Trẻ không dung nạp đường Lactose bị tiêu chảy, đây là những điều cha mẹ cần làm để chăm sóc trẻ

Không dung nạp đường Lactose là tình trạng thường gặp ở trẻ em Châu Á, phần nhiều là tình trạng bất dung nạp Lactose thứ phát sau nhiễm khuẩn (có thể phục hồi được), số ít là do bẩm sinh.

Không dung nạp sữa thực chất là không dung nạp Lactose (đường trong sữa). Tình trạng này xảy ra khi ruột non của người bệnh không sản xuất đủ Enzyme (Lactase) để tiêu hóa Lactose thành đường đơn (glucose và galactose) sau đó được hấp thụ vào máu thông qua niêm mạc ruột. Khi thiếu Lactase, Lactose có trong thức ăn sẽ di chuyển vào đại tràng thay vì được chuyển hóa và hấp thu. Tại đại tràng, vi khuẩn sẽ kết hợp với Lactose gây ra các dấu hiệu và triệu chứng ở hệ tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy…

Làm thế nào để biết trẻ không dung nạp Lactose?

Các biểu hiện thông thường của không dung nạp Lactose gồm có: Đau bụng, sình bụng, đầy hơi, tiêu chảy và có thể trẻ sẽ buồn nôn.

Các biểu hiện này thường bắt đầu khoảng 30 phút đến 2 tiếng sau khi trẻ uống hoặc ăn các thức ăn có chứa Lactose.

Muốn biết trẻ có mắc không dung nạp đường Lactose hay không, thì không cho trẻ sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ sữa trong 2 tuần. Sau 2 tuần, thử cho trẻ dùng các sản phẩm đó với lượng nhỏ mỗi ngày để xem các triệu chứng có quay trở lại. Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm không làm từ sữa nhưng có chứa Lactose, rất khó để loại trừ tất cả các loại thức ăn đó trong chế độ ăn uống của trẻ. Vì vậy, nếu thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ hoặc có biểu hiện không dung nạp Lactose, hãy trao đổi với bác sĩ để được cho lời khuyên.

Cả trẻ bất dung nạp đường Lactose và dị ứng đạm sữa đều có biểu hiện khá giống nhau, như nôn ói, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, phân nhầy máu, kém bú, kém ngủ, tăng cân ít… Vì vậy, để xác định tình trạng không dung nạp đường Lactose và dị ứng đạm sữa, bác sĩ cần thực hiện một số phương pháp như test tẩy da, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân…

Không dung nạp đường Lactose là tình trạng thường gặp ở trẻ em Châu Á. Ảnh minh họa.

Không dung nạp đường Lactose là tình trạng thường gặp ở trẻ em Châu Á. Ảnh minh họa.

Đối tượng nào dễ mắc chứng không dung nạp Lactose

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc chứng bất dung nạp Lactose nhất, do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, đang tập thích nghi và tăng dần khả năng hấp thụ, miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy trẻ dưới 3 tuổi bị mắc các triệu chứng bất dung nạp tiêu hóa phổ biến nhất, không chỉ Lactose, nhiều trẻ còn bất dung nạp cả sữa của mẹ mình.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ vị thành niên, người trưởng thành cũng như lớn tuổi không uống được sữa do cơ thể có ít Enzyme Lactase. Hiện tượng một số người lớn uống sữa vào buổi sáng khi chưa ăn gì bị đau bụng, tiêu chảy, từ đó họ ngại uống sữa hoặc phải ăn lót dạ trước. Điều này cho thấy, khi dạ dày hoạt động (kiểu lót dạ) thì Enzyme ruột non mới được kích thích tiết ra, trong đó có cả Lactase.

Những người lớn tuổi và trẻ có cha mẹ mắc chứng không dung nạp sẽ có khả năng mắc chứng này cao hơn người bình thường.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ không dung nạp Lactose?

Khi nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp Lactose, nguyên tắc cần tuân thủ là loại bỏ các loại thực phẩm có chứa Lactose ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, các triệu chứng này thường được phát hiện muộn vì không rõ nguyên nhân, điều này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây còi xương, suy dinh dưỡng, tiêu chảy nhiều gây mất nước, đe dọa tính mạng của trẻ. Để khắc phục tình trạng này cần:

- Giảm các loại thực phẩm chứa nhiều Lactose, ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Bổ sung Probiotic trong khẩu phần ăn uống hàng ngày để thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi.

- Cùng với đó là sử dụng men vi sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc, để tăng khả năng hấp thụ các chất của dạ dày và ruột non. Đặc biệt, cần bổ sung canxi cho trẻ, vì cơ thể thiếu Lactose cũng đồng nghĩa với việc cơ thể hấp thụ canxi kém hơn.

Khi nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp Lactose, cần loại bỏ các loại thực phẩm có chứa Lactose ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ. Ảnnh minh họa.

Khi nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp Lactose, cần loại bỏ các loại thực phẩm có chứa Lactose ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ. Ảnnh minh họa.

- Đối với trẻ vẫn bú mẹ

Phải tiếp tục cho trẻ bú, không nên cai sữa bởi sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi trong tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các Nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột bị tổn thương trong nhiễm trùng.

- Đối với trẻ đang ăn sữa thông thường

+ Nên đổi sang các loại sữa không có đường Lactose. Có thể thay thế bởi các sản phẩm sử dụng đường Maltodextrin hoặc đường có áp lực thẩm thấu thấp. Các sản phẩm sữa có chứa ít Lactose như sữa chua, đặc biệt là sữa chua men sống, vì vi khuẩn Lactic có trong sữa chua sẽ chuyển hóa đường Lactose thay cho cơ thể, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa Lactose.

+ Thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành: Sữa đậu nành có số lượng và chất lượng Protein không thua kém sữa bò. Tuy nhiên, cần lưu ý là một số trẻ có thể bị dị ứng với Protein đậu tương. Thêm nữa, không nên dùng sữa đậu nành là thức ăn duy nhất cho trẻ bất dung nạp Lactose vì lượng đường, chất béo và một số chất khoáng trong sữa đậu nành ít hơn so với sữa bò.

+ Khuyến khích trẻ ăn các loại thực phẩm giàu canxi mà không có Lactose, chẳng hạn như bông cải xanh, rau xanh collard, cải xoăn, củ cải xanh, cá hồi, hạnh nhân, đậu nành, trái cây khô, nước cam ép, và đậu phụ.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Hoàng Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-khong-dung-nap-duong-lactosebi-tieu-chay-day-la-nhung-dieu-cha-me-can-lam-de-cham-soc-tre-169230202131447117.htm