Trẻ thường xuyên nói 4 câu này chứng tỏ đang mất tự tin, cha mẹ cần chú ý
Chỉ cần chú ý quan sát, cha mẹ sẽ nhận ra liệu con mình có phải là một đứa trẻ mặc cảm và tự ti hay không.
Ảnh minh họa
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình lanh lợi, hoạt bát, tự tin. Thế nên khi thấy đứa trẻ có một số dấu hiệu như rụt rè, kém tự tin hay mặc cảm, cha mẹ sẽ thắc mắc tại sao một đứa trẻ được tạo mọi điều kiện tốt nhất vẫn có tính cách như vậy?
Thực tế, tỷ lệ tự ti, mặc cảm ở trẻ không hề thấp nhưng phần lớn bị giấu kín. Nếu cha mẹ không thường xuyên quan sát con sẽ rất khó phát hiện vấn đề. Khi trẻ có những biểu hiện mặc cảm nhưng không được giải tỏa cảm xúc, trẻ dễ sống nội tâm, có xu hướng trầm cảm trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần quan sát con mình nhiều hơn, hãy đặc biệt chú ý nếu thấy trẻ thường hay nói 4 câu này.
1. Con không làm được
Những đứa trẻ tự ti thường đánh giá thấp bản thân. Trẻ luôn cho rằng mình không có khả năng thực hiện, không hoàn thành công việc khi gặp khó khăn, thách thức. Câu cửa miệng của trẻ luôn là: "Con không làm được".
Một cô bé nọ được giáo viên nhận xét viết chữ rất đẹp, trình bày vở sạch đẹp. Khi được giáo viên gợi ý nên tham gia cuộc thi viết chữ thì trẻ lại vội vàng từ chối: "Em viết không đẹp, em sợ người khác sẽ chê cười". Hay khi tranh cử cán bộ lớp, cô bé cũng lắc đầu từ chối, luôn nghĩ mình kém cỏi hơn người khác. Dù bạn bè và giáo viên lần lượt chỉ ra những điểm mạnh nhưng cô bé luôn trong trạng thái mặc cảm.
Trước lối suy nghĩ này, đứa trẻ sẽ luôn sống trong sự phủ nhận. Ngay cả khi có cơ hội, trẻ cũng dễ dàng bỏ lỡ.
2. Con không xứng đáng
Đứa trẻ nào thường xuyên nói: "Con không xứng đáng" là đang tự nguyện từ bỏ đi những cơ hội tốt. Chẳng hạn có đứa trẻ khác giành đồ chơi, dù rất muốn chơi nhưng trẻ sẽ nhường cho bạn. Hoặc dù rất muốn sở hữu món đồ nào đó nhưng nếu bố mẹ không đồng ý, trẻ sẽ từ bỏ ngay mà không tìm cách thử thuyết phục.
Một đứa trẻ luôn cho rằng bản thân không xứng đáng, tự nguyện nhường nhịn thì khi lớn lên thường có lối sống thu mình. Xét về mối quan hệ giữa cá nhân, trẻ hay giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi điều gì. Nhưng nếu nhận được sự giúp đỡ, trẻ sẽ cảm thấy bản thân mắc nợ người khác.
Những đứa trẻ có ý thức thấp về giá trị bản thân thường ít hạnh phúc trong tương lai và dễ bị người khác sai khiến.
3. Mọi người đang để ý con
Nhiều trẻ có tâm lý e ngại, ngượng ngùng, không tự tin vào bản thân. Chẳng hạn khi có khách đến chơi nhà, trẻ sẽ trốn vào phòng riêng, không dám ra ngoài. Hay ở lớp học, trẻ không dám phát biểu, không dám hỏi chuyện các bạn. Những đứa trẻ kiểu này luôn cho rằng người khác đang theo dõi, chú ý từng lời nói cùng cử chỉ của mình.
Khi trẻ mắc một lỗi sai nhỏ, trẻ sẽ cảm thấy trời đất như sụp đổ, lo sợ mọi người để ý rồi cười nhạo. Hơn nữa, cảm xúc của trẻ còn dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. Chỉ một ánh mắt, lời nói của mọi người xung quanh cũng khiến trẻ co mình sợ hãi.
4. Con không dám cãi lại
Nhiều đứa trẻ không dám cãi lời người khác, ngay cả khi đó là điều sai. Đây là điều cực nguy hại nhưng cha mẹ lại thờ ơ bỏ qua. Khi người khác nhờ giúp đỡ, dù không vui nhưng trẻ cũng không từ chối. Vì trẻ sợ nếu từ chối sẽ khiến người khác ghét mình, gây khó dễ trong mọi việc.
Sự tự tin của những đứa trẻ này chỉ bắt nguồn từ lời tán thành của người khác. Một khi người khác không đồng ý, trẻ dễ chán nản, mặc cảm.
Để nuôi dưỡng lòng tự tin, cha mẹ cần hướng dẫn con tích lũy theo thời gian bằng những cách dưới đây:
- Luôn khẳng định bản thân ở hiện tại thay vì tương lai: Khi trẻ mặc cảm, luôn thu mình, cha mẹ không nên đề cập đến những câu động viên cho tương lai như: "Con hãy cố gắng ở lần sau nhé!", "Lần sau, con sẽ trở nên dũng cảm hơn",… Thay vào đó, cha mẹ nên động viên con nắm bắt cơ hội lập tức: "Con nên thử ngay bây giờ", "Con dũng cảm lắm, hãy thử làm lại ngay nhé!",... Chỉ bằng cách khẳng định bản thân ở hiện tại, trẻ mới lấy được dũng khí để vững bước.
- Luôn nhìn vào những điểm tích cực của con: Cha mẹ không nên nhìn vào những khuyết điểm, mà nên nhìn vào mặt tích cực để khích lệ con. Điều này có tác động trực tiếp đến việc hình thành tính cách, giúp trẻ luôn có thái độ vui vẻ, lạc quan.
- Dùng những cụm từ ngắn để động viên: Cha mẹ nên dùng những cụm từ ngắn để ngợi khen hoặc cổ vũ tinh thần cho trẻ. Chẳng hạn như: "Cố lên, con có thể!", "Con sẽ làm được",… sẽ có tác dụng mạnh hơn so với những câu nói dài.