Trên hành trình 'sống dậy' những giá trị văn hóa truyền thống
Với lịch sử lâu đời, người Mường có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Tuy nhiên, trải qua những biến động, đã có những khoảng thời gian văn hóa Mường bị mai một, 'ngủ quên'. Và câu chuyện về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường cũng không phải 'chuyện của ngày hôm qua'.
Làng Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) là một trong những vùng đất Mường cổ với tỷ lệ người Mường chiếm đại đa số, tại đây những giá trị văn hóa Mường hiển hiện đậm nét. Ghé thăm Lập Thắng điều dễ nhận ra chính là những nếp nhà sàn truyền thống được người Mường tại đây gìn giữ.
Bà Phạm Thị Oanh, người dân làng Lập Thắng niềm nở: “Với người Mường Lập Thắng, văn hóa chính là lời ăn, tiếng nói, câu xường và hầu như gia đình nào cũng có cồng chiêng. Chiêng còn như báu vật gia truyền, từ đời này truyền sang đời khác, nhà ít có một, hai chiếc, nhà nhiều có đủ cả bộ, nhà dư dả còn sắm bộ cồng chiêng làm “hồi môn” con. Ở Lập Thắng hôm nay, phụ nữ, đàn ông trưởng thành hầu hết đều biết đánh trống chiêng. Khi làng có lễ hội thì cùng nhau nhảy Pôồn Pôông; gặp gỡ khách đến nhà lại “trao” nhau câu xường chào thân mật. Đặc biệt, từ khi làng du lịch cộng đồng Lập Thắng được khai trương đón khách, người dân trong thôn càng ý thức rõ hơn ý nghĩa của việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. Cũng theo bà Phạm Thị Oanh: “Thời gian trước, tôi và một số người dân trong thôn may mắn được tham gia lớp truyền dạy văn hóa truyền thống do nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng chỉ bảo, từ đó thêm hiểu và yêu văn hóa Mường hơn”.
Năm 2022, niềm vui đến với đồng bào Mường xứ Thanh khi hai lễ hội tiêu biểu của người Mường là lễ hội Mường Lập làng Lập Thắng xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) và lễ hội Mường Đòn xã Thành Mỹ (Thạch Thành) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022 để tổ chức bảo tồn. Ông Trương Văn Tú - cán bộ xã Thành Mỹ cho biết: “Người Mường ở Thành Mỹ chiếm 87% dân số. Trong lễ hội Mường Đòn không chỉ các nghi thức tâm linh của người Mường được thực hiện, mà còn cả các trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Mường được tổ chức. Lễ hội Mường Đòn được cơ quan chuyên môn lựa chọn bảo tồn là sự động viên tinh thần rất lớn với không chỉ đồng bào dân tộc Mường ở Thành Mỹ”.
Lễ hội Mường Lập ở Lập Thắng hay lễ hội Mường Đòn của người Mường xã Thành Mỹ chỉ là hai trong số hàng trăm di sản văn hóa Mường ở khắp xứ Thanh đang được nhìn nhận giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến cuối năm 2022, người Mường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 401.800 người chiếm 10,33% dân số toàn tỉnh và chiếm 36,8% dân số các huyện miền núi. Và nếu so với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, người Mường chiếm khoảng 60%. Tại Thanh Hóa, người Mường có địa bàn sinh sống khá rộng, tuy nhiên quần cư sinh sống tập trung hơn cả là các huyện miền núi thấp như Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước… Và ở đâu có người Mường sinh sống, ở đó có văn hóa Mường. Những nét đẹp văn hóa cứ âm thầm chảy trôi, thấm đẫm vào trong nhịp sống, mạch thở của người dân Mường từ ngàn xưa đến hôm nay.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt nói chung, văn hóa của người Mường nói riêng không tránh khỏi sự mai một, “đứt gãy” trong duy trì, lưu giữ, trao truyền.
Ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ngọc Lặc, người đã có 30 gắn bó với công tác văn hóa nhớ lại: Với người Mường, sử thi Đẻ đất đẻ nước và Mo Mường được xem như “linh hồn” của văn hóa Mường. Trong đó, hầu hết các trò chơi, trò diễn, lễ tục văn hóa của người Mường đều được nhắc đến trong sử thi Đẻ đất đẻ nước và Mo Mường. Hiểu được sử thi Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường là hiểu được văn hóa Mường. Có thời kỳ, nhiều người còn nhìn nhận cực đoan về các giá trị văn hóa truyền thống, ngay cả các ông Mo, bà Máy - những người trực tiếp giữ gìn và thực hành tín ngưỡng văn hóa tâm linh dân gian của người Mường cũng chịu ảnh hưởng. May mắn, tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã thực sự “cởi trói” cho những cách hiểu chưa thực sự đúng về văn hóa. Việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nhanh chóng được “bắt nhịp” theo tinh thần nghị quyết.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Bá Tường - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: “Người Mường có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa dành nhiều sự quan tâm cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường. Nhiều di sản văn hóa của người Mường đã được khôi phục, “gắn kết” với phát triển du lịch, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến lễ hội của người Mường làng Lương Ngọc xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy). Tuy nhiên, những kết quả trong việc bảo tồn mới chỉ ở bước đầu và ở một số địa phương, chưa thực sự rộng khắp. Người Mường ở Thanh Hóa không phải chỉ ở Ngọc Lặc, Thạch Thành, mà còn cả ở Bá Thước, Cẩm Thủy… Nhưng tại sao khi nhắc đến những Pôồn Pôông, Sắc bùa… người ta liền nhớ đến người Mường ở Ngọc Lặc, trong khi đó là di sản văn hóa của cả cộng đồng người Mường nói chung. Đây là vấn đề mà theo tôi rất cần sự trăn trở của các cấp ủy, chính quyền. Tôi cho rằng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nói riêng muốn có kết quả thực sự thì phải đi bằng cả “3 chân”. Đó là sự vào cuộc của cả cấp ủy, chính quyền, ý thức trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, người làm văn hóa và cộng đồng người dân. Về phía người dân, tôi tin rằng ở đâu cũng vậy, người dân luôn thiết tha với các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để “khơi dậy, thổi bùng” được tình yêu đó trong Nhân dân".