Trầy da, giãn cơ hơn 6 năm học, nữ sinh trường Múa vẫn 'trắng tay' ra trường
Trải qua quá trình học tập khắc nghiệt, nhưng Tuyết Nhung, Ngọc Vy và hơn 300 học sinh Học viện Múa không được cấp bằng tốt nghiệp vì một chữ 'quên' của nhà trường.
Em Lê Tuyết Nhung (dân tộc Tày, ở Bắc Hà, Bắc Giang), học viên chuyên ngành Diễn viên múa, K3 của Học viện Múa Việt Nam có nguy cơ dừng bước trước đam mê và cũng khó có thể tiếp tục học lên bậc cao hơn. Bởi sau nhiều năm tốt nghiệp, Tuyết Nhung không được nhận bằng tốt nghiệp, không đủ điều kiện ứng tuyển vào Đại học Văn hóa như em mong ước.
Ở huyện Bắc Hà, Tuyết Nhung là cô gái duy nhất được gia đình đầu tư cho xuống Hà Nội học múa. Ngày ấy em mới học hết lớp 7. Lúc nghe nói được xuống Hà Nội học múa em vui lắm, vì đó là niềm mơ ước của em từ bé.
Cô bé dân tộc Tày 13 tuổi khi ấy, một mình xuống Hà Nội học. Không có người thân quen, Nhung ở ký túc xá. Mỗi tháng em được bố mẹ chu cấp cho khoảng 1 triệu đồng để ăn học.
Gia đình khó khăn, nhưng vì đam mê của con, bố mẹ em cố gắng làm thêm nhiều việc để mong con học ở Hà Nội không quá thiếu thốn. Mẹ thậm chí phải đi làm thêm ở Trung Quốc để có tiền cho em đi học.
Bảy năm tự lập, sống xa gia đình là quãng thời gian vô cùng khó khăn, đặc biệt là với những nữ sinh học trường Múa càng khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Lịch học của Tuyết Nhung luôn dày đặc. Buổi sáng em học múa từ 7h30 đến 11h30, về phòng nghỉ trưa được khoảng hơn một giờ đồng hồ. Buổi chiều, em bắt đọc lên lớp học văn hóa từ 1h đến 5h30.
Ngày nào học múa cũng phải 5 tiếng liên lục, trầy trật hết da tay, da chân, mồ hôi nhễ nhại, cơ thể đau nhức. Đó là chưa kể em phải thường xuyên ép cân không được ăn nhiều để tránh cơ thể nặng nề khó học múa các động tác kỹ thuật cao.
Có những buổi học duỗi chân, kéo giãn cơ, dẻo khớp, đau đến chảy nước mắt, em phải nhờ bạn bè dìu về phòng vì thực sự em không đủ sức để đứng vững. Vậy mà em cũng chỉ nghỉ ngơi hơn tiếng là lại phải bắt đầu ca học văn hóa buổi chiều.
Một tiết học văn hóa của học sinh trường Múa kéo dài hơn so với các trường THCS, THPT bình thường khác. Thay vì 45 phút/tiết học thì trường Múa gộp lại 90 phút/tiết học.
Thời gian khó khăn nhất với em là những năm học lớp 6, 7, 8, 9 vừa học kiến thức văn hóa bậc THCS, vừa phải tập múa với cường độ cao. Tuyết Nhung phải học đầy đủ 11 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Công nghệ; thiếu môn Thể dục và Âm nhạc. Vì chuyên ngành học của học sinh là hoạt động thể lực và có những môn kiến thức âm nhạc chuyên sâu hơn để bổ trợ cho việc học múa.
Đến cấp THPT, Nhung và các bạn được học theo nhóm ngành 3 nên một số môn văn hóa (Công nghệ, Hóa, Mỹ thuật) được giảm bớt. Thời gian học văn hóa lúc này có phần dễ thở hơn nhưng đổi lại kiến thức học chuyên môn ngày càng khó và đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhung thường xuyên phải tự tập luyện vào buổi tối và thời gian nghỉ.
Nhung chứng kiến nhiều bạn học không chịu được áp lực, vất vả mà phải bỏ học, trở về nhà để chọn hướng khác. Những lúc mệt mỏi em cũng từng nhụt chí, nhưng nghĩ đến bố mẹ, đến chặng đường bản thân cố gắng bao năm không lẽ đổ sông đổ bể, em vực lại tinh thần mà cố gắng.
Nỗi khổ tâm lớn nhất của nữ sinh dân tộc Tày chính là dù tốt nghiệp mà vẫn chưa thể đi làm để phụ giúp gia đình. Chưa có bằng cấp, Nhung không thể xin việc tại các đoàn nghệ thuật, em chỉ có thể nhận chạy các sô diễn bên ngoài và nhận thu nhập từ 200 ngàn đồng đến một triệu đồng.
Công việc mỗi ngày một ít và khó khăn hơn. Có ngày Nhung chạy sô ở 2 tỉnh mà tiền thù lao thấp. Em vẫn cố gắng vượt qua. Lúc này, bố mẹ vẫn phải chu cấp cho em một khoản nhỏ để thuê nhà. Thậm chí để lo cuộc sống, Nhung còn phải bán rượu lá quê và bán hàng online kiếm sống.
"Giờ không có bằng, về quê xin việc cũng không ai nhận, làm việc ở Hà Nội thì cũng chỉ là làm thuê theo mùa vụ, bấp bênh không ổn định. Muốn học lên cao để sau này đi dạy học, làm giảng viên thì không được vì không được cấp bằng", nữ sinh tâm sự.
Mang bao niềm hy vọng khi quyết định cho con đi học ở Học viện múa Việt Nam, nhưng đổi lại chị Nguyễn Thị Thoa, mẹ của Nhung chỉ nhận lại sự thất vọng khi con gái tốt nghiệp. Chị chia sẻ, từ nhỏ Nhung đã thích nghệ thuật, em sớm bộc lộ khả năng múa hát thiên phú.
Thấy con đam mê, đồng thời được cô giáo động viên, chị Thoa quyết tâm cho con xuống Hà Nội theo học. Dù lúc ấy gia đình khó khăn, nhưng vợ chồng chị cố gắng vun vén, làm thêm vài ba công việc nhỏ, kiếm thêm chút tiền, lo cho con học dưới Hà Nội đỡ vất vả.
Tuy nhiên, sau 6,5 năm khổ cực học hành, gia đình chị lại thất vọng khi hay tin nhà trường không cấp bằng cho con. Chị cùng nhiều phụ huynh rơi vào hoàn cảnh như mình đi khắp nơi hỏi thông tin, kêu cứu mong sao con có được tấm bằng, để xin một công việc ổn định.
Cùng hoàn cảnh tương tự, Hoàng Ngọc Vy (SN 2001) học viên K2, hệ trung cấp liên thông cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam 7 năm (2013 - 2020). Sau khi ra trường năm 2020, Vy được nhà trường trao cho tấm bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy chuyên ngành múa.
Vy tham gia xét tuyển vào ngành Biên đạo múa của Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội. Nhờ tài năng và khổ luyện trong hơn 7 năm, Vy xuất sắc lọt qua kỳ thi xét tuyển đầu vào, đủ điều kiện nhập học như nguyện vọng.
Tuy nhiên, sau gần 1 tháng học tập, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội rà soát lại các hồ sơ sinh viên, yêu cầu Vy nộp bổ sung bằng tốt nghiệp THPT vì em chưa có tấm bằng này trong hồ sơ mà mới chỉ có bằng cao đẳng.
Vy và phụ huynh quay lại Học viện Múa nhiều lần yêu cầu trường cấp bằng tốt nghiệp THPT vì em đã hoàn thành chương trình học văn hóa và thi cử ngay tại trường. Tuy nhiên, nhà trường trả lời rằng không thể cấp bằng THPT cho học sinh.
Nhận được câu trả lời nhà trường không có bằng tốt nghiệp THPT, Vy và gia đình gần như "chết đứng". Bởi nếu không có bằng, đồng nghĩa với việc Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không thể tiếp nhận Vy vào học. Đau xót nhất là lúc Vy cầm quyết định buộc dừng việc học trên tay.
Vy hoang mang không biết sẽ đi đâu về đâu. Em và các bạn nhiều lần làm đơn kêu cứu lên nhà trường nhưng đều không có kết quả. Từ đó đến nay đã gần một năm, ngoài việc ở nhà chờ đợi trường giải quyết thì em không biết làm gì.
Giống như Vy và Nhung, hơn 300 học sinh hệ trung cấp liên thông cao đẳng Múa từ năm 2013 đến nay đều không được cấp bằng tốt nghiệp THPT, không thể học lên đại học. Đa số các em đang thất nghiệp và trông ngóng vào việc giải quyết giữa các đơn vị, đặc biệt là Học viện Múa Việt Nam.
*Tên nhân vật được thay đổi.