Trên 300 tỷ đồng thực hiện Đề án 'Hạ Long - Thành phố của hoa'

Ngày 2/8, UBND thành phố Hạ Long tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 'Hạ Long - Thành phố của hoa' và 'Hạ Long - Thành phố của lễ hội'. Theo đó, kinh phí dự kiến triển khai Đề án 'Hạ Long - Thành phố của hoa' giai đoạn 2024-2030 là trên 300 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” và “Hạ Long - Thành phố của lễ hội” ngày 2/8/2024. (Ảnh: QMG)

Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” và “Hạ Long - Thành phố của lễ hội” ngày 2/8/2024. (Ảnh: QMG)

Thành phố Hạ Long là đô thị thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, là trung tâm của chiến lược phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá” của tỉnh. Với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ trở thành nền kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác, kết nối các di tích lịch sử văn hóa, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong những năm qua thành phố Hạ Long đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối vùng miền, chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu vực trung tâm du lịch trên địa bàn thành phố; tổ chức ngày càng nhiều các sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch mới đặc sắc… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút khách du lịch đến với Hạ Long.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hạ Long, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch ước đạt 5.252 triệu lượt, bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19); trong đó khách quốc tế ước đạt 1.244 triệu lượt, bằng 202% so với cùng kỳ 2023, bằng 55% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 11.588 tỷ đồng, bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98% so với cùng kỳ 2019. Những con số này là minh chứng cho thấy du lịch của Hạ Long đang trên đà phục hồi rất nhanh sau đại dịch Covid-19.

Hiện nay, thành phố Hạ Long đang phấn đấu và rất kỳ vọng trong năm 2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu đón ít nhất 10 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt từ 22.000 tỷ đồng trở lên.

Với quyết tâm sớm đưa thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, thành phố Hạ Long đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Hạ Long – Thành phố của Hoa” và Đề án “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội”. Hai Đề án này được thành phố Hạ Long phê duyệt ngày 28/6/2024, đây là hai đề án tạo tiền đề và động lực quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch thành phố Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa” có mục tiêu chung là chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Song song đó, tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố lễ hội”. Qua đó huy động sự tham gia của các tập thể, tổ chức, đoàn thể, người dân trong việc chung tay xây dựng, phát triển ngành Du lịch của thành phố.

Theo Đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa”, giai đoạn 2024 - 2025, thành phố xây dựng, cải tạo ít nhất 3 tuyến đường hoa do Nhà nước thực hiện và cải tạo nâng cấp các tuyến đường hoa thuộc khu vực trung tâm du lịch của thành phố do các chủ đầu tư (ngoài Nhà nước) thực hiện; cải tạo nâng cấp Công viên hoa Hạ Long; đầu tư xây dựng mới 3 điểm ngắm cảnh.

Giai đoạn 2026-2030, thành phố Hạ Long sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai đầu tư các dự án, hạng mục các công trình còn lại, đáp ứng mục tiêu của Đề án với mỗi phường xây dựng ít nhất một vườn hoa hoặc đường hoa, phố hoa, cầu hoa, tháp hoa... 100% cơ quan, công sở, trường học, cơ sở tổ chức kinh doanh về du lịch, thương mại trên địa bàn thành phố đảm bảo mỹ quan trụ sở, trong đó chú trọng đến việc bố trí các loài cây, hoa theo mùa; mỗi đơn vị thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đảm nhận thực hiện một vườn hoa hoặc tuyến tường hoa; vận động mỗi hộ dân trong thành phố trồng cây có hoa…

Thành phố đề xuất một số mô hình để các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện như: “Đường hoa - phố hoa”, “Điểm hoa”, “Vịnh Hoa”, “Làng hoa”, “Lớp hoa”; các giải pháp trồng, quản lý cây xanh và ứng dụng khoa học, công nghệ; đề xuất chủng loại cây hoa, tiểu cảnh, các công trình kiến trúc, nghệ thuật và chiếu sáng. Các loại cây, hoa được đề xuất trong Đề án đều là những loại cây đặc trưng của thành phố hoặc những loài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Kinh phí triển khai xây dựng Đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa" giai đoạn 2024 - 2025 trên 43 tỷ đồng. Giai đoạn này, thành phố Hạ Long xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan để triển khai, quản lý hiệu quả cụ thể theo các nhiệm vụ, giải pháp Đề án đã đưa ra, trong đó ưu tiên nghiên cứu triển khai thực hiện sớm tại một số khu vực để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng, như: Khu vực tuyến đường chính mật độ giao thông lớn trên các tour, tuyến thu hút khách du lịch của thành phố; Khu vực công viên hoa Hạ Long, vườn hoa, tiểu cảnh, điểm xanh; Khu vực thắng cảnh, điểm tham quan, di tích; Các vùng cảnh quan đặc trưng (khu vực nghiên cứu trồng hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng, Cổng trời Kỳ Thượng, Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y tại xã Bằng Cả, Đèo Dài, Khu du lịch canh nông tại xã Sơn Dương, làng hoa khu vực Hoành Bồ, Hồng Hải, Hà Tu… chợ hoa truyền thống, khu đô thị mới).

Lễ ký cam kết thi đua thực hiện các mục tiêu của 2 Đề án giữa các phòng, ban, đơn vị với UBND thành phố Hạ Long. (Ảnh: QMG)

Lễ ký cam kết thi đua thực hiện các mục tiêu của 2 Đề án giữa các phòng, ban, đơn vị với UBND thành phố Hạ Long. (Ảnh: QMG)

Trong giai đoạn đầu 2024 -2025, thành phố Hạ Long sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp trồng bổ sung cây, hoa tại Công viên Hoa Hạ Long; Lựa chọn các đoạn, tuyến đường phù hợp để nghiên cứu cải tạo, thay thế cây tạo thành phố hoa theo từng mùa; Cải tạo, trồng hoa bổ sung tại 03 đảo giao thông trung tâm thành phố; Xây dựng một số điểm hoa đặc sắc để tạo điểm nhấn “check-in” cho người dân và du khách.

Giai đoạn 2026-2030, thành phố Hạ Long sẽ đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh, vườn hoa tiểu cảnh mới phù hợp định hướng quy hoạch (xây dựng các điểm check-in; đầu tư xây dựng mới một số tiểu cảnh, vườn hoa tại các quỹ đất do Nhà nước quản lý…). Kinh phí dự kiến cho giai đoạn này trên 270 tỷ đồng.

Đối với Đề án “Hạ Long - Thành phố của lễ hội”, dự kiến được triển khai năm 2025 với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế. Với mục tiêu chung đó, Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể, gồm: Duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có, điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long; Tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về những lễ hội, sự kiện. Đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long - Quảng Ninh.

Để thực hiện Đề án, trong năm 2025 Hạ Long sẽ phục dựng, nâng cấp và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống, như: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu thành phố Hạ Long, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên. Cùng với đó, thành phố sẽ nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống: Hội làng Bằng Cả, lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ.

Thành phố Hạ Long cũng sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025) và Lễ hội đền Vua Lê Thái Tổ (năm 2027).

Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới như: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống; Lễ hội hoa anh đào và Tuần văn hóa Nhật Bản; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội Trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội mùa ổi chín...

Sau khi 2 Đề án được phê duyệt, UBND thành phố Hạ Long đã ban hành các kế hoạch để triển khai, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo từng giai đoạn, cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, ban, đơn vị, xã, phường, đến tổ dân, khu phố, đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đến từng hộ dân.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” và “Hạ Long - Thành phố của lễ hội” ngày 2/8/2024, đã diễn ra Lễ ký cam kết thi đua thực hiện các mục tiêu của 2 Đề án giữa các phòng, ban, đơn vị và 33 xã, phường với UBND thành phố Hạ Long nhằm thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chủ trương lớn của thành phố.

Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã đề ra tại hai Đề án “Hạ Long – Thành phố của Hoa” và “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội”, người dân và chính quyền thành phố Hạ Long tin tưởng rằng, trong thời gian tới đây ngành dịch vụ, du lịch của thành phố Hạ Long sẽ có những bước chuyển ngoạn mục, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đẳng cấp, thu hút du khách, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương và là một trong những động lực để xây dựng thành phố Hạ Long “Giàu đẹp, kiểu mẫu, hiện đại, văn minh, nghĩa tình” như Nghị quyết số 77-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Thành ủy Hạ Long đã đề ra.

Hoàng My

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tren-300-ty-dong-thuc-hien-de-an-ha-long-thanh-pho-cua-hoa-380783.html