Trẻ học kém, bí từ, khó nhận diện mặt chữ… dễ bị rối loạn học tập
Nhiều người vẫn quan niệm trẻ chậm đọc, chậm viết, học kém, khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt... là do học kém. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế đây có thể những biểu hiện của trẻ bị rối loạn học tập, cần phải điều trị
Tại buổi truyền thông về các rối loạn học tập ở trẻ em diễn ra chiều 20-11, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng khám tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tình trạng trẻ rối loạn học tập vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều người đang lầm tưởng do con tiếp thu chậm, học kém, tăng động, tự kỷ...
Điển hình là bệnh nhi N.T.H. (14 tuổi, học sinh lớp 9). Khi là học sinh tiểu học, H. đã gặp khó khăn trong môn tiếng Việt. Bệnh nhân không hiểu nội dung của câu chữ, chép sai từ trong sách in ra vở… Cậu bé cũng khó có thể nói một câu rành mạch.
Học cấp 2, H. vẫn học kém môn văn, có thể đọc hiểu, tuy nhiên vốn từ rất ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. Thậm chí, với những môn học yêu cầu sự khéo léo như: thủ công cắt tỉa giấy, lắp ráp mô hình…, bệnh nhân tỏ ra yếu kém. Hơn nữa, H. cũng ít nói, nói chuyện chậm, thường xuyên phải dừng lại để suy nghĩ từ.
6 tháng gần đây, sau khi chuyển đến học ở trường mới, H. thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Điều này khiến cậu bé ngày càng ít giao tiếp.
Ngoài ra, H. còn có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung. Cậu bé cũng dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp. Học lực của H. cũng giảm sút nhiều và thường xuyên có cảm giác căng thẳng.
Gia đình đã đưa nam sinh đến Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia thăm khám. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên đó là tình trạng rối loạn học tập.
Sau 10 ngày điều trị bằng liệu pháp can thiệp tâm lý và hóa dược, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm. Bệnh nhi xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập bị giảm sút.
Có 3 dạng rối loạn học tập, gồm: rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Trong đó, rối loạn đọc phổ biến nhất (chiếm 10-36% trẻ trong tuổi đi học).
Biểu hiện của rối loạn học tập bao gồm: trẻ bị chậm nói, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Ở bậc học tiểu học, trẻ nhận diện mặt chữ kém, khó ghép vần. Ở cấp trung học, bệnh nhân khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, diễn đạt kém, suy giảm trí nhớ... Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp.
"Nhiều bệnh nhân bị rối loạn học tập nỗ lực nhiều mà không có kết quả tốt hoặc bị chế giễu, xa lánh có thể rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi"- bác sĩ Yến chia sẻ.
Theo bác sĩ Yến, khi cha mẹ thấy con có các rối loạn học tập, nỗ lực nhiều mà không đạt được kết quả như công sức bỏ ra và loại trừ các khiếm khuyết khuyết tật trí tuệ, thị giác hoặc thính giác... cần nghĩ đến rối loạn học tập, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.