Trẻ sốt cao co giật khi đang đi du lịch, mất nhận thức do bỏ lỡ 'thời điểm vàng'
Từ câu chuyện của trẻ sốt cao, co giật trên núi, thiếu điều kiện chăm sóc y tế, rơi vào trạng thái hôn mê sâu do thiếu oxy trong não, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Vui, Khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã đưa ra những lưu ý phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ.
Mất nhận thức do bỏ lỡ “thời điểm vàng”
PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Đ.T.Đ. (Nam Định) - ông ngoại của em T.T.K. (7 tuổi) bị bại não sau một trận ốm sốt cao. Ông Đ. cho biết, khoảng 5 tháng trước, trong một lần em K. đi du lịch cùng gia đình ở vùng núi, em đã bị sốt cao trên 40°C đến mức co giật.
Vì đây là nơi "đồng không mông quạnh", không có bất cứ bệnh viện nào ở xung quanh, đồng nghĩa với việc không có đầy đủ thuốc để hạ sốt nên em đã bỏ lỡ "thời điểm vàng".
Do đó, khi được đưa đến Bệnh viện Nhi tại Đà Nẵng, em đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu do thiếu oxy trong não. “Lúc ấy cả gia đình đều xác định chắc cháu không thể qua khỏi”, ông Đ. bộc bạch.
Nhưng may mắn đã mỉm cười với gia đình ông, khi đưa em K. về Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, các y bác sĩ đã cứu sống được tính mạng của em. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó em chỉ sống thực vật tại bệnh viện trong 2 tháng trời.
Hiện tại, dù sức khỏe của em đã bình thường trở lại nhưng nhận thức không khác gì một bé sơ sinh. Em được điều trị phục hồi chức năng tại Khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.
Lưu ý khi trẻ sốt co giật cha mẹ nên biết
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Vui - Khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội khuyến cáo, khi con nhỏ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt cao không giảm, triệu chứng của thiếu oxy lên não, đau đầu chóng mặt,... cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh và đề ra phương án chữa trị kịp thời.
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi con mình sốt cao co giật là hoảng sợ và lo lắng. Tuy nhiên khi tình huống này xảy ra, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh để xử trí đúng cách vì hầu hết các cơn co giật đều không nguy hiểm đến sự sống của trẻ. Di chứng nguy hiểm nhất mà tình trạng này có thể gây ra là thiếu oxy não.
Vì thế, trong lúc này, ngay khi đã bình tĩnh trở lại, cha mẹ cần giúp trẻ: Uống nhiều nước lọc ấm để bù nước, nếu có thể thì nên uống nước điện giải, nước hoa quả.
Trong trường hợp bệnh nhi đang ở xa bệnh viện và không có thuốc mang theo, Điều dưỡng Nguyễn Thị Vui chia sẻ những cách giúp trẻ hạ sốt:
- Đặt trẻ trên một mặt phẳng mềm, ở tư thế dễ chịu, thoải mái, thường là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa (một chân duỗi, một chân co) để trẻ dễ hô hấp;
- Cởi hết quần áo của trẻ, đặt gối dưới đầu của trẻ;
- Trẻ sốt cao 38,5°C, mẹ cần làm mát cho trẻ bằng khăn ướt với nước ấm khoảng 36 - 37°C, lau sạch vùng nách, bẹn, trán và sau tai của trẻ. Mẹ tuyệt đối không dùng nước đá để hạ nhiệt cho trẻ vì điều này sẽ khiến mạch máu co lại, làm chậm quá trình giải nhiệt cho trẻ.
Đồng thời, khi dùng khăn lau người cho trẻ, mẹ nên thường xuyên thay đổi khăn để việc hạ thân nhiệt của trẻ được thực hiện hiệu quả hơn. Mẹ nên thay khăn ấm sau khoảng 2-3 phút và ngừng lại khi thân nhiệt của trẻ đã hạ xuống mức bình thường.
- Lau người cho trẻ trong khoảng 15-30 phút khi đợi thuốc hạ sốt phát huy tác dụng;
- Cho trẻ sử dụng thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, paracetamol sẽ được chỉ định cho trẻ khi trẻ bị sốt co giật với liều lượng 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6 giờ nếu trẻ vẫn chưa hạ sốt;
- Kiểm tra và điều trị nguyên nhân gây sốt, sốt co giật ở trẻ…
Mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu: Trẻ bị sốt co giật lần đầu tiên; cơn co giật kéo dài trên 5 phút; sau cơn co giật, trẻ không tỉnh lại; sau cơn co giật, tình trạng sức khỏe của trẻ ngày càng yếu hơn.
“Người bệnh không nên xem thường các cơn co giật vì nếu bỏ lỡ thời điểm vàng sẽ có nguy cơ dẫn đến triệu chứng thiếu oxy lên não, rất nguy hiểm và dễ dẫn đến đột quỵ”, điều dưỡng Vui chia sẻ.