Trên đất cổ Ðồng Pho
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất Đồng Pho trước đây, nay là xã Đông Hòa (Đông Sơn) đã là một trong những điểm tụ cư quan trọng của người Việt cổ.
Sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hòa (1946-2007) có ghi tiến trình hình thành và phát triển của mảnh đất này. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều trống đồng loại một và các hiện vật bằng gốm thời Hán, các công cụ bằng đá, bằng đồng... Cũng chính nơi này vẫn còn 4 di chỉ khảo cổ gồm: đồng Ngang, bãi Phủ, núi Quỳnh, bãi Vác.
Đến thời Bắc thuộc, vùng đất Đông Hòa thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân. Từ năm 420, quận trị Cửu Chân (Thanh Hóa) từ Tư Phố (làng Giàng ngày nay) dời về Đông Phố (thuộc xã Đông Hòa). Trở thành lỵ sở của quận (tương đương cấp tỉnh nay) vùng đất Đông Phố đã trở nên sầm uất và trực thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân.
Thời thuộc Tùy (603-617), Lê Ngọc (tức Lê Cốc) làm thái thú quận Cửu Chân, xây dựng kinh đô ở Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh) củng cố phát triển trang ấp tại Đông Phố (Đông Hòa), gọi là ấp Đồng Pho. Tên Đồng Pho có từ đây và do mẹ của Lê Ngọc cai quản.
Cùng với Đồng Pho, Lê Ngọc còn cho xây dựng một loạt các trang ấp khác cũng nằm men theo sông Hoàng như: Duỗn, Vạn Lộc, Đồng Xa, Đồng Vinh... làm cơ sở cát cứ lãnh đạo Nhân dân ta chống lại nhà Đường.
Ghi nhớ công lao của cha con Lê Ngọc, Nhân dân Đồng Pho cũng như nhiều làng khác ở Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống ngày nay đã lập đền thờ hoặc phối thờ tại đền gọi chung là Đức thánh ngũ vị.
Có thể khẳng định, đất Đồng Pho là trung tâm của quận Cửu Chân, là lỵ sở trải nhiều thế kỷ từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý. Đến cuối thế kỷ XI, Thái úy Lý Thường Kiệt, trấn thủ Thanh Hóa mới cho chuyển lỵ sở về Duy Tinh (nay là Thuần Lộc, Hậu Lộc).
Là lỵ sở trong suốt thời gian dài, lại là vùng đất đai màu mỡ thuận lợi về phát triển nông nghiệp nên Đồng Pho đã có điều kiện sớm phát triển làng xã, thu hút dân cư khắp các vùng, miền trong ngoài tỉnh tới sinh cơ, lập nghiệp. Nơi đây, một thời gian dài là vùng trọng điểm lúa của huyện Đông Sơn.
Đông Hòa có dòng sông Hoàng chảy qua, đồng thời có hệ thống khe rọc uốn lượn mềm mại như những đầu rồng quây quần tụ hội mà bà con Nhân dân vẫn tự hào đất này có thế “long quần”. Lắm sông, nhiều rọc nên ở đây nghề nuôi cá và đánh bắt thủy sản đã sớm phát triển. Ngoài ra, người Đồng Pho còn có đôi bàn tay khéo léo với nghề thợ mộc, thợ nề góp phần xây dựng trên quê hương một quần thể kiến trúc, chùa, miếu, đền, đình cổ kính phong phú và đa dạng...
Cũng vì sự thuận lợi về đường thủy nên từ xưa chợ Đồng Pho là tụ điểm giao thương, trong đó nổi bật là sản phẩm lúa gạo của địa phương đã đi từ chợ này lan tỏa sang khắp vùng trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, người Đông Hòa có truyền thống hiếu học. Các gia đình, dòng họ, ngoài việc giáo dục đạo đức, lẽ sống cho con cháu đã đặc biệt coi trọng học hành khoa cử. Ở các làng đều thành lập Hội tư văn tập hợp tầng lớp nho sĩ, và lập văn chỉ; Hội tư võ tập hợp những vị võ nghiệp và lập võ chỉ...
Đáng chú ý là Thọ quận công Nguyễn Đăng Khoa (thời Lê Trung hưng), một tấm gương tự luyện rèn văn võ song tài, đức độ đã được triều đình và Nhân dân khắc ghi công tích vào bia đá dựng ở đền thờ.
Bên cạnh đó, người Đồng Pho rất trọng truyền thống văn hóa thờ cúng tổ tiên. Mỗi dòng họ ở đây đều xây dựng từ đường trên thế đất to đẹp. Trong đó có từ đường họ Nguyễn Đình thờ tiền tổ Nguyễn Chích - danh tướng bình Ngô khai quốc thế kỷ XV; từ đường họ Nguyễn Đăng thờ họ quận công Nguyễn Đăng Khoa...
Hệ thống nghè, đình chùa ở Đồng Pho xưa có kiến trúc khá lớn. Trong đó có chùa Vạn Phúc (còn có tên là Phúc Hưng) đền thờ Lê Ngọc, miếu Uy Linh, miếu Chiêu Khánh, miếu Thượng Bổn và lăng mộ bia ký thờ Thọ quận công Nguyễn Đăng Khoa.
Bề dày lịch sử với truyền thống văn hóa phong phú, lâu đời và đặc sắc đã hun đúc truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Đông Hòa. Nơi đây, chi bộ Tây Sơn, tiền thân của Đảng bộ Đông Hòa, một trong những chi bộ đảng đầu tiên của huyện Đông Sơn được thành lập lãnh đạo Nhân dân Đông Hòa vùng lên đấu tranh thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân Đông Hòa đã đem hết sức người sức của làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến. Đặc biệt, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nhân dân Đông Hòa đã làm nên kỳ tích “đơn vị nghìn tấn, nghìn con”, dẫn đầu trong phong trào thâm canh sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Sơn, được huyện phát động thành phong trào “Đông Hòa hóa Đông Sơn”.
Về đình Thượng Thọ ở ngay trung tâm xã Đông Hòa, chúng tôi được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc quý giá với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo thuộc thế kỷ XVII. Nơi đây, hằng năm xuân thu nhị kỳ đều tổ chức lễ hội. Đặc biệt, 3 năm một lần (vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi) được tổ chức với quy mô lớn, thực hiện lệ rước thánh ngũ vị từ Đồng Pho đến nghè Sâm (nay thuộc thị trấn Rừng Thông) để tiến hành lễ tế thần chung của 3 tổng Tuyên Hóa, Quảng Nạp và Thạch Khê (Đông Hòa thuộc Thạch Khê) (theo Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh, NXB Văn hóa dân tộc, H, 2001).
Trên đất Đông Hòa ngày nay, hiện có hàng chục bi ký - những tác phẩm văn học viết độc đáo được dựng tại đền miếu, chùa, đình... trong đó đáng chú ý là nhóm bi ký được lưu giữ tại đình Thượng Thọ. Đó là các bài văn bia “Đồng Pho xã bi ký” ca ngợi cảnh đẹp đình Thượng Thọ và làng quê Đồng Pho; “Hoàng Nguyễn phúc thần bi ký” ghi tóm tắt nội dung các đạo sắc phong cho dòng họ Nguyễn Đăng ở Đồng Pho; “Tụ tập Uy Linh miếu bi ký” ghi công tích thần thượng đẳng Cao tổ Lê Ngọc và các thần khác được thờ ở Đồng Pho... Nội dung các bài văn bia đã phản ánh mọi mặt kinh tế, văn hóa, địa lý, lịch sử đương thời của địa phương...
Ông Trần Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, cho biết: Đông Hòa hiện có 6 thôn, trong đó thôn Phú Minh và Cựu Tự đã đạt NTM kiểu mẫu. Thời gian qua, Đảng bộ xã đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, qua đó góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi đình Thượng Thọ được tôn tạo trùng tu xong, đây không chỉ là điểm tâm linh của bà con trong xã mà còn là điểm kết nối trong hành trình du khách tìm về văn hóa đất và người Đông Sơn.
Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hòa (1946-2007), NXB Thanh Hóa, 2008.
Bài và ảnh: CHI ANH
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-co-nbsp-dong-pho-33151.htm