Trẻ em nông thôn với thú vui sân cỏ

Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua, bởi có sức hút diệu kỳ với mọi tầng lớp người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Với nhiều trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, mơ ước lớn lao nhất là hằng ngày được chạy nhảy, nô nức cười đùa quanh trái bóng tròn.

Với nhiều trẻ em thành phố, sau khi đi học về là được bố mẹ cưng chiều, cho mượn điện thoại để chơi games, hoặc bật ti vi xem các kênh thiếu nhi, hoạt hình… đến giờ lại được “mời” đi tắm rửa, ăn cơm. Với trẻ em nông thôn thì khác, sau khi đi học về thường phụ giúp bố mẹ chăn trâu, bò, trông em, nấu cơm, thậm chí giặt giũ quần áo…

Xuân Tăng là phường của thành phố Lào Cai, tuy nhiên điều kiện kinh tế của nhiều gia đình vẫn rất khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Dù các em nhỏ cũng không phải quá vất vả, nhưng cơ hội tiếp xúc, sử dụng các phương tiện hiện đại như điện thoại, ti vi thông minh hoặc đi chơi công viên, khu vui chơi dành cho thiếu nhi rất hạn chế.

Thấu hiểu được tâm lý và để phần nào bù đắp thiệt thòi cho con trẻ, một số hộ ở tổ 6, phường Xuân Tăng đã bảo nhau san gạt một khu đất trống rộng khoảng 300 mét vuông, trồng cỏ xanh, dựng khung thành bằng tre, tạo thành sân bóng giữa rừng cây xanh mát. Sân bóng hoàn thiện, trẻ trong khu dân cư rất phấn khởi, thích thú, bởi ngày nào chúng cũng được chạy nhảy đá bóng.

Anh Hoàng Văn Huỳnh, tổ 6, phường Xuân Tăng cho biết: Các cháu nhà tôi giờ đây chiều nào cũng ra sân đá bóng với các bạn trong xóm. Thấy các cháu vui vẻ cười đùa bên trái bóng, phụ huynh chúng tôi cũng phấn khởi, yên tâm phần nào.

Trẻ em đá bóng tại tổ 6 phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai.

Trẻ em đá bóng tại tổ 6 phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai.

Sân bóng tổ 6, phường Xuân Tăng tuy nhỏ nhưng mặt sân khá đẹp, luôn có trên dưới chục em nhỏ luyện tập, thi đấu. Không kể trai, gái, các cháu hăng say chạy theo trái bóng, rồi có lúc ngã nhoài nhưng vẫn cười đùa sảng khoái.

Cháu Hoàng Thị Hạnh, tổ 6, phường Xuân Tăng cho biết: Nhà cháu làm nông nghiệp nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hằng ngày cháu thường rủ các bạn trong xóm chơi những trò chơi truyền thống như đánh chuyền, nhảy dây, trốn tìm… chiều đến thì ra sân đá bóng. Mặc dù là con gái nhưng cháu rất thích bóng đá. Đá bóng giúp chúng cháu rèn luyện, nâng cao thể lực, thoải mái tinh thần.

Tôi có dịp đến nhiều thôn, bản vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh, gặp không ít cháu nhỏ đang đá bóng trong sân nhà hoặc những bãi đất trống. Nhiều nhóm trẻ có bóng da, bóng nhựa, nhưng cũng không ít phải dùng những quả bưởi xanh làm bóng để đá. Xã Phìn Ngan (Bát Xát) tuy quỹ đất bằng phẳng để làm nhà và các công trình phúc lợi xã hội rất khó khăn, nhưng chính quyền địa phương vẫn ưu tiên một khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, bám mặt đường làm sân chơi thể thao, trong đó chủ yếu phục vụ đá bóng.

Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan Tẩn Láo Tả cho biết: Trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân quan tâm chăm sóc trẻ em cả về thể chất và tinh thần. Nhiều thôn, bản của xã còn nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn dành quỹ đất để làm những sân chơi cho trẻ, trong đó có sân bóng đá.

Bóng đá là môn thể thao dễ chơi, phù hợp với mọi lứa tuổi, chi phí thấp so với nhiều môn thể thao khác. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn sân bãi phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có môn bóng đá. Theo nghiên cứu khoa học, với trẻ em, nếu thời gian sử dụng ti vi, điện thoại thông minh… được thay thế bằng các môn thể thao nói chung, bóng đá nói riêng sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Nhìn thấy rõ nhất là nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng, nhanh nhẹn và năng động hơn, quan trọng nhất là hạn chế tiếp xúc với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348695-tre-em-nong-thon-voi-thu-vui-san-co