Trẻ em trong cơn 'ác mộng khí hậu'
Khủng hoảng khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy không chỉ đối với hệ sinh thái, môi trường sống của con người, mà còn ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế khi nắng nóng khắc nghiệt làm gia tăng sức ép chi tiêu đối với nhiều hộ gia đình trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Mối nguy nắng nóng
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, nắng nóng sẽ là mối nguy lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, theo đó đến năm 2050, hầu hết trẻ em trên thế giới sẽ phải chịu tác động của các đợt nắng nóng nguy hiểm.
Theo báo cáo của cơ quan này, ít nhất 500 triệu thanh thiếu niên trên thế giới sẽ phải tiếp xúc với những đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu và đến giữa thế kỷ này, hơn 2 tỷ trẻ em sẽ phải tiếp xúc các đợt nắng nóng “thường xuyên hơn, lâu hơn và nghiêm trọng hơn”.
Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Catherine Russell cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em khi nó đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc sống và tương lai của trẻ em”.
Theo những dữ liệu được công bố trong báo cáo trên, trẻ em phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn người trưởng thành, nếu phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt, do khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn ở lứa tuổi này. Trẻ em càng tiếp xúc nhiều với sóng nhiệt càng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, như các bệnh mãn tính về hô hấp, hen suyễn và các bệnh tim mạch.
UNICEF dự báo, đến năm 2050, trẻ em khu vực Bắc bán cầu sẽ phải đối mặt với sự gia tăng lớn nhất về mức độ nghiêm trọng của sóng nhiệt cao, trong khi gần 50% số trẻ em ở châu Phi và châu Á sẽ phải đối mặt với việc tiếp xúc liên tục với nền nhiệt trên 35°C.
Báo cáo trên được đưa ra chưa đầy 2 tuần trước khi các cuộc đàm phán tại Hội nghị về khí hậu của LHQ Cop27 diễn ra ở Ai Cập và sau 1 năm thế giới liên tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, bão, lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán.
Theo UNICEF, hiện nay, 559 triệu trẻ em phải chịu ít nhất 4-5 đợt nắng nóng nguy hiểm hàng năm, nhưng con số sẽ tăng gấp 4 lần, lên 2 tỷ vào năm 2050, ngay cả khi tốc độ nóng lên toàn cầu giảm khả quan xuống 1,7 độ C.
Trong trường hợp xấu nhất, nhiệt độ trung bình tăng 2,4 độ C, do đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch trong thời gian quá dài, ước tính 94% trẻ em sẽ phải tiếp xúc với đợt nắng nóng kéo dài ít nhất 4,7 ngày vào năm 2050. Trong “cơn ác mộng” khí hậu này, chỉ những khu vực nhỏ ở Nam Mỹ, Trung Phi, châu Đại Dương và châu Á thoát khỏi được nắng nóng.
Ngoài ra, khi nắng nóng gay gắt làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, nó cũng có thể làm giảm khả năng tiếp cận thực phẩm và nước của con người, làm chậm sự phát triển và tăng khả năng bạo lực và xung đột nếu các gia đình buộc phải di cư.
Kêu gọi hành động
Các chuyên gia của UNICEF cho biết, họ sẽ tập trung vào việc kêu gọi hành động đối với các nhà lãnh đạo, những người đang bị cuốn theo các lợi ích kinh doanh lớn, mặc dù 7 năm qua là những năm nóng nhất được ghi nhận. Từ vùng cực đến vùng nhiệt đới, các đợt nắng nóng nguy hiểm đang gia tăng về tần suất, thời gian, cường độ và khiến gần 500 nghìn người tử vong mỗi năm.
Riêng năm nay, các đợt nắng nóng ở Trung Quốc đã làm khô cạn các con sông và làm hư hại mùa màng, với nền nhiệt trung bình ở nhiều nơi lên tới 48 độ C. Điều đó cũng diễn ra ở Pakistan trước khi những trận mưa chưa từng có khiến 1/3 đất nước chìm trong “biển” nước. Nhiệt độ kỷ lục trên khắp châu Âu đã dẫn đến hàng chục nghìn ca tử vong có thể phòng tránh được và giảm mạnh sản lượng cây trồng, trong khi hơn 100 triệu người Mỹ phải chịu cảnh báo về nắng nóng trong mùa hè vừa qua.
Hành tinh càng nóng thì hậu quả càng thảm khốc. Cho rằng trong vòng 3 thập kỷ tới, gần như mọi trẻ em sẽ phải chịu nhiệt độ khắc nghiệt ngay cả trong trường hợp các cam kết giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch được thực hiện một cách tốt nhất, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn và xa hơn, đồng thời giúp cộng đồng chuẩn bị cho những gì sắp tới.
Những người ủng hộ cũng đang thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tại Cop27 lắng nghe những người trẻ tuổi và ưu tiên các nhu cầu của họ trong các cuộc đàm phán vào tháng tới. Bà Vanessa Nakate, một nhà hoạt động khí hậu và đại sứ thiện chí của UNICEF cho biết: “Những cú sốc khí hậu trong năm 2022 đã đưa ra lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với chúng ta. Trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới tại Cop27 hành động để điều chỉnh lộ trình mà chúng ta đang theo đuổi, các làn sóng nhiệt sẽ còn trở nên khắc nghiệt hơn những gì chúng đã dự báo”.
Ông Stiell, Thư ký điều hành của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh, để mục tiêu nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu còn khả thi, các chính phủ cần tăng cường các kế hoạch hành động ngay từ bây giờ và triển khai mạnh mẽ trong 8 năm tiếp theo.
Báo cáo khí hậu mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, nếu các quốc gia trên thế giới hoàn thành cam kết khí hậu hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vẫn tăng 10,6% vào năm 2030 so với các mức của năm 2010. Dù vậy, việc kiềm chế được mức tăng khí thải ở 10,6% vào năm 2030 được coi là một tiến bộ vì đã giảm so với mức 13,7% trong ước tính trước đây của Liên hợp quốc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tre-em-trong-con-ac-mong-khi-hau-5700630.html