Tre - Nguồn cảm hứng bất tận
Nhắc đến những hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng quê Việt Nam xưa thì không thể kể đến cây đa, bến nước, sân đình… và những lũy tre làng. Tre còn là nguồn cảm hứng bất tận của người Việt trong sáng tác văn học - nghệ thuật.
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh giới thiệu với du khách về các loài tre đặc biệt tại Làng tre Phú An
Vốn gần gũi với đời sống con người, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng trong văn học - nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích “Nàng Út ống tre”, “Cây tre trăm đốt”... đến các câu ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Tre còn là hình ảnh không thể thiếu trong các bộ phim về làng quê Việt, gắn với những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến, là một trong những chất liệu của nhiều loại nhạc cụ, như: đàn T’rưng, sáo, khèn. Với những phẩm chất đáng quý, cây tre còn trở thành biểu tượng cho người Việt Nam. Tre góp công trong chiến thắng giặc Ân của Thánh Gióng, tre làm bãi cọc trong chiến thắng Bạch Đằng giang, tre tầm vông làm gậy, làm vũ khí chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến, góp sức xây dựng quê hương với nhiều sản phẩm thủ công đầy tiện ích. Tre còn được nhân cách hóa trong nhiều bài thơ nổi tiếng của Việt Nam. Khi nhắc đến tre thì ai cũng có thể đọc “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?...”. Qua hình ảnh cây tre, Nguyễn Duy đã cho thấy những phẩm chất đáng quý của người Việt Nam: đoàn kết, giàu tình yêu thương, ngay thẳng, chính trực trong bài thơ “Tre Việt Nam”. Trong các tranh phong cảnh, bộ tranh Tứ quý: Mai - lan - cúc - trúc được nhiều họa sĩ, nghệ nhân tạo tác bằng nhiều chất liệu, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng, là món quà không thể thiếu trong mỗi dịp tân gia.
Đến Làng tre Phú An, TX.Bến Cát, nhiều người không giấu được cảm xúc vui thích khi được hòa mình với không gian xanh mát của rất nhiều loại tre tại đây. Chia sẻ với chúng tôi về sự thích thú khi đến với Làng tre Phú An, Chị Đặng Thanh Như (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang), cho biết nơi đây đã tạo cho chúng tôi cảm giác thật thư giãn với không khí trong lành của thiên nhiên. Đặc biệt rất ấn tượng với những công trình nghiên cứu về các loại tre của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cũng như các công trình kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng những vật dụng làm từ tre.
Ấn tượng hơn nữa là ca khúc “Làng tre Phú An” do chính tác giả Lệ Hồng trình bày rất mộc mạc mà dạt dào cảm xúc yêu thương với quê hương Bến Cát. Ca khúc được Lệ Hồng sáng tác trong một lần đi thực tế cùng Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Bến Cát với tổ mạng lưới dạy môn ngữ văn. “Được ngắm khu bảo tồn tre của toàn nước Việt Nam thì tôi vô cùng cảm xúc và viết ra ca khúc này. Cảm xúc tự hào đây còn là nơi có nhiều lãnh đạo tài ba, trong đó có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước đều là những người con của Phú An (Tam giác sắt thành đồng).
Trong các liên hoan, hội diễn, hội thi văn nghệ, hình ảnh tre được đưa vào hòa cùng những lời ca, những vũ điệu tạo nhiều nét sinh động đặc sắc cho các tiết mục. Theo Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, các nhà nghiên cứu về tre đang chuẩn bị làm một hội thảo về tre thế giới. Trong đó, công trình của Làng tre Phú An sẽ hứa hẹn là một điểm nhấn đáng chú ý với bạn bè các châu lục.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tre-nguon-cam-hung-bat-tan-a275030.html