Trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh: Ứng dụng công nghệ để nâng chất lượng
Báo cáo thường niên 2023 về 'Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam' vừa được công bố bởi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho thấy, các địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ngày càng tăng.
Những tín hiệu vui
Trước nhu cầu của xã hội về việc cho trẻ em mầm non làm quen với ngoại ngữ, ngày 18/3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2020, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành Thông tư 50/2020 về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Đến thời điểm này đã có 8 chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được Bộ GDĐT thẩm định và phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Việc triển khai tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh diễn ra sôi nổi ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các khu vực thành thị phát triển như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…Thống kê của Sở GDĐT TPHCM cho thấy, trong tổng số 1.305 trường mầm non trên địa bàn có đến 1.240 trường tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh, đạt tỉ lệ 95%. Trong đó, hệ công lập có 423 trường, chiếm tỉ lệ 34,1%; ngoài công lập có 817 trường, chiếm tỉ lệ 65,9%.
Hình thức phổ biến được các trường thực hiện đó là dựa trên đăng ký của cha mẹ trẻ, các trường sẽ liên kết với các trung tâm đã được Sở GDĐT thẩm định tài liệu, học liệu phối hợp thực hiện. Chỉ một số ít cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có tuyển dụng giáo viên cơ hữu để giảng dạy tiếng Anh cho học sinh, còn phần lớn đội ngũ giáo viên vẫn phụ thuộc vào các trung tâm.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu kết nối mọi người từ các nền văn hóa và bối cảnh khác nhau. Đó không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cửa sổ nhìn ra thế giới. Việc được tiếp cận sớm với tiếng Anh chuẩn quốc tế sẽ giúp học sinh Việt Nam có nhiều lợi thế, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp sau này.
Ứng dụng công nghệ, nâng chất đội ngũ nhà giáo
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, khi trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ thì rất cần sự chính xác. Vì vậy, việc lựa chọn giáo viên không chỉ đáp ứng về yêu cầu bằng cấp mà cần phải có chuyên môn tương xứng. Đặc biệt lứa tuổi mầm non có những đặc thù riêng nên phương pháp giảng dạy có những khác biệt so với trẻ lớn. Chẳng hạn, các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh phải được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.
Một số ý kiến đề xuất nếu có vị trí làm việc chính thức cho giáo viên dạy tiếng Anh sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường hơn là việc mời giáo viên về dạy theo tiết, theo giờ. Trên thực tế nhiều chương trình liên kết dạy ngoại ngữ trong các trường tiểu học thời gian qua ở nhiều địa phương đã bị phản ánh về chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này không đơn giản.
Hiện nay theo Thông tư 50/2020 của Bộ GDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, yêu cầu đối với giáo viên người Việt Nam phải có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức. Hoặc phải có bằng cao đẳng trở lên ngành Giáo dục Mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đối với giáo viên nước ngoài, điều kiện để tham gia giảng dạy Tiếng Anh trong trường mầm non cũng khắt khe tương tự khiến việc thực hiện Thông tư 50 ở nhiều trường gặp khó khăn, nhất là với các trường ở vùng sâu vùng xa. Ngay ở thành phố, để tuyển được biên chế giáo viên tiếng Anh cho cấp học mầm non cũng không dễ dàng bởi đây cũng là môn học đang thiếu giáo viên của cấp tiểu học, THCS… Lý do vừa là vì thiếu nguồn tuyển đạt tiêu chuẩn, vừa là bởi chế độ đãi ngộ ở khu vực công lập chưa hấp dẫn so với trường ngoài công lập hoặc các trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết bên cạnh việc lựa chọn giáo viên, khảo sát uốn nắn, ứng dụng công nghệ khảo sát năng lực ngoại ngữ trẻ mầm non là cần thiết. Sở đang phối hợp với một số đơn vị để triển khai việc này, trong đó việc khảo sát có thể tổ chức thường xuyên, định kỳ để rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy.
“
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non cần đảm bảo chất lượng. Các địa phương cần phê duyệt kỹ các chương trình dạy cho trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tập huấn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, thẩm định kỹ các giáo viên nước ngoài; tích cực số hóa giáo trình, tài liệu...