Trẩy hội Nàng Han

Đã thành thông lệ nhiều đời, khi Tết Nguyên đán vừa vãn, người dân 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa và nay là xã Vạn Xuân (huyện Thường Xuân), lại tưng bừng mở hội Nàng Han.

Lễ hội Nàng Han.

Lễ hội Nàng Han được bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa về người con gái xinh đẹp, giỏi giang của đất Chiềng Ván. Chuyện kể rằng, trong một gia đình nọ có hai chị em. Người em là nàng Tóc Thơm vừa đẹp người, lại e ấp dịu dàng. Nàng có mái tóc đen chảy dài như dòng suối và hương thơm lạ kỳ khiến cho trong bản, ngoài mường nức tiếng ngợi khen. Còn người chị là Nàng Han, không chỉ đẹp người, ngoan nết, mà còn rất thông minh và có tài võ nghệ hơn người. Cuộc sống bản mường trôi qua bình yên, bỗng một ngày bị đảo lộn khi bọn giặc đến cướp phá. Khi triều đình tìm người hiền tài ra giúp, Nàng Han liền giả trai và được sung vào đội quân tiên phong dẹp giặc.

Nhờ tài năng, nàng đã lập được nhiều công lớn và được triều đình ban thưởng, giao cho nhiệm vụ trấn ải miền biên viễn ngay trên vùng đất quê nhà. Sau một trận đánh lớn, nàng Han ra bờ sông tắm, thì bị đám tàn binh phát hiện. Khi biết vị võ tướng oai phong khiến chúng khiếp sợ lại là con gái, chúng liền hò reo ầm ĩ rồi bày trò trêu ghẹo. Nàng Han vừa căm tức vừa cả thẹn, liền vung gươm diệt sạch lũ giặc, rồi cả mình và con ngựa chiến phi thẳng lên đỉnh núi, bay về trời. Từ ấy đến nay, dòng sông Nhồng (tiếng Thái gọi là sông máu, do máu giặc chảy mà thành) vẫn chảy bên núi Hang Mường. Trên núi có hang rộng, trong hang có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, bên cạnh là voi chiến, ngựa chiến đứng chầu. Tương truyền đó là nàng Han đã hóa thân vào đá.

Từ khi vị tướng tài năng trấn ải, bản mường được sống bình yên, no ấm. Cảm phục và tri ân công lao người con của bản mường, hàng năm người Thái Chiềng Ván và nhân dân trong vùng lại mở hội. Lễ hội Nàng Han có nhiều nghi thức và trò chơi, trò diễn dân gian hết sức độc đáo. Trước ngày diễn ra chính lễ, dân bản sẽ chuẩn bị lễ tế gồm một con trâu trắng, một con lợn, một con chó, hai chĩnh rượu cần, gạo nếp, gà, vịt. Trong hang Mường, dân làng lập một đàn lễ bằng tre nứa, trên đó có một hương án với 4 tầng lễ vật. Lễ vật tầng trên cùng dâng cúng các vị thần linh trên trời, thần linh trên đỉnh các ngọn núi cao và Nàng Han, Nàng Tóc Thơm. Lễ vật tầng thứ hai dâng cúng các vị thần cây và thần cai quản đất đai, coi sóc bản mường, mùa màng cùng gia súc.

Lễ vật tầng thứ ba gồm hai mâm xôi, vịt và một con chó thui chín. Trong quan niệm của người Thái, khi người chết đi về với tổ tiên ở mường trời, linh hồn họ phải đi qua một cây cầu bôi mỡ rất trơn, dễ rơi xuống vực và sẽ không về được mường trời. Bởi vậy, linh hồn phải có con chó đi theo để liếm mỡ bôi trên cây cầu. Ngoài ra, người Thái sống quen với môi trường nước nên lễ vật dâng cúng thường có ngan vịt - thủy cầm, chứ không phải là gà như các tộc người khác. Lễ vật tầng thứ tư gồm có một chĩnh rượu cần. Lễ vật này đặt ngay ở sàn đàn tế. Người Thái rất quý trọng nước và rượu cần, bởi rượu cần là tinh túy của nước, phẩm vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Cho nên, rượu cần được dùng để an táng trong quan tài cùng với người đã khuất. Đồng thời, rượu cần và nước trở thành phẩm vật quý dâng cúng thần linh.

Khi lễ vật đã được dâng đầy đủ, bà Tày gốc đứng làm chủ lễ. Giúp việc bà Tày gốc là ba bà Tày khác. Các bà Tày tay cầm quạt, khăn thổ cẩm màu đỏ vắt vai, đeo xà tích, vòng bạc, đầu đội khăn Piêu, hướng về đàn lễ. Phía sau là các cô gái mặc trang phục Thái, tay cầm ô vuông sặc sỡ che cho các bà Tày. Các bà Tày sử dụng đạo cụ là kiếm và quạt thờ, vừa múa vừa khấn thỉnh cầu Nàng Han và thần linh bảo trợ cho mường xa bản gần có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc: ”Mời người có tên trên núi đá Hang/ Nàng xứng danh anh hùng ở núi đá Hang/ Nghe tiếng mời/ Mời Nàng Han về ngồi chiếu đẹp/ Ngồi vào mâm cơm/ Nàng Han và Nàng Tóc Thơm/ Phù hộ cho dân bản vững dạ/ Có thiên tai địch họa cũng không lo... Tiếng thơm đồn nhiều/ Tiếng đẹp ghi sâu/ Nàng Han xứ mường Trịnh Vạn”.

Lễ hội Nàng Han không chỉ thể hiện sự ngưỡng vọng, tri ân người có công với bản mường, mà còn là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ trao duyên của trai gái trong vùng. Sau các nghi thức thành kính, người dân kéo ra bãi đất rộng và cùng tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái. Trong đó có ném còn, nhảy sạp, đánh đu, hát đối, múa Cá Sa (hát múa quanh cây hoa) và đặc biệt là nhảy sạp. Tương truyền, sau mỗi lần thắng trận trở về, Nàng Han lại cho tổ chức nhảy múa, hát ca mừng chiến thắng. Binh lính mang trống chiêng ra đánh, mang luống ra gõ; lấy đòn khiêng trống đặt theo chiều dọc, lấy giáo mác, gậy gộc đặt theo chiều ngang thành từng đôi. Sau đó, cứ từng đôi nhảy múa theo nhịp, tạo nên không khí náo nhiệt, vui vẻ. Điệu nhảy sạp đã ra đời như vậy và trở thành điệu nhảy truyền thống trong lễ hội Nàng Han. Khi các trò chơi, trò diễn đã vãn, trẻ già, trai gái trở về bản. Họ uống rượu cần, làm lễ cầu vía và các bà Tày ban phát lộc, buộc chỉ ngũ sắc cầu may, cầu phúc cho người dự lễ.

Chính hội Nàng Han là ngày mùng 5 tết và sẽ kéo dài trong suốt mùa xuân. Từ xa xưa, lễ hội truyền thống đặc sắc này đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần đồng bào Thái. Đồng thời, gìn giữ trong lòng nó nhiều giá trị thuần phong mỹ tục, đặc biệt là tục chơi hang Mường. Đây là một lệ tục cổ, phản ánh tín ngưỡng phồn thực, cầu con, cầu của và cầu cho nhân khang vật thịnh của người Thái.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/tray-hoi-nang-han/113882.htm