Trẻ mắc Covid-19 khỏi bệnh bao lâu có thể tiêm vắc xin?

Theo các chuyên gia, trẻ em mắc Covid-19 nhẹ, nên có thể hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Vì vậy, cần tiêm vắc xin sau khi nhiễm để phòng bệnh cho trẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thời điểm tiêm là ba tháng sau khi mắc bệnh. Khi đó, cơ thể trẻ đã hồi phục và bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Không tiêm trộn vắc-xin cho trẻ

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Theo các chuyên gia, nhà khoa học, khi trở lại trường, việc lây nhiễm Covid-19 của trẻ đã tăng lên do biến chủng Omicron.

Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc Covid-19 phần lớn đều có mức độ bệnh nhẹ, nhưng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Phụ huynh phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để cách ly, tiếp tục học trực tuyến… tạo gánh nặng lên xã hội”.

Ngoài ra, các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, biến chứng khi mắc Covid-19 ở nhóm này có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng. Đó là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nêu rõ, ngay trong đầu tháng 4, sau khi vắc xin Covid-19 được cung ứng, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo đó, có 2 loại vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm Pfizer và Moderna. Đối với nhóm tuổi này, Bộ Y tế yêu cầu tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào. Về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

Theo đó, triển khai trước cho nhóm từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6. Sau đó, hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 - 11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ, tránh vận động mạnh…

Lưu ý khi tiêm chủng

Chia sẻ về việc trẻ em 5 - 11 tuổi chủng ngừa Covid-19, theo TS.BS Trần Nam Trung - Chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ), vắc-xin kém hiệu lực bảo vệ nhiễm với Omicron. Do đó, nhiều trẻ em dù tiêm rồi nhưng vẫn nhiễm. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, kể cả với Omicron, vắc xin vẫn có bảo vệ tương đối tốt giúp giảm bệnh nặng ở trẻ em. Hiệu lực vắc xin giảm sau một thời gian, nhưng mũi tăng cường giúp nâng hiệu lực đáng kể. Ngoài ra, hiệu lực với chủng Delta chống ca nặng ở trẻ em vẫn rất tốt.

“Khuyến cáo của giới y khoa Mỹ vẫn là nên tiêm vắc-xin cho trẻ em. Bảo đảm đầy đủ liều và mũi tăng cường sẽ giúp giảm khả năng thành bệnh nặng, vốn là mục tiêu chính của tiêm chủng. Liều vắc-xin thấp ở nhóm 5 - 11 tuổi có thể là nguyên nhân dẫn tới giảm hiệu lực nhanh và cần thêm nghiên cứu để điều chỉnh liều, hoặc phải thêm mũi 3 cho nhóm này”, TS Trung nhận định.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nên tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi sau khi khỏi bệnh khoảng 3 tháng.

“Trẻ em mắc Covid-19 nhẹ nên có thể hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Vì vậy, cần thiết tiêm vắc xin sau khi nhiễm để phòng bệnh. Thời điểm tiêm là ba tháng sau khi mắc bệnh. Khi đó, cơ thể trẻ đã hồi phục và bảo đảm an toàn tiêm chủng”, Giáo sư Lân khuyến cáo.

TS.BS Lê Kiến Ngãi - Bệnh Viện Nhi Trung ương cho biết, cần chống chỉ định với các trẻ có tiền sử phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin. Theo chuyên gia này, nhóm cần hoãn tiêm là trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Ví dụ, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như sốt, có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như hóa trị ung thư… Khi đó, trẻ cần trì hoãn tiêm đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Theo TS Ngãi, Hội đồng tư vấn vắc xin của Bộ Y tế đã đồng thuận và khuyến cáo, trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh.

Tuy nhiên, tùy từng tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian trên không. Việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/tre-mac-covid-19-khoi-benh-bao-lau-co-the-tiem-vac-xin-QnnHzysnR.html