Trẻ dễ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần trong mùa thi, phòng ngừa như thế nào?

Cứ mỗi mùa thi đến, số trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần lại gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Cách phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần trong mùa thi như thế nào?

Nữ học sinh 13 tuổi đến Phòng khám Sức khỏe Tâm thần (Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) với vẻ trầm lặng, ít nói...

Nội dung

1. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần mùa thi

2. Những bệnh lý tâm thần thường gặp trong mùa thi

3. Cách phòng các vấn đề sức khỏe tâm thần mùa thi

Bố mẹ học sinh này cho biết, cháu đã từng đi khám ở nhiều nơi và có những đợt bệnh ổn định. Đợt này chuẩn bị vào kỳ thi học kỳ cháu luôn luôn lo lắng, không ngủ, không ăn, bỏ bữa, hai ngày không ăn gì, lúc nào cũng cầm khư khư trên tay đề toán cô giáo giao cho và miệng luôn nói ‘cho con đi học thêm, cho con đi học thêm, nếu không đi học thêm thì con không biết được đề thi như thế nào đâu’... Tại đây, cháu được bác sĩ chẩn đoán bệnh rối loạn liên quan đến stress với phản ứng lo âu trầm cảm.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đến khám về sức khỏe tâm thần liên quan đến những vấn đề stress căng thẳng trong học hành thi cử dù bố mẹ cũng không tạo áp lực gì cho con. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi gần đến mùa thi, tỉ lệ học sinh đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần lại tăng cao.

1. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần mùa thi

- Nhiều bài các môn khác nhau, dồn dập vào cuối kỳ tạo áp lực cần phải hoàn thành.

- Áp lực điểm số, thành tích từ phía bản thân học sinh, gia đình, nhà trường...

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Thức khuya học bài, ngủ ít, sáng lại dậy sớm đi học, tối về lại học thêm... khiến các em học sinh không có thời gian để ngủ nghỉ, cơ thể luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, không có năng lượng, học tập kém hiệu quả, cứ thế tạo thành một vòng xoắn không thể tháo gỡ ra được.

Với việc học tập, phương pháp tự học là quan trọng nhất.

Với việc học tập, phương pháp tự học là quan trọng nhất.

- Đi học quá nhiều, ngoài học chính ở trường, có thể buổi sáng hoặc chiều, có thể cả sáng cả chiều đi học thêm nhiều. Có những trường hợp đi học thêm tất cả các buổi tối trong tuần, thậm chí có ngày còn hai ca, có học sinh đến 22h mới được ăn cơm và không có thời gian để tự học.

Với việc học tập, phương pháp tự học là quan trọng nhất nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc học thêm dù bị cấm nhưng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, chỉ là dạng này hay dạng khác và học sinh phải hòa nhập vào guồng học thêm đó.

- Sử dụng điện thoại, máy tính để chơi game, vào mạng xã hội nhiều, nghiện điện thoại, nghiện game.... Nhiều học sinh bị điện thoại, máy tính kiểm soát, thao túng, không chủ động được trong việc học tập, dẫn đến học hành sa sút và nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần khác liên quan đến nghiện game.

2. Những bệnh lý tâm thần thường gặp trong mùa thi

- Mất ngủ: Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta. Trong giấc ngủ, các tế bào thần kinh được nghỉ ngơi và hồi phục lại sau một ngày hoạt động căng thẳng. Giấc ngủ làm tăng cường trí nhớ, điều hòa trao đổi chất và làm giảm đi sự mệt mỏi về tinh thần. Trong giấc ngủ, não đào thải các chất độc và làm sạch các tế bào thần kinh, giúp cho hoạt động của não bộ bình thường.

Mất ngủ với những biểu hiện ngủ không đủ về thời gian (nên ngủ ít nhất là 7 giờ/ngày), hay tỉnh giấc về đêm, gián đoạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ dậy sớm, ngủ không sâu giấc… sẽ khiến cho các tế bào thần kinh không có đủ thời gian để thải các chất độc. Vì vậy ngày hôm sau, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, không thể học tập hiệu quả được.

Thiếu ngủ khiến các em ngủ gật trong giờ học.

Thiếu ngủ khiến các em ngủ gật trong giờ học.

- Rối loạn lo âu: Đây là một rối loạn thường hay gặp, khiến người bệnh thường có những biểu hiện hay bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh, không ngồi yên một chỗ được lâu, thường phải đi đi lại lại, vã mồ hôi, run chân tay, ngủ ít, ăn không ngon, cảm giác tức nóng rát vùng thượng vị, đi tiểu nhiều, luôn lo lắng về chuyện học hành, thậm chí bản thân học tốt rồi vẫn cứ lo.

Lo lắng quá khiến học sinh căng thẳng quên hết kiến thức khi vào phòng thi, hoặc có những học sinh cứ đến lúc đi thi là lại không đi được hoặc nghỉ học vào những ngày cuối của kỳ thi...

- Trầm cảm: Bệnh nhân thường có những biểu hiện buồn chán, bi quan, mệt mỏi, hay quên, không tập trung học tập, không còn sức lực để học bài, làm bài, không muốn đến lớp, không tiếp xúc, nói chuyện với mọi người, thường ở một mình, thậm chí có thể không muốn ăn, bỏ ăn, có ý nghĩ bi quan tiêu cực, cho là mình vô dụng, không làm được việc gì, nặng hơn có thể có ý tưởng muốn chết và hành vi tự sát.

Một số người có có hành vi nguy hiểm như cắt tay, làm đau bản thân. Thực tế rất nhiều học sinh đến khám với những vết sẹo nhiều ở hai bên tay, cánh tay, cẳng tay, hay cổ tay, ở vùng đùi, thường là những vùng được che kín và trẻ thường mặc áo dài tay dù mùa hè. Trẻ thường giấu gia đình bố mẹ, tuy nhiên có những trường hợp có thể nói với bố mẹ.

Khi cắt tay hay có những hành vi hủy hoại bản thân, các tế bào thần kinh tăng tiết dopamin, làm cơ thể có cảm giác thoải mái. Nhưng cơ thể sẽ có sự điều chỉnh thích nghi và quen dần với tình trạng tăng tiết dopamin này, dần dần hành vi tự hại bản thân sẽ phải tăng dần về mức độ, tần số mới có thể đem lại cảm giác thoải mái cho người bệnh. Nếu mức độ nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

3. Cách phòng các vấn đề sức khỏe tâm thần mùa thi

- Ngủ đúng giờ: Đảm bảo thời gian ngủ ít nhất 7 giờ.

- Cần có thói quen vệ sinh giấc ngủ: Ngủ và dậy vào đúng một giờ cố định trong ngày, tạo thành thói quen và cơ thể sẽ như một cái đồng hồ sinh học, báo thức giờ đi ngủ, giờ dậy; không ngủ nướng, kể cả vào cuối tuần.

- Ăn uống điều độ, đủ chất: Không bỏ bữa, uống nước, ăn rau, trái cây, bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ăn uống không đảm bảo, ngủ nghỉ không đúng giờ giấc sẽ làm cho cơ thể suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh liên quan đến miễn dịch như nhiễm trùng, zona thần kinh, viêm họng, nhiễm virus...

- Không uống hay sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, thuốc lá điện tử, các chất kích thích tâm thần như amphetamin...

- Không chơi điện tử, vào mạng xã hội quá nhiều chỉ sử dụng các phương tiện điện thoại, điện tử khi cần thiết.

- Có phương pháp học hợp lý: Tránh tình trạng để sát ngày thi mới học, rồi thức cả đêm không ngủ để học bài. Phân bổ thời gian học hợp lý, vừa đi học, vừa tự học. Vấn đề tự học là vô cùng quan trọng, tránh tình trạng đi học quá nhiều, tốn nhiều thời gian sức lực và không có thời gian để nghỉ ngơi, tự học bài.

- Tập luyện một môn thể thao nào đó: Bóng bàn, cầu lông, bóng đá... ưu tiên những môn tập thể, đối kháng. Có thể tập thêm các môn như yoga, thái cực quyền, chạy bộ... đều đặn thường xuyên, giúp nâng cao sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

- Khi có các dấu hiệu khác thường nên đi khám và tư vấn bác sĩ để có những biện pháp điều trị phù hợp.

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-de-mac-cac-van-de-suc-khoe-tam-than-trong-mua-thi-phong-ngua-nhu-the-nao-169250511152703209.htm