Trên đất cổ Băng Sơn
Vùng đất Băng Sơn - Kẻ Bưng, ngày nay thuộc xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) được biết đến là một trong những làng quê Việt có sự tụ cư của con người từ rất sớm. Nơi đây, cũng được biết đến là quê hương của danh tướng Lê Phụng Hiểu. Về đất cổ Băng Sơn hôm nay, những dấu tích lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời không chỉ là niềm tự hào, đó còn là 'nguồn lực' tinh thần để người dân cùng nhau xây dựng, phát triển quê hương.
Nhắc đến tên đất Băng Sơn, nhiều người nhớ đến quê hương của Lê Phụng Hiểu - Thánh Bưng. Căn cứ theo các tài liệu khảo cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng, từ trước thời Lý hàng trăm năm Kẻ Bưng đã có con người đến sinh sống. Cho đến thời Lý nơi đây đã phát triển trở thành một làng Việt đông vui, ổn định. Còn theo một số tài liệu lưu giữ tại địa phương, Hoằng Sơn thời Ngô, Đinh, Tiền Lê lúc bấy giờ gọi là ấp Băng Sơn, giáp Cổ Đằng, thuộc Ái Châu. Nhà Lý lên thay nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn chia cả nước thành 24 lộ thì Hoằng Sơn gọi là ấp Băng Sơn, giáp Cổ Hoằng, lộ Thanh Hóa…
Người dân Băng Sơn bao đời nay vẫn luôn tự hào đây là nơi đất địa linh sinh nhân kiệt. “Xã Hoằng Sơn có điểm khác với nhiều xã ở huyện Hoằng Hóa, nơi đây có hai quả núi nằm ở phía Bắc của xã. Theo phong thủy hai quả núi này làm án, chắn giữ phía Bắc, tạo thế thanh bình cho mạch đất ngầm chảy xuống dòng sông Trà Giang (một nhánh của sông Mã) bao bọc cả xã… Tả Thanh Long theo mái Đại An/ Voi cúi đầu phục lại/ Hữu Bạch Hổ quanh miền Cẩm Lủ/ Ngựa nghênh cổ chầu lên” (theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Sơn).
Lại nói, núi Băng Sơn còn được người dân thường gọi là núi Bưng. Xung quanh chân núi là những cánh đồng chuyên canh lúa tốt tươi. Truyền thuyết kể rằng, hai quả núi Băng Sơn nằm cân đối ở hai bên khi xưa chính là gánh củi của Đức thánh Bưng thuở hàn vi. Dù núi không quá cao, nhưng đứng từ đây nhìn xuống, thu vào tầm mắt cả một vùng đồng bằng phì nhiêu, làng xóm đông vui, trù mật… Hai ngọn núi Bưng hai bên như nét chấm phá duyên dáng làm cho “bức tranh” làng quê Băng Sơn thêm phần cổ kính mà rất đỗi hữu tình. Phải chăng cũng bởi sự “hữu tình” ấy mà khi xưa, nhiều bậc tao nhân mặc khách nổi tiếng hay chữ khi đến nơi đây đã “tức cảnh” làm thơ đong đầy xúc cảm nhằm ngợi ca cảnh sắc và con người.
Cũng bởi là vùng đất cổ, dễ hiểu vì sao ở Băng Sơn đi qua thời gian có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây ở Băng Sơn có đầy đủ các công trình kiến trúc, tâm linh, như: đền, chùa, miếu, phủ, đình làng, văn chỉ, võ chỉ… với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân hết sức phong phú. Một trong những di tích điểm nhấn trên đất Băng Sơn là đền thờ Lê Phụng Hiểu - ngôi đền thiêng tọa lạc ngay dưới chân núi Băng Sơn.
Theo sử liệu và lưu truyền dân gian, Lê Phụng Hiểu là người con của đất Băng Sơn. Ông từ nhỏ đã có sức khỏe hơn người, lớn lên càng phi thường, ít người địch nổi. Thuở nhỏ nhà nghèo, ông thường lên núi kiếm củi gánh về phụ giúp cha mẹ, mỗi gánh củi ông kiếm được hàng ngày bằng sức của cả trăm người. Có một lần, người dân hai làng lân cận Băng Sơn là Kẻ Cổ (Cổ Bi) và Đàm Xá tranh chấp ruộng đất dẫn đến xô xát. Làng Đàm Xá cậy đông người nên đã nhiều lần lấn chiếm ruộng của Kẻ Cổ mà không chịu trả lại. Sau đó, nghe tiếng chàng trai Lê Phụng Hiểu võ nghệ cao cường, sức khỏe phi thường nên người dân Kẻ Cổ đã cùng nhau đến nhờ ông giúp. Bất bình trước sự ngang ngược của làng Đàm Xá, Lê Phụng Hiểu đã nhận lời giúp làng Kẻ Bi. Ông nhổ bụi tre lớn bên đường làm gậy vung vào trai làng Đàm Xá khiến nhóm người hung hăng tan tác, đành phải trả lại ruộng cho dân làng Cổ Bi. Cũng từ đây, việc tranh chấp ruộng đất không còn xảy ra. Tên tuổi Lê Phụng Hiểu được người dân khắp vùng ngợi ca.
Về sau ông tham gia vào quân đội triều đình nhà Lý, được tuyển làm lính hầu bảo vệ nhà vua. Nhờ võ nghệ cao cường, sức khỏe phi thường lại mưu trí nên ông được vua Lý Thái tổ hết sức yêu quý nên được thăng lên chức Vũ vệ tướng quân. Khi vua Lý Thái tổ qua đời, dù đã có di chiếu để lại về việc lập người nối ngôi là Thái tử Lý Phật Mã song vẫn xảy ra “loạn tam vương” tranh giành ngôi báu giữa các con vua. Lúc bấy giờ, thực hiện theo di chiếu của Tiên đế, Lê Phụng Hiểu đã rút gươm tả xung hữu đột, đánh tan đám quân phản loạn. Nhờ công dẹp “loạn tam vương”, Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu được thăng lên đến chức Đô thống thượng tướng quân và được ban tước hầu.
Ông còn theo vua Lý đi chinh phạt phương Nam, đánh dẹp Chiêm Thành và lập được nhiều công trạng. Thắng trận trở về, nhà vua ban thưởng cho ông chức tước nhưng người con xuất chúng của đất cổ Băng Sơn đều từ chối, ông chỉ xin với vua, được đứng trên đỉnh núi Bưng (Băng Sơn) quê nhà, ném thanh đại đao, đại đao rơi xuống đâu thì xin vua ban cho đất đến đó để gây dựng sản nghiệp. Về đến Băng Sơn, đứng trên núi Bưng, Lê Phụng Hiểu quăng thanh đại đao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống hương Đa Mi (nay là xã Hoằng Kim), đất ruộng được vua ban cả nghìn mẫu. Và ruộng ấy, cả sử liệu và dân gian gọi là “Thác đao điền” (tức ruộng phóng (ném) đao). Tác giả sách Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú khi nhắc đến Lê Phụng Hiểu đã dành cho vị danh tướng sự trân trọng: “Danh tướng thời Lý chỉ có Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt là hơn cả, công dẹp nạn mở mang bờ cõi của hai người rõ rệt đáng ghi, không hổ là bậc tướng có tiếng và tài giỏi”.
Không giống với nhiều danh tướng trong lịch sử, từ nhân vật lịch sử có thật, Lê Phụng Hiểu đã vươn tầm trở thành một nhân vật anh hùng mang màu sắc huyền thoại - ông Bưng (Đức thánh Bưng). Danh tiếng của ông được người dân khắp vùng biết đến. Khi nhắc đến ông Bưng, người ta nhớ đến vùng đất Băng Sơn và ngược lại.
Với sự kính ngưỡng dành cho vị dũng tướng tài năng, sau khi Lê Phụng Hiểu mất, người dân Băng Sơn đã cùng nhau lập dựng đền thờ phụng. Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đền thiêng dưới chân núi Băng Sơn là “địa chỉ” tâm linh được người dân và du khách xa gần biết đến. Ông Lê Hùng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn, cho biết: “Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp, ngành, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu đã được trùng tu nhiều hạng mục. Di tích và lễ hội đền thờ Lê Phụng Hiểu đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Cùng với việc tuyên truyền nhằm lan tỏa, phát huy giá trị của di tích, xã Hoằng Sơn hy vọng đền thờ sẽ là điểm đến tham quan, dâng hương chiêm bái được du khách xa gần biết đến. Cùng với đền thờ Lê Phụng Hiểu, các giá trị văn hóa là niềm tự hào, cũng là nguồn lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân Hoằng Sơn cùng nhau phát huy xây dựng quê hương phát triển”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/tren-dat-co-nbsp-bang-son/27552.htm