Trao quyền cho các nữ doanh nhân Việt
Việt Nam có tới 20% các doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng các nữ doanh nhân vẫn phải đối mặt với nỗi lo thiếu vốn, công nghệ và năng lực quản trị.
Từ "công thức" của mẹ tới giấc mơ toàn cầu
Trong ký ức của bà Nguyễn Ngọc Bích, nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Cỏ Cây Hoa Lá, hình ảnh người mẹ bên gian bếp nhỏ, nấu nồi nước gội đầu từ những loại cây cỏ quen thuộc trong vườn như lá hương nhu, vỏ bưởi, sả chanh, đã in sâu vào tâm trí.
Với bà Bích, đó không chỉ là "công thức" riêng của mẹ, mà còn là nguồn cảm hứng, cho một giấc mơ lớn về sau. "Khi còn nhỏ, mỗi lần chị em tôi cảm thấy mệt mỏi hay trái gió trở trời, mẹ đều dùng nước lá nấu ấm để tắm gội", nhà sáng lập chia sẻ.
Chứng kiến điều kỳ diệu ấy, bà Bích ấp ủ ý tưởng mang những sản phẩm từ thiên nhiên này đến với nhiều người hơn, giúp họ trải nghiệm những điều tốt đẹp hơn.
Sau này, Cỏ Cây Hoa Lá của bà Bích đã phục vụ tới hơn 5 triệu khách hàng, đồng thời mở rộng ra thị trường quốc tế và hiện đã có mặt trên Amazon, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Điểm khác biệt của Cỏ Cây Hoa Lá là startup này không khởi nghiệp một mình, mà còn đồng hành cùng cộng đồng bao gồm hơn 43.000 phụ nữ.
Từ cộng đồng này, hơn 6.000 phụ nữ đang tạo ra thu nhập từ 8 triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, thông qua một mô hình kinh doanh hợp tác với startup.
Bà Bích nhấn mạnh vào việc tái đầu tư cho nền kinh tế địa phương: "Thay vì phân bổ ngân sách quảng cáo cho các nền tảng quốc tế như Facebook và Google, chúng tôi chọn chia sẻ lợi nhuận với người Việt Nam, đặc biệt là phái nữ, giúp họ có cơ hội phát triển, cũng như làm chủ kinh tế".
Thừa nhận từng gặp thách thức trong việc xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm khởi nghiệp, nhà sáng lập Cỏ Cây Hoa Lá cho rằng cam kết về chất lượng và sự kiên trì chính là chìa khóa mở ra cơ hội tăng trưởng.
Cùng mục đích tạo ra sinh kế cho phái nữ, bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm cũng ấp ủ dự án tái chế vải vụn thành sản phẩm thủ công.
"Chúng tôi mở lớp dạy nghề hàng tháng, giúp chị em học, thực hành và đưa sản phẩm ra thị trường qua hội chợ, triển lãm", bà Hiền chia sẻ.
Từ những mảnh vải tưởng chừng vô giá trị, các sản phẩm hoa vải thủ công độc đáo được tạo ra, vừa tạo sinh kế cho phụ nữ khuyết tật, vừa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và nhận được sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng.

Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) gặp gỡ Quỹ Cherie Blair. Ảnh: DN
Chắp cánh ước mơ cho các nữ doanh nhân
Câu chuyện về những nỗ lực của bà Bích hay bà Hiền là hai trong số nhiều ví dụ về tấm gương nữ doanh nhân khởi nghiệp được chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), với sự phối hợp của Vidogroup và Quỹ Cherie Blair.
Buổi gặp gỡ còn có sự góp mặt của phu nhân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là bà Lê Thị Bích Trân, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và hơn 50 nữ doanh nhân tiêu biểu đến từ các tỉnh thành phía Bắc.
Đại diện Quỹ Cherie Blair tin rằng, cuộc gặp là dịp để khẳng định vai trò của cả hai tổ chức trong việc đồng hành, nâng cao năng lực và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và khởi nghiệp.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, trên con đường khởi nghiệp, phái nữ vẫn phải đối mặt với không ít những thách thức, từ việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, xây dựng mạng lưới kinh doanh hiệu quả cho đến việc nâng cao năng lực quản trị và mở rộng thị trường.
Chính vì lẽ đó, sự hợp tác giữa VAWE và Quỹ Cherie Blair mang một ý nghĩa quan trọng, hứa hẹn sẽ tạo ra những chương trình hỗ trợ thiết thực, giúp các nữ doanh nhân Việt Nam có thêm động lực, kiến thức và kỹ năng để tự tin khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam tiến lên nền kinh tế số, bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch VAWE đã nhấn mạnh vai trò của quá trình chuyển đổi số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội phát triển cho cộng đồng nữ doanh nhân.
"Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, công nghệ số không còn là một yếu tố phụ trợ mà đã trở thành một phần không thể thiếu, là nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động kinh doanh, nhất là với các nữ doanh nhân", bà Thanh chia sẻ.
Từ đây, VAWE đã chủ động hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như FPT, CMC và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác để tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số.
Về phía quỹ Cherie Blair, ứng dụng Her Venture được giới thiệu như một giải pháp thiết thực, mang đến những bài học kinh doanh quý giá được thiết kế riêng cho nữ doanh nhân, giúp họ học hỏi và áp dụng một cách linh hoạt, mọi lúc mọi nơi.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trao-quyen-cho-cac-nu-doanh-nhan-viet-d40167.html