Trẻ em mồ côi vì COVID-19: Ưu tiên chăm sóc trẻ ở môi trường gia đình
Trong số 1.500 trẻ em mồ côi tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Việc cần làm lúc này là cần khẩn trương đánh giá được nhu cầu hỗ trợ của từng trẻ.
Hiện nay, các địa phương đang thực hiện rà soát, đánh giá hoàn cảnh, điều kiện từng trường hợp trẻ em mất cha, mất mẹ, mồ côi cả cha và mẹ do COVID-19.
Mỗi trẻ em sẽ có từng hoàn cảnh khác nhau và cần sự trợ giúp không giống nhau, việc đánh giá nhu cầu của trẻ cần thực hiện bởi những cán bộ có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, bảo vệ trẻ em.
Mỗi tuổi, trẻ có phản ứng khác nhau khi người thân qua đời
Theo UNICEF, nhà tâm lý học, tiến sỹ Lisa Damour chỉ ra rằng phản ứng của trẻ khi người thân qua đời tùy thuộc vào độ tuổi và trải nghiệm cuộc sống trước đó của trẻ. Mỗi trẻ lại có phản ứng khác nhau tùy theo các độ tuổi và khả năng nhận thức khác nhau.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường không hiểu rằng cái chết là vĩnh viễn và có thể hỏi liệu người mới qua đời có trở về hay không. Trẻ có thể có các hành vi khác như níu lấy người chăm sóc hoặc thể hiện hành vi rút lui, né tránh như tè dầm. Những hành vi này rất phổ biến và sẽ dừng sau một khoảng thời gian nhất định.
Nhi đồng trong độ tuổi từ 6 tới 11 bắt đầu hiểu rằng cái chết là mãi mãi (một số trẻ 6 tuổi có thể vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu khái niệm này) và có thể lo lắng rằng những người thân trong gia đình và bạn bè sẽ qua đời. Trẻ có thể bắt đầu đặt ra thêm nhiều câu hỏi và muốn hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Trẻ có thể thể hiện nỗi đau buồn bằng sự tức giận và cảm thấy đau nhức về thể chất.
Thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên hiểu rằng cái chết là điều không thể thay đổi và xảy ra với tất cả mọi người, bao gồm chính các em. Các em thường muốn tìm hiểu lý do của sự việc. Phản ứng của các em đa dạng và có thể bao gồm thờ ơ, tức giận, buồn bã tột độ và kém tập trung.
Theo chuyên gia tâm lý, không có cách đau buồn “đúng” và các cảm xúc hoặc hành vi khác nhau sẽ xuất hiện không theo giai đoạn cụ thể, cố định. Phản ứng của trẻ rất khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, khả năng nhận thức, mối quan hệ của trẻ với người mới mất, cách các thành viên khác trong gia đình phản ứng cũng như văn hóa và xã hội nơi trẻ sinh sống.
Linh hoạt theo từng hoàn cảnh của trẻ
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng: "Trong khi cố gắng làm việc tốt, một số người cho rằng cho các em một nơi trú ngụ là giải pháp duy nhất. Nhưng không phải như vậy, chúng ta cần phải nhanh chóng cùng nhau tìm được môi trường 'gia đình' cho các em.”
Trên thực tế Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, kết quả của việc đánh giá, nghiên cứu nhiều năm về trẻ em trong các cơ sở tập trung đã cho thấy rất rõ ràng rằng các cơ sở tập trung không phải là nơi đúng đắn hoặc thậm chí không phải là một nơi an toàn cho trẻ em. Do đó, UNICEF đánh giá cao công văn hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các tỉnh và thành phố ưu tiên chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do COVID-19.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng môi trường gia đình là tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Việc chia tách trẻ ra khỏi gia đình cần hạn chế khi không thực sự cần thiết đặc biệt vởi trẻ em con nhỏ tuổi. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ cần được hỗ trợ để sống trong môi trường gia đình của chính các em.
“Các hình thức hỗ trợ cần cho trẻ em mồ côi vì COVID-19 cần dựa trên đánh giá nhu cầu thực tế, hoàn cảnh cụ thể của từng em. Từ đó có kế hoạch chăm sóc, hỗ trợ phù hợp cho từng trẻ dựa trên quyền, nhu cầu của các em,” bà Loan nói.
Việc cần làm lúc này là cơ quan chức năng ở địa phương cần khẩn trương tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi vì COVID-19, đánh giá nhu cầu thực tế của từng hoàn cảnh. Trên thực tế, mỗi trẻ sẽ có các vấn đề, nhu cầu khác nhau, có trẻ cần hỗ trợ, can thiệp nhiều mặt như bố trí người chăm sóc thay thế, hỗ trợ thức ăn, dinh dưỡng, nguồn lực để các em đi học, học nghề... nhưng nhiều bé cần hỗ trợ về tâm lý, trợ giúp pháp lý...
Ngay cả với trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ thì việc chăm sóc tại trong môi trường gia đình thay thế tại cộng đồng là giải pháp tốt hơn cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc cần làm ngay là tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các em như ở với họ hàng người thân như ông bà, cô, dì, cậu, chú bác hoặc tìm kiếm các cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng các em, có thể bố trí cho các em là anh chị em ruột ở cùng với nhau.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định: “Trong số 1.500 trẻ em mồ côi tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Do đó, phải dựa trên thực tế hoàn cảnh các em còn có bố hoặc mẹ hoặc người thân nào hay không? Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con họ không, họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì? Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em cần hỗ trợ gì?”
“Nếu chúng ta thấy các con còn có thể ở với gia đình, người thân thì cần hết sức hỗ trợ để các em có gia đình, mái ấm, người thân. Tất cả hỗ trợ hiện nay cần xuất phát từ việc các em ổn định cuộc sống, trưởng thành và được đi học. Chúng tôi đang trao đổi với Thành phố Hồ Chí Minh về việc có các kế hoạch cụ thể, trước mắt hoặc lâu dài cho các em,” ông Đặng Hoa Nam nói.
Các can thiệp, trợ giúp đặc thù cho nhóm trẻ mồ côi do COVID-19 cần đảm bảo tính tổng thể, linh hoạt thích ứng với nhu cầu cụ thể của từng trẻ, đảm bảo các em có cuộc sống ổn định lâu dài đến khi trưởng thành. Trong quá trình đó, các cơ quan Nhà nước đóng vai trò chính trong hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch, hỗ trợ lâu dài và giám sát việc bố trí các hình thức chăm sóc phù hợp nhất./.
Một số cách thức quan trọng có thể áp dụng để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn và bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ khi mất người thân:
- Tiếp tục chăm sóc và yêu thương trẻ, dù là cha mẹ, họ hàng hay người chăm sóc, những người mà trẻ tin tưởng và biết rõ.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ cảm thấy an tâm và được yêu thương thông qua tương tác thể chất đầy yêu thương, giọng hát, ôm ấp hay hành động đung đưa.
- Duy trì lịch sinh hoạt hàng ngày nhiều nhất có thể. Cố gắng duy trì lịch hàng ngày như thường lệ, với thời gian dành cho các hoạt động như dọn dẹp, học tập, tập thể dục và vui chơi.
- Nếu trẻ thể hiện hành vi thách thức hoặc rút lui, né tránh, hãy hiểu đó là cách trẻ thể hiện những gì mà các em không thể nói ra thành lời và không phạt trẻ.
- Đảm bảo rằng những người bạn khác của trẻ được giáo viên hoặc cha mẹ các em thông báo về những gì đã xảy ra để các em có thể hỗ trợ trẻ khi trở lại trường học.