Trên hành trình chinh phục sông Chảy

Từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) theo tuyến đường nhỏ ngược về thượng lưu sông Chảy, những mái nhà thưa dần, đường càng lúc càng heo hút. Giữa núi rừng vắng vẻ ấy, gần 3 năm qua, hơn trăm cán bộ, công nhân ngày - đêm hối hả chỉnh trị sông Chảy, biến con nước hung dữ thành dòng điện năng.

Tính từ Thủy điện Pa Ke đầu nguồn sông Chảy tại địa phận Lào Cai thì đây là bậc thang thứ 4, nằm giữa Thủy điện Bắc Hà và Thủy điện Bảo Nhai bậc 2.

Công nghệ xây dựng thủy điện cột nước thấp, nhà máy nằm ngay sau đập cho phép xây dựng Thủy điện Bảo Nhai bậc 1 ở vị trí mà trước đây gần như bị bỏ quên về tiềm năng thủy điện.

Bởi vậy, có thể nói, với việc xây dựng và đưa vào vận hành công trình thủy điện này đã góp phần tạo thành hệ thống liên hoàn các bậc thủy điện trên sông Chảy từ đầu nguồn đến hạ lưu với bậc thang cuối cùng là Thủy điện Thác Bà, góp phần nâng công suất, sản lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Sau hơn 2 năm thi công, con đập hiện lên sừng sững vắt ngang dòng sông xanh hiền hòa. Từ đây đến chân Thủy điện Bắc Hà trước đây thủy văn thất thường, đặc biệt vào mùa khô, dòng chảy không được duy trì đều thì nay dâng lên thành vùng hồ rộng lớn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến trông già hơn tuổi 30, anh cũng là kỹ sư trẻ nhất trong Ban Quản lý dự án xây dựng Thủy điện Bảo Nhai bậc 1 là đại diện chủ đầu tư. Tiến quê ở Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học thủy lợi lên nhận nhiệm vụ ở Lào Cai.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng đây đã là thủy điện thứ 4 mà anh tham gia, từ Thủy điện Nậm Củn 1, 2 trên dòng Ngòi Bo đến Thủy điện Bảo Nhai bậc 2 và nay là Bảo Nhai bậc 1. Công việc gắn bó với công trường, xa nhà thường xuyên nhưng trong đôi mắt chàng kỹ sư trẻ này luôn ánh lên niềm vui và tự hào bởi được khẳng định sức trẻ của mình tại những dự án năng lượng quan trọng.

Có mặt trên công trường từ ngày đầu triển khai, trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của dự án nên hơn ai hết, kỹ sư Tiến và đồng nghiệp mong mỏi từng giờ đến ngày dự án này chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Nhà máy khởi công quý 3/2019, dự kiến hết quý 2/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ và tiến hành chạy thử. Hiện nay, nhà máy đã hoàn thiện đến cao trình thiết kế, đập tràn nhà máy đã thi công xong 2 khoang tràn bờ phải đến cao trình đỉnh đập là 126,5 m; 4 khoang tràn bờ trái cũng đang thi công đến cao trình 121,5 m. Các thiết bị cơ điện sẽ được vận chuyển đến nhà máy trong tháng 3 này.

Công trình được triển khai thi công song song với Thủy điện Bảo Nhai bậc 2 cũng trên dòng sông Chảy với công suất tương đương, nhưng trong khi Bảo Nhai bậc 2 hầu như được thi công thông suốt thì Bảo Nhai bậc 1 lại đứng trước khó khăn khiến dự án phải đình trệ thời gian dài.

Kỹ sư Tiến cho biết: Khi các công nhân, kỹ sư thi công móng đập thì phát hiện địa chất khu vực này yếu hơn so với tính toán ban đầu của đơn vị tư vấn.

Vậy là chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải tính toán lại phương án, sau đó tiếp tục trình cơ quan chức năng hồ sơ, thủ tục liên quan tất cả quy trình đó khiến dự án mất gần 1 năm mới tiếp tục tái khởi động.

Quá trình giải phóng mặt bằng ban đầu cũng gặp nhiều vướng mắc khi nhiều diện tích đất trong vùng hồ chồng chéo giữa các tổ chức, cá nhân; một số hộ kiến nghị ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã nỗ lực phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Bắc Hà và chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ.

Để bù tiến độ do ảnh hưởng bởi quá trình giải phóng mặt bằng và tính toán lại phương án kỹ thuật của móng đập, ngay sau khi triển khai thi công trở lại, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu huy động tổng lực phương tiện, nhân lực chia làm nhiều mũi thi công.

Có thời điểm trên công trường huy động tới 150 công nhân, kỹ sư và nhiều máy móc, phương tiện hạng nặng thi công 3 ca liên tục, tiếng máy rền vang cả một khúc sông.

Thời gian cao điểm thi công nhà máy cũng trùng với thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia của nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện không thể sang nhà máy, bởi vậy chủ đầu tư đã phải làm việc ráo riết với nhà thầu này tính toán phương án dự phòng là đưa các chuyên gia của nhà thầu đang làm việc tại các nhà máy khác trong nước đến chi viện.

Cùng với các chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư, công nhân trẻ trong nước cũng tích cực khắc phục khó khăn, nắm bắt các công đoạn trước đây phải đi thuê nước ngoài, nhờ đó tiến độ xây dựng dần trở lại với kế hoạch đã lập ban đầu.

Một đội ngũ 20 công nhân vận hành chủ yếu là người địa phương cũng đã được cử đi đào tạo và sẵn sàng làm chủ nhà máy.

Với công nghệ thủy điện cột nước thấp điều tiết ngày nên Thủy điện Bảo Nhai bậc 1 được xếp nhóm nguồn cung cấp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, không ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, không ảnh hưởng lớn đến chế độ chảy tự nhiên của sông.

Hệ thống hồ liên hoàn không chỉ góp phần hạn chế ngập lụt cho vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ, mà với mực nước hồ thay đổi nhỏ trong ngày còn tạo cảnh quan đẹp, mở ra cơ hội phát triển du lịch và nuôi thủy sản. Tuyến du lịch sông Chảy từ chợ Cốc Ly về làng du lịch Trung Đô đang đứng trước cơ hội khôi phục trở lại khi mực nước dâng từ hồ Thủy điện Bảo Nhai bậc 1 sẽ kéo sát đến tận cầu Cốc Ly.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến cho biết: Những ngày gần đây, dịp cuối tuần có rất nhiều đoàn khách nước ngoài đi thuyền từ Cốc Ly xuống làng Trung Đô. Sau này thủy điện hoàn thành, bến thuyền sẽ được thiết kế phía trên đập, mực nước ổn định, dòng nước trong xanh, chắc hẳn du lịch nơi đây sẽ không còn phập phù như dòng nước thất thường trước đây.

Chia tay chàng kỹ sư trẻ, chúng tôi hứa nhất định khi thủy điện hoàn thành, chúng tôi sẽ là một trong những người đầu tiên đi thử một tour du lịch trên lòng hồ thủy điện mới.

Dự án thủy điện Bảo Nhai bậc 1

Công suất 14 MW, gồm hai tổ máy

Mức nước dâng bình thường 120,5 m

Mực nước chết 119 m

Dung tích hồ chứa 2,828 triệu m3

Điện lượng trung bình năm 49,789 triệu kWh

Chiều dài đập tràn (cả đập và nhà máy): 106 m

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365595-tren-hanh-trinh-chinh-phuc-song-chay