Trẻ đuối nước ở hồ bơi: Cảnh báo người lớn chỉ biết 'cắm mặt' vào điện thoại

Vụ việc trẻ tử vong thương tâm ở hồ bơi trong chuyến đi du lịch cùng gia đình ở Quảng Ninh khiến nhiều người đau xót. Theo chuyên gia, trong các vụ việc đau lòng xảy ra đều thiếu sự tận tâm, trách nhiệm đối với trẻ.

Mới đây, hai trẻ em (cháu 4 tuổi và 1 cháu 7 tuổi) gặp nạn tại bể bơi trong chuyến đi nghỉ dưỡng cùng gia đình tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) khiến 1 trẻ tử vong, 1 trẻ đang cấp cứu tại bệnh viện.

Sự việc xảy ra ngay những ngày đầu kỳ nghỉ hè của năm học này khiến nhiều người hoang mang, lo lắng về sự đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhất là trong kỳ nghỉ hè kéo dài, thời tiết nóng nực và bể bơi, sông hồ, biển… là lựa chọn để giải nhiệt. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ em là vấn đề được đặt ra.

PGS. TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nói rằng, ở hầu hết các bể bơi, bãi biển du lịch hiện nay đều đã có quy trình đảm bảo an toàn như bố trí người trực giám sát, cứu hộ ứng trực.

Hay ở trường học, trẻ từ 6 tuổi đã bắt đầu được học những bài học về kỹ năng phòng chống đuối nước. Thế nhưng, trên thực tế, dù có quy trình chuẩn đến đâu, quy tắc đã được đưa ra thế nào thì vẫn xảy ra các sự việc tai nạn thương tâm mà nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn đối với con trẻ.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, dường như mỗi người đều chú tâm vào màn hình điện thoại mà thiếu tương tác, thậm chí bỏ quên đi những đứa trẻ. Trong vụ việc vừa rồi, nếu người lớn để tâm hơn, sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc”, TS Trần Thành Nam nói.

 Ngoài dạy kiến thức, kỹ năng, người lớn cần để tâm hơn đến trẻ sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Ngoài dạy kiến thức, kỹ năng, người lớn cần để tâm hơn đến trẻ sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Chúng ta phải nhìn nhận lại, dường như cuộc sống quá vội vã hoặc phụ thuộc vào thiết bị điện tử nên ngày càng thiếu vắng sự quan tâm, để tâm đến con trẻ.

Đáng lẽ ra, sau một năm học, chuyến đi du lịch cả gia đình sẽ tận hưởng thời gian nghỉ ngơi bên nhau, dành sự quan tâm, tương tác với nhau thì lại để xảy ra sự việc đau lòng.

Thiếu kỹ năng thực tế

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, mùa hè, nhiều gia đình cho con đi nghỉ mát, đi bơi, đi du lịch cần ghi nhớ các quy tắc an toàn. Đến một nơi mới, cha mẹ có thể khuyến cáo trẻ về sự nguy hiểm có thể gặp như: hồ nước, bể bơi sâu, hố ga… Tuy nhiên, ở độ tuổi nhỏ nhất định, trẻ vẫn không thể thiếu sự giám sát của người lớn.

Thậm chí đối với trẻ lớn tuổi hơn đã được thầy cô, nhà trường dạy các kiến thức liên quan phòng chống tai nạn thương tích nhưng khi va vào thực tế cũng lúng túng, không có kỹ năng xử lý. Nguyên nhân là do, các con mới chỉ được học lý thuyết, không được học thực hành, kiến thức chưa chuyển hóa được thành kỹ năng.

Một kỹ năng quan trọng để phòng chống đuối nước ai cũng biết đó là dạy bơi cho trẻ. Nhưng hiện nay trường học thiếu bể bơi và không phải gia đình nào cũng có thời gian, điều kiện để cho trẻ đi học.

Do đó, tỉ lệ trẻ chưa biết bơi ở độ tuổi tiểu học còn cao nên khi đi đến những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, cha mẹ phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ như: cho con mặc áo phao trước khi xuống bể bơi, biển đồng thời phải luôn để trẻ trong tầm mắt.

Một khi đã thiếu sự chú ý, tận tâm của người lớn thì nguy cơ tai nạn vẫn luôn tiềm ẩn. Ngay cả sự việc trẻ mầm non 5 tuổi tử vong trên xe đưa đón học sinh ở Thái Bình vừa qua cũng cho thấy sự thiếu lương tâm, trách nhiệm của người lớn.

Ở góc độ trường học, theo Bộ GD&ĐT, tỉ lệ trường học có bể bơi hiện nay rất thấp, chỉ chiếm khoảng 9% nhà trường có bể bơi.

Cụ thể, toàn quốc có gần 18 triệu học sinh trong các trường phổ thông. Học sinh đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần. Các em thường hiếu động, thích tìm tòi, khám phá thế giới tự nhiên, trong khi môi trường tự nhiên lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước.

“Nếu các em không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước, có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời, trở thành nỗi đau về tinh thần, thể chất, thiệt hại về kinh tế cho gia đình, nhà trường và xã hội”, Bộ GD&ĐT khẳng định.

Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phòng chống đuối nước ở một số nơi chưa hiệu quả nên một số lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh chưa nhận thức đúng đắn sự nguy hiểm của đuối nước, đôi khi chủ quan dẫn đến hậu quả thương tâm.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tre-duoi-nuoc-o-ho-boi-canh-bao-nguoi-lon-chi-biet-cam-mat-vao-dien-thoai-post1644009.tpo