng quá nhiều hóa chất cũng có thể làm hỏng nhà vệ sinh, bồn rửa và bồn tắm của người sáng tạo. Adam Leech, người sở hữu một cửa hàng bán lẻ vòi hoa sen tại Anh, nói rằng hóa chất có hại làm hỏng lớp men của các thiết bị và tăng mức độ vi khuẩn trên bề mặt.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là trào lưu này có thể tác động đến môi trường của sinh vật biển khi mọi người vứt bỏ số lượng lớn sản phẩm đang dùng để tạo ra những video này, theo tiến sĩ Deborah Brosnan, chuyên gia về khả năng phục hồi hàng hải ở Mỹ.
“Thứ tôi quan tâm nhất là chất tẩy trắng gốc clo. Các hệ thống lọc trong đường nước chưa thể chiết xuất hoàn toàn chất này, sẽ rất nguy hiểm nếu thải quá nhiều ra đại dương. Ngoài ra, chúng cũng hình thành dioxin có hại cho sức khỏe con người và động vật hoang dã”, cô nói với Insider.
Ảnh hưởng sức khỏe
Richard Leigh, giám đốc chiến dịch tại Unblocktober, gọi xu hướng lạm dụng sản phẩm tẩy rửa là "đáng báo động" và "nguy hiểm".
Leigh, người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành nước thải, cho biết lượng chất tẩy được sử dụng trong một video nhiều hơn các hộ gia đình dùng trong 6 tháng.
Phosphate được tìm thấy ở các mức độ khác nhau trong các sản phẩm tẩy rửa tạo ra hiện tượng phú dưỡng, làm đảo lộn sự cân bằng của các chất dinh dưỡng ở sông, suối, cuối cùng dẫn đến cạn kiệt nguồn cung cấp oxy trong nước và thay đổi hệ sinh thái.
Leigh kêu gọi những người theo đuổi xu hướng này, các nhà sáng tạo ngừng hành động gây hại đối với môi trường và lưu ý đến những hợp chất họ sử dụng khi làm sạch.
Không có báo cáo cụ thể về các trường hợp nguy kịch có liên quan đến #cleantok, thế nhưng việc trộn các hóa chất tẩy rửa đã được chứng minh là gây tử vong trước đây.
Giulia Guerrini, dược sĩ tại Medino Digital Pharmacy ở London (Anh), cho hay nhiều sản phẩm tẩy rửa bao gồm các chất độc hại khi trộn lẫn rất nguy hiểm khi ăn hoặc hít phải.
“Tuyệt đối không nên làm điều này dù cho chúng trông đẹp hay mê hoặc thế nào đi chăng nữa”, Guerrini nhận định.
Đây không phải trào lưu duy nhất được đánh giá là độc hại, điên rồ đang lan truyền trên TikTok. Theo nhà phân tích mạng xã hội Jo Phillips ở Lacombe (Canada), hàng trăm xu hướng nguy hiểm hiện tồn tại trên nền tảng chia sẻ video này.
Không chỉ dung dưỡng nhiều thử thách độc hại, nơi đây còn là nơi khởi nguồn, lan truyền nhiều nội dung gây khó chịu. Đáng lo ngại hơn, những video mang tính chất hiểm họa vẫn xuất hiện nhan nhản dù có 60% người dùng thuộc độ tuổi 16-24.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là TikTok không thể bắt kịp các yêu cầu gỡ xuống video bẩn, lọc nội dung độc hại hay xử lý các vấn đề về bảo mật, quyền riêng tư.
Trong bối cảnh nền tảng này chưa thể kiểm soát nội dung độc hại trên hệ thống của mình, Rick Floyd, chuyên viên bảo mật thông tin, khuyến cáo người dùng nên tự bảo vệ mình.