Trẩy hội đầu năm: Nặng cầu cúng, nhạt du xuân

Không chỉ có chen lấn xô đẩy, lễ hội dần biến đổi vì người dân đặt nặng sự cầu xin hơn chiêm bái, vãng cảnh. Những lễ giải hạn, dâng sao, lễ cầu an trị giá cả trăm triệu đồng không hiếm. Các chuyên gia văn hóa nhận định, quá nặng cầu cúng, xin lộc, lễ hội sẽ mất đi ý nghĩa vốn có.

Mê muội tâm linh

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Việt Nam có trên 9.000 lễ hội, đa phần là các lễ hội truyền thống, do dân làng tổ chức. Tuy nhiên, nét đẹp của hội làng truyền thống đang có xu hướng biến tướng. Số lượng lễ hội quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát. Nhiều lễ hội diễn ra cảnh chen lấn, xô xát để cướp lộc, lợi dụng tâm linh để trục lợi…

Nhiều người chú trọng cầu cúng, xin lộc. Ảnh: TRỌNG TÀI

Nhiều người chú trọng cầu cúng, xin lộc. Ảnh: TRỌNG TÀI

Những hành động xấu ở lễ hội khiến đền, chùa tôn nghiêm bị trần tục hóa. Lễ hội đầu năm cũng mất chất du xuân và không khí tươi vui vốn có. Tình trạng hỗn loạn khiến hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) mấy năm nay phải bỏ màn cướp lộc hoa tre, cướp phết.

Hình ảnh lễ hội xấu đi vì người dân đặt nặng tính cầu cúng hơn chiêm bái, vãng cảnh. Không ít người quan niệm đi lễ để cầu danh, cầu tài, cầu lợi. Người tìm đến đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) để cầu lộc lô đề, buôn hàng lậu,… Người đổ xô đến đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) mong được vay trước trả sau. Người chen lấn xô đẩy tìm mọi cách lấy được ấn đền Trần (Nam Định) để thăng quan tiến chức.

Những lễ giải hạn, dâng sao, lễ cầu an trị giá cả trăm triệu đồng không phải hiếm. Ở đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), người dân đốt quá nhiều vàng mã. Nhiều người mua ngựa giấy đủ loại, dài 1-2m, giá 300.000-500.000 đồng/ con để đốt.

Các mâm lễ dọc đường vào đền được chuẩn bị sẵn, có giá từ 200.000-500.000 đồng. Dịch vụ đặt trước mâm lễ cũng được nhiều người lựa chọn, giá lên đến vài triệu đồng.

Dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng về việc không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ, nhưng chiều mùng 2 Tết Nguyên đán vừa qua, hàng ngàn người dân, du khách thập phương tấp nập đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) để đăng ký cầu bình an, giải hạn.

PGS. TS Đinh Hồng Hải (khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, cúng bái vô cớ, đốt tiền vàng số lượng lớn ở lễ hội cho thấy sự mê muội tâm linh và niềm tin mù quáng.

“Cha ông ta để lại cho con cháu cả kho tàng văn hóa - được thể hiện một phần qua các lễ hội. Nhưng nhiều lễ hội bị biến tướng, bị thêm vào các yếu tố mới phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, nên không còn giữ được ý nghĩa. Nhiều yếu tố thế tục mà con người vì trục lợi, kinh doanh tâm linh đã đưa vào để kiếm tiền, đem về lãi gấp trăm ngàn lần vốn”, PGS.TS Đinh Hồng Hải nói.

Không có ai xác minh được thần thánh phương nào cho phúc lộc, cất nhắc lên chức vụ cao hay ban phát sự giàu sang, phú quý. Việc một số người thiếu kiến thức, không chịu tìm hiểu về tôn giáo và tín ngưỡng dẫn đến những hành vi mê muội và mang hiệu ứng đám đông. Tâm lý đám đông cũng dẫn đến việc tranh nhau cướp lộc ở các lễ hội.

TS. Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa) chia sẻ về cách đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu ở lễ hội. Ông cho biết, người dân không nên ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ vì những khoản tiền đó được BQL di tích, lễ hội thực hiện các hoạt động như trùng tu tôn tạo di tích, tu sửa hiện vật thờ, tổ chức hoạt động, nghi lễ… Đó không phải là tiền để “mua chuộc thần thánh”, cầu mong thần thánh phù hộ nhiều hơn.

Đổi mới theo hướng văn minh, thiết thực

Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên triển khai “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành ngày 3/8/2023, nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Văn hóa cơ sở và một số địa phương cũng ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, trang trọng, thiết thực, hiệu quả.

Lễ hội kết hợp hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ảnh: DUY PHẠM

Lễ hội kết hợp hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ảnh: DUY PHẠM

TS. Phạm Cao Quý cho rằng, lễ hội là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, các hoạt động của cá nhân chịu sự điều khiển, tác động bởi các quy định chung của cộng đồng. Việc ứng xử văn minh tại lễ hội nên được nhìn ở hai phương diện: cộng đồng tổ chức lễ hội và cộng đồng tham gia lễ hội.

“Người tham dự lễ hội cần mặc trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục, ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội, không xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội”, TS. Phạm Cao Quý nói.

Cộng đồng tổ chức lễ hội chính là chủ thể của lễ hội, của di sản. Chủ thể lễ hội có vai trò, trách nhiệm tổ chức các hoạt động thực hành lễ hội văn minh, tránh những việc làm trái thuần phong mỹ tục.

“Đã có không ít các hoạt động lễ hội được thực hành chưa đúng. Ví dụ việc làm trần tục hóa các hoạt động lễ hội có tính tâm linh, mang các nghi lễ đó ra trình diễn ở những nơi không phải là không gian văn hóa liên quan tới nghi lễ đó hoặc phục vụ du lịch. Hay việc làm giảm đi tính thiêng khi tổ chức các lễ mật.

Trường hợp cho máy quay phim, chụp ảnh, livestream phổ biến trên mạng xã hội của lễ mật trong lễ hội Trò Trám là ví dụ điển hình. Hoặc việc mang trích đoạn lễ cấp sắc ra biểu diễn phục vụ du lịch cũng là hành vi chưa đúng”, TS. Phạm Cao Quý nói.

Một số lễ hội đầu năm 2024 có nhiều điểm mới. Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, có thêm triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh… Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội Đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tối 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) cũng gây chú ý nhờ chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc lần đầu tiên được tổ chức bằng công nghệ 3D mapping.

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 được tổ chức với quy mô lớn, lần đầu kết hợp với Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại cùng giải chạy việt dã Hành trình kết nối di sản.

NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tray-hoi-dau-nam-nang-cau-cung-nhat-du-xuan-post1612719.tpo