Trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 nguy hiểm như thế nào? Chuyên gia chỉ rõ dấu hiệu cần khám sớm!

Phụ huynh cần nghĩ tới nguy cơ con mình bị MIS-C khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, kèm theo rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

Theo số liệu do Sở Y tế TP.HCM cung cấp, được tổng hợp từ các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn, (thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3 năm nay) trên tổng số 71.076 trẻ, 315 trường hợp được chẩn đoán MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, lứa tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%), kế đến là trẻ từ 5 đến 12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và cuối cùng là trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%).

Tại Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng và nhiều địa phương khác cũng ghi nhận tình trạng trẻ bị MIS-C hậu Covid-19, tuy nhiên chưa có con số thống kê cụ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Được biết, tháng 11/2021, MIS-C đã được Bộ Y tế đánh giá là một trong các biến chứng hậu Covid-19 nặng ở trẻ em, có xu hướng gia tăng và có thể khiến trẻ tử vong. Đến tháng 2 năm nay Bộ đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị.

Hội chứng MIS-C (viết tắt của Multisystem Inflammatory Syndrome in Children, là tình trạng các bộ phận cơ thể có thể bị viêm bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiện như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy.

Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim.

Người gặp biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh, cha mẹ tuyệt đối không chủ quan

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây MIS-C chưa rõ. Các bác sĩ giả thuyết có thể đây là hậu quả tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nCoV. MIS-C chỉ xảy ra ở một số ít trẻ mắc Covid-19. Do đó, các chuyên gia cũng đưa ra giả thuyết nữa là yếu tố gene có liên quan tới MIS-C.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phụ huynh cần nghĩ tới nguy cơ con mình bị MIS-C khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, kèm theo rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ. Dấu hiệu bệnh nặng như thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

MIS-C xảy ra sau mắc Covid 19, song đa phần trong giai đoạn cấp tính trẻ không có triệu chứng hoặc nhẹ. Trong tình hình số ca nhiễm tăng cao như hiện nay, người nhà cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ như trên, kể cả khi chưa rõ bé đã mắc Covid-19 trước đó hay không.

Cách phòng tránh

Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc Covid 19. Cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như 5K, cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch.

Trẻ đang mắc hoặc sau mắc Covid-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa nên nghĩ tới hội chứng viêm đa hệ thống và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

Những món ăn quen thuộc mà bà bầu cần kiêng

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tre-bi-viem-da-he-thong-hau-covid-19-nguy-hiem-nhu-the-nao-chuyen-gia-chi-ro-dau-hieu-can-kham-som-172220420110336078.htm