Trên đường đến ngày toàn thắng...
Trong bầu không khí sục sôi như vừa kết thúc trận đánh cách đây 50 năm, các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) đã kể lại kỷ niệm về những năm tháng hành quân thần tốc từ Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, cơ động vào vị trí tập kết ở rừng Ông Quế (Nông trường cao su Ông Quế, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975...
Kể lại những năm tháng chiến đấu oai hùng, các CCB tuổi 70, 80 như Trung tướng Vũ Văn Kiểu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam); Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng; Đại tá Trần Trọng Minh, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật)... như sống lại thời trai trẻ.
Cách đây 50 năm, đồng chí Vũ Văn Kiểu mang quân hàm Thượng úy, còn đồng chí Nguyễn Văn Nuôi mang quân hàm Đại úy, cùng là Trợ lý Tác chiến Sư đoàn 325. Các ông nhớ lại: Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Sư đoàn 325 được tăng cường Trung đoàn 46, Quân khu Tả Ngạn và một đại đội xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12). Thời cơ đến, Sư đoàn 325 cùng các đơn vị bạn tiến công tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở Tây Nam Huế, dũng mãnh thọc sâu vào nội thành, cắm cờ giải phóng lên đỉnh Phu Văn Lâu.
Trên đà thắng lợi, Sư đoàn tiến công như vũ bão, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc đèo Hải Vân, phát triển giải phóng Đà Nẵng, làm chủ bán đảo Sơn Trà và nhiều mục tiêu quan trọng khác. Tiếp đến, Sư đoàn tham gia cuộc tiến công thần tốc dọc duyên hải miền Trung, thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”, chỉ trong vòng 18 ngày, Sư đoàn 325 đã vượt qua 11 tỉnh, 18 thị xã, thị trấn suốt dọc chiều dài duyên hải Nam Trung Bộ; tiến công tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng thuộc Quân đoàn 3 và Quân khu 3 ngụy, đập tan "cánh cửa thép" của địch ở Phan Rang và Xuân Lộc, kịp thời có mặt ở vị trí tập kết trước cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.

Trung tướng Vũ Văn Kiểu (phía trong cùng, bên trái) cùng một số cựu chiến binh Sư đoàn 325 kể lại cuộc hành quân thần tốc từ Huế đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trung tướng Vũ Văn Kiểu nhớ lại, trên đường cơ động vào vị trí tập kết, đi qua đâu bộ đội cũng được quần chúng nhân dân ra đón. Người đưa dừa, người đưa thực phẩm, có người dân vừa đi biển về còn tặng cả cá. Xe không dừng lại được thì người dân tung lên xe cho bộ đội. Một hình ảnh nữa mà ông không thể quên, đó là sau khi tiêu diệt địch ở cửa Tư Hiền (Phú Lộc, TP Huế) vào ngày 26-3, Trung đoàn 101 và sở chỉ huy phía trước của Sư đoàn 325 do Thượng tá Phạm Minh Tâm, Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy cơ động bằng thuyền của người dân qua phá Tam Giang tới vị trí tập kết để giải phóng Đà Nẵng. “Hàng nghìn thuyền đánh cá, xuồng máy và các phương tiện thủy khác được người dân sử dụng để chở bộ đội. Chỉ huy đơn vị cho lấy chiến lợi phẩm để cảm ơn nhưng bà con chỉ cần giấy viết tay với nội dung “đã giúp Quân giải phóng từ Tư Hiền sang Phú Lộc”. Bà con cũng rất mong có một đồng tiền in hình Bác Hồ để làm kỷ niệm, nhưng chúng tôi lại không có”, Trung tướng Vũ Văn Kiểu kể.
Nhắc đến Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, CCB Trịnh Xuân Tính, lúc đó là chiến sĩ liên lạc của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 Nguyễn Văn Giảng, được phân công ghi nhật ký chỉ huy, nhớ lại chuyện có thể là nguồn gốc câu “cây đổ, pháo nổ”. Đó là trước khi mở màn chiến dịch, bộ đội phải kéo pháo vào điểm cao 840 bắn chi viện cho bộ binh đánh chiếm điểm cao 560 và dãy Kim Sắc (huyện Phú Lộc, TP Huế). Khi pháo đã vào vị trí, bộ đội lại phải chặt cây để không làm ảnh hưởng tầm bắn, nhưng cũng phải bảo đảm bí mật trận địa. Thế là bộ đội chỉ cưa gốc quá nửa rồi lấy mây rừng để giữ không cho cây đổ. Có lệnh nổ súng, bộ đội mới chặt dây cho cây đổ.
Kể tiếp khoảng thời gian diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh ở đơn vị, Trung tướng Vũ Văn Kiểu nhớ, sẩm tối 26-4-1975, địch co cụm ở ấp Thái Lạc, quận lỵ Long Thành, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng xin Sư đoàn chi viện pháo binh nhưng Tư lệnh Phạm Minh Tâm dứt khoát: “Phải đánh bằng vũ khí có trong biên chế, pháo binh không bắn vào đó vì có dân!”.
Hỏi thêm các CCB về ấp Thái Lạc, một CCB giải thích cho chúng tôi về trận mà đồng chí Nguyễn Ánh Dương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 đã anh dũng hy sinh. Nghe đến liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương-người chỉ huy quả cảm ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, không khí bỗng chùng xuống... Chúng tôi đành hỏi sang chuyện khác: "Khi đã tiến đến rất gần Sài Gòn và liên tục giành chiến thắng, lúc đó, các bác có nghĩ ngày toàn thắng sẽ đến sớm không?”, Trung tướng Vũ Văn Kiểu trầm ngâm một lát rồi trả lời: “Chúng tôi không nghĩ chúng ta chiến thắng sớm thế. Mãi đến chiều 29-4-1975, Tư lệnh Phạm Minh Tâm mới cho mấy anh em tác chiến biết ngày 30-4 sẽ hội quân ở dinh Độc Lập. Chúng tôi ai cũng háo hức!”.
Mờ sáng 30-4, khi trận địa pháo tầm xa 130mm đặt ở Nhơn Trạch được lệnh thôi bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, cuộc tiến công vượt sông của Sư đoàn 325 bắt đầu. Kết thúc thắng lợi cuộc tiến công vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho các lực lượng ta trên toàn mặt trận: Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Bộ tư lệnh Sư đoàn trực tiếp nắm Trung đoàn 101 cùng đơn vị xe tăng thần tốc đánh vào quận 9 và khu vực Tân Cảng. Trung đoàn 46 và Trung đoàn 84 ở lại bảo vệ mục tiêu, khóa chặt sông Lòng Tàu, không cho địch rút ra biển.
Từ 9 giờ ngày 30-4, các chiến sĩ Trung đoàn 101 phát triển trên hướng Đông Nam Sài Gòn, dồn dập đánh vào chiếm gọn quận 9, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy và khu vực Tân Cảng, thu hồi và bắt giữ hàng trăm tàu địch. Trên hướng đường xa lộ, các chiến sĩ Trung đoàn 18 sau khi đập tan lực lượng địch ở trường cảnh sát quốc gia và trường huấn luyện Thủ Đức đã nhanh chóng đánh thẳng vào quận 1, cùng Lữ đoàn 203, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và các đơn vị bạn trong Quân đoàn đánh vào dinh Độc Lập...
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chính thức báo hiệu thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/tren-duong-den-ngay-toan-thang-825713