Trao quyền để Thủ đô giải quyết các vấn đề nổi cộm
Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Nhiều ý kiến đánh giá, dự án Luật đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
2 phương án về sử dụng không gian ngầm
Liên quan đến việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất (Điều 19), báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật hiện đang thiết kế 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm-thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Còn phương án 2 quy định giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như phương án 1.
“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tán thành phương án 1. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng phương án trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7” - ông Tùng bày tỏ.
Về vấn đề trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ quan điểm tán thành với phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất thuộc địa bàn TP Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và TP Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.
Cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản hoàn chỉnh, thể hiện được cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô trong thời gian tới; tuy nhiên về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất. Đồng thời đề nghị Luật cũng cần cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất cần quy định ngay trong Luật. Người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho TP Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị” - ông Huy cho hay.
Cần những chính sách cụ thể để khắc phục ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề cập đến việc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền cho TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của Thủ đô. Vì vậy, việc quy định giao thẩm quyền cho thành phố là rất quan trọng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, trong quản lý, phát triển và bảo vệ Thủ đô, đề nghị rà soát thêm để có những quy định có những chính sách cụ thể để khắc phục được những hạn chế hiện nay như vấn đề ngập úng, ô nhiễm không khí, giải quyết ùn tắc giao thông.