Trầy trật kiếm tiền từ TikTok
Thấy bạn bè kiếm được tiền từ TikTok, Thanh Huyền (22 tuổi, quận 5, TP.HCM) nghỉ việc văn phòng để quay video. 3 tháng qua, cô lo lắng vì không có thu nhập.
Trước đây, Thanh Huyền từng là nhân viên toàn thời gian tại một công ty thuộc lĩnh vực bảo hiểm. Đi làm theo khung giờ hành chính cùng không gian văn phòng, cô muốn thoát khỏi cảnh gò bó, ngột ngạt.
Một số người bạn của Thanh Huyền làm nghề sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Họ chia sẻ kiếm được khá nhiều tiền nhờ những video ngắn chỉ 1-3 phút.
Nghĩ rằng đây là công việc trong mơ, thu nhập hậu hĩnh cùng giờ làm chủ động, Huyền quyết định xin nghỉ việc, theo bạn chuyển hướng làm TikToker.
"Ban đầu, tôi chủ yếu làm những video giới thiệu món ăn, nhà hàng. Mỗi clip như vậy, tôi quay trong khoảng 20 phút, mất thêm một tiếng để cắt ghép, lồng nhạc. Tôi nghĩ mình đã làm giống những video review nổi tiếng trên mạng", Thanh Huyền chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, cô nhanh chóng thất vọng bởi số lượng tương tác không như mình mong muốn. Đăng đến video thứ 10, cô vẫn chỉ nhận một số lượt xem, bình luận ủng hộ từ bạn bè hoặc người quen.
Tất nhiên, cô chưa kiếm được một đồng nào từ TikTok.
TikTok nói riêng, hay mạng xã hội nói chung tạo ra một trào lưu việc làm mới mẻ dành cho nhiều người trẻ tuổi tại Việt Nam. Từ một nơi để giải trí và kết nối, nền tảng này trở thành thị trường, giúp không ít người kiếm được tiền nhờ bán hàng, hợp tác quảng cáo hoặc nhận ủng hộ (donate) từ người hâm mộ.
Một số bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z, đã chuyển đổi công việc để trở thành KOL, KOC và tạo ra một lầm tưởng rằng chỉ cần một chiếc điện thoại, chút sáng tạo và thời gian là đã có thể kiếm được tiền từ nền tảng này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng làm giàu theo cách tương tự. Khi đạt tối thiểu 10.000 lượt theo dõi, người dùng mới có thể bật chế độ kiếm tiền từ TikTok. Đi từ số 0, nhiều người chật vật để bắt đầu có thu nhập.
Như Thanh Huyền, cô thừa nhận mình đang gần như gục ngã trên con đường kiếm tiền từ TikTok. Cô xoay xở đủ cách chỉ để tìm từng lượt theo dõi.
Review ẩm thực chưa lâu, cô chuyển hướng làm reviewer du lịch. Mùa hè, cô tin rằng nội dung này sẽ thu hút người xem.
Đầu tháng 7, cô chi 15 triệu đồng bay ra Đà Lạt làm video, lựa chọn quay ở những địa điểm đang nổi tiếng nhất với giới trẻ. Tuy vậy, hành trình làm KOC vẫn không thuận lợi như cô kỳ vọng.
"Tôi không hiểu sao mình video của mình vẫn không có view", Huyền thở dài, cho biết thêm mình hiện chán nản, 2 tuần mới làm một clip.
Tương tự Thanh Huyền, nửa năm nay, Phương Mai (23 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang loay hoay để có thu nhập từ nền tảng video ngắn.
Cô nhập về một lượng lớn quần áo, nghĩ rằng sẽ bán hết trên TikTok, nhưng đến giờ vẫn còn nguyên.
Trước đây, cô từng quay một video với nội dung thay đổi nhiều phong cách thời trang, thu hút được hơn 70.000 lượt xem.
Dưới phần bình luận, hàng trăm người hỏi thông tin về bộ đồ cô mặc. Điều này khiến Phương Mai nghĩ mình có thể dễ dàng làm giàu bằng việc đăng tải những video tương tự.
"Tuy nhiên, những clip sau đó, tôi chỉ có vài trăm lượt xem. Quá ít lượt tiếp cận, số quần áo tôi nhập về chỉ chất đống, không bán được cho ai. Hiện tại, tôi chỉ xem ứng dụng này là công cụ để giải trí, không đầu tư quá nhiều để quay clip nữa", Mai lắc đầu và nói.
Còn với Đăng Quân (23 tuổi, Nghệ An), mạng xã hội không hề dễ dàng kiếm được tiền như anh từng lầm tưởng.
Trước đây, anh thường đăng tải một số video ca hát. Có giọng hát tốt, nội lực, chàng trai kỳ vọng dễ dàng hợp tác quảng cáo cùng nhãn hàng.
"Tôi còn đầu tư tiền triệu để mua máy quay, đèn livestream, hy vọng kênh của mình sớm đạt 10.000 lượt theo dõi. Nhưng sau hơn 2 tuần, tôi chỉ có duy nhất một video vài nghìn lượt xem. Bài hát nào mới ra, tôi đều tranh thủ thu âm lại, nhưng đều không có tương tác", Quân kể.
Thậm chí, vì không tìm hiểu kỹ, kênh của anh còn bị đánh bản quyền âm nhạc. Điều này khiến lượng tương tác càng giảm sút, lượt người theo dõi tụt dốc.
Trong khi nhiều người trầy trật để có thể kiếm được đồng tiền đầu tiên từ mạng xã hội, những TikToker đã khá nổi tiếng cũng phải vất vả để duy trì lượng tương tác.
Trần Lâm, reviewer mỹ phẩm với hơn 200.000 người theo dõi, cho biết mình luôn phải chạy đuổi theo thuật toán của TikTok và thị hiếu khán giả.
Anh buộc phải đăng tải video đều đặn, trung bình mỗi ngày một clip, để không bị nền tảng "bóp" tương tác.
Ngoài ra, dường như người dùng ngày càng đòi hỏi nội dung hấp dẫn, kịch tính hơn. Họ chán ngán những trào lưu bão hòa, ai cũng giống ai. Muốn giữ chân người hâm mộ, Trần Lâm phải cố nghĩ ra những điều mới mẻ, thậm chí đánh đổi bằng sức khỏe làn da.
"Có một số sản phẩm không phù hợp với da, nhưng vì đang được nhiều người ưa chuộng, tôi vẫn mua về dùng và quay video đánh giá. Việc sử dụng hàng trăm loại mỹ phẩm khác nhau khiến da mặt tôi bị viêm, tổn thương và để lại nhiều sẹo", anh cho biết.
Reviewer này tâm sự thu nhập được bao nhiêu lại dành một khoản lớn để chữa lành tổn thương trên da. Anh nhẩm tính mình đã tiêu tốn hơn một trăm triệu đồng cho những liệu trình phục hồi da mặt.
Trần Lâm tiết lộ hiện tại, anh kiếm được khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng nhờ làm TikToker.
Anh trân trọng số tiền này bởi đã trải qua quãng thời gian không kiếm nổi một đồng từ nền tảng.
"Tôi bắt đầu quay video từ khi còn là sinh viên, ở trong phòng trọ hơn 10 m2. Lúc đó, không có tiền đầu tư đèn chuyên dụng, tôi chỉ biết lấy ánh sáng từ cửa sổ nhà vệ sinh để lên hình cho rõ nét hơn. Tâm huyết đến vậy, nhưng kênh của tôi khi đó không có mấy người xem", Lâm nói.
Hukha (biệt danh, 24 tuổi, TP.HCM) cũng cho biết mình từng rất khó khăn để kiếm được tiền từ mạng xã hội.
Reviewer ẩm thực này bắt đầu làm video mạng xã hội từ ngày còn là sinh viên. Khi đó, với số tiền sinh hoạt ít ỏi, cô phải tính toán rất nhiều trước khi trải nghiệm một món ăn, hàng quán.
"Có những ngày tôi chỉ ăn một bữa ở nhà, để dành tiền đi review hàng quán. Tôi phải lập kế hoạch, tìm hiểu thuật toán của TikTok để xem nội dung của mình có view hay không. Nếu chỉ hùa theo đám đông, ăn gì quay đó mà không có định hướng dài lâu, kênh tôi chắc chỉ có vài trăm lượt xem", cô nói.
Đến hiện tại, khi sở hữu hơn 400.000 người theo dõi, Hukha càng cảm thấy áp lực khi luôn phải tìm cách giữ tương tác trên kênh của mình. Cô không dám lơ là việc đi ăn, quay clip và đăng lên mạng.
Thậm chí, có một thời gian, mỗi ngày cô trải nghiệm đến 6-7 quán ăn, nhà hàng. Thói quen ăn uống này khiến cô mắc bệnh về dạ dày, tiêu hóa. Hiện tại, cô chỉ dám review 3 quán/ngày, có ngày chỉ đến một địa điểm.
"Tôi còn chịu căng thẳng rất lớn từ người xem. Họ đến quán ăn nơi tôi giới thiệu nhưng không hợp khẩu vị, họ về nhà chửi bới tôi thậm tệ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những tình huống như vậy, nhưng thực sự vẫn rất sốc", cô bày tỏ.
Theo LinkedIn, 41% người dùng đang hoạt động trên TikTok ở độ tuổi từ 16 đến 24. Gen Z được cho là nhóm người dùng có khả năng sáng tạo, kiếm được tiền nhiều nhất từ nền tảng này.
Hiện tại, TikTok quy định người dùng chỉ có thể bật chế độ kiếm tiền nếu trên 18 tuổi, có hơn 10.000 người theo dõi và có ít nhất 100.000 lượt xem trong 30 video gần nhất.
Tuy nhiên, để kiếm được số tiền nhiều hơn, TikToker cần tuân theo hàng loạt thuật toán hoặc quy tắc khác.
Theo đó, họ không được phép đăng nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật; không quảng cáo, bán hàng công khai; không giới thiệu nền tảng khác và không được vi phạm bản quyền âm thanh, hình ảnh.
Ngoài ra, họ cũng cần duy trì số lượng video mình đăng tải trên kênh. Một TikToker đăng tải 15-20 video mỗi ngày sẽ được thuật toán nhận diện là "chăm chỉ", được quảng cáo nội dung mà không cần trả phí.
Điều quan trọng, người làm phải bắt kịp xu hướng, sáng tạo và biết cách câu kéo người xem. Video sẽ trở thành trending dễ dàng nếu khiến người xem thích thú, xem hết clip và tích cực bình luận.
Theo Insider, các nhà sáng tạo nội dung trên khắp thế giới cùng gặp khó khi kiếm tiền từ TikTok. Nhiều chuyên gia chiến lược truyền thông cũng chỉ ra hạn chế của nền tảng này, chủ yếu nằm ở việc các chiến dịch quảng bá có tuổi thọ ngắn, video cũ không thể thu hút lượt xem để tạo ra doanh thu.
Thiết kế công nghệ của TikTok, khác với YouTube, không tập trung vào bất kỳ tài khoản nào. Thay vào đó, nó là dạng “lướt đến vô tận” nhờ AI theo dõi sở thích, thói quen của người dùng. Nếu chỉ muốn xem video của TikToker yêu thích, họ phải mất thêm thời gian tìm kiếm.
"Tính năng khám phá này là trở ngại lớn với vài nhà sáng tạo. Đôi khi, phải mất vài ngày để fan hâm mộ xem được video của họ. Chúng tôi mệt mỏi, nhưng chưa tìm được hướng giải quyết tối ưu”, Alexandra Devlin, người đại diện công ty giải trí và âm nhạc WME, nói.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người cố gắng trở thành TikToker nổi tiếng. Theo số liệu của công ty dữ liệu truyền thông Social Blade (Mỹ), có hơn 39.000 tài khoản trên nền tảng này đạt 1 triệu lượt theo dõi. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp có phần “coi thường” nhà sáng tạo hơn.
“Nhiều nhãn hàng chi rất ít tiền để mời TikToker quảng bá, song, hàng loạt nhà sáng tạo chấp nhận mức thù lao đó. Việc này khiến ngành công nghiệp video ngày càng trở nên rẻ mạt”, Eamon Brennan, phó chủ tịch của công ty Collab, chia sẻ với Insider.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tray-trat-kiem-tien-tu-tiktok-post1345246.html