Trên 800 người Mỹ mắc bệnh sởi từ đầu năm nay
Thống kê của kênh NBC News công bố ngày 20/4 cho thấy trên 800 người ở Mỹ đã mắc bệnh sởi kể từ đầu năm nay. Phần lớn các trường hợp là ở Tây Texas, nơi một đợt bùng phát không có dấu hiệu thuyên giảm bắt đầu vào tháng 1.

Nhân viên y tế tiêm phòng vaccine sởi cho trẻ nhỏ ở Lubbock, bang Texas (Mỹ) ngày 1/3/2025. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN
Hầu hết các trường hợp bị sởi đều nằm trong số những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, có khoảng 3% các trường hợp được xác định là các ca nhiễm đột phá, mặc dù bệnh nhân đã được tiêm vaccine phối hợp MMR (sởi, quai bị và rubella) đầy đủ hoặc chưa đầy đủ.
Các bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm luôn nhấn mạnh rằng MMR là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất trên thị trường, nhưng như Giáo sư Rodney Rohde tại Đại học bang Texas giải thích, một số ít người đã được tiêm vaccine đầy đủ vẫn có thể bị bệnh trong một đợt bùng phát lớn.
Một liều vaccine MMR có hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi là 93%, liều thứ hai có thể tăng hiệu quả lên 97%.
Theo Giáo sư Rohde, vaccine có hiệu quả cao, nhưng điều đó có nghĩa là sau 2 liều, trong khi 97 trong số 100 người sẽ phát triển khả năng miễn dịch mạnh mẽ và được bảo vệ nếu tiếp xúc với bệnh sởi, thì 3 trong số 100 người còn lại vẫn có thể dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, nếu một người đã tiêm vaccine mà mắc bệnh sởi, thì đó thường là một phiên bản nhẹ hơn, đôi khi được gọi là "sởi biến thể".
Sau khi bệnh sởi được tuyên bố đã bị loại bỏ ở Mỹ vào năm 2000 và không còn được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, quá trình nghiên cứu về loại virus gây bệnh đã chậm lại. Với sự do dự về vaccine ngày càng tăng và việc nước Mỹ sắp mất đi thành tích đã xóa sổ bệnh sởi, một số nhà khoa học nhận thấy cần phải nghiên cứu và theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh đột phá hiếm gặp.
Alexis Robert, một nhà nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nhận xét mặc dù mô hình lây truyền cho thấy các đợt bùng phát bệnh sởi xuất phát từ nhóm người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn nhiều năm sau khi tiêm vaccine vẫn ảnh hưởng đến chiến lược hiệu quả nhất và phạm vi bao phủ cần thiết để xóa sổ bệnh sởi.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, sau ca tử vong thứ 2 liên quan đến bệnh sởi ở Texas đầu tháng này, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Robert Kennedy đã đảo ngược một số bình luận trước đây của ông về vaccine và bệnh sởi và kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Ông Robert Kennedy viết trên một bài đăng trên mạng xã hội X rằng cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sởi là tiêm vaccine MMR, đồng thời cho biết ông đã chỉ thị cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh "cung cấp vaccine MMR cần thiết cho các hiệu thuốc và phòng khám do tiểu bang Texas điều hành cùng với các vật tư y tế khác".