Trên hành trình tham gia mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu (Kỳ 2): Những câu chuyện vòng quanh thế giới
Sự đa dạng, những câu chuyện truyền cảm hứng của các thành phố đoạt giải thưởng ở Hội nghị quốc tế Thành phố Học tập toàn cầu lần thứ sáu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có thể trở thành bài học quý giá để Việt Nam tiếp thu và tự tin tiến bước trong hành trình xây dựng hệ sinh thái thành phố học tập bền vững.
Tại Hội nghị quốc tế thành phố học tập toàn cầu lần thứ sáu, ngày 2/12, UNESCO đã trao Giải thưởng Thành phố Học tập toàn cầu cho 10 thành phố của các nước Morocco, Bờ biển Ngà, Ireland, Ecuador, Qatar, Hàn Quốc, Anh, Mexico, Trung Quốc và Saudi Arabia.
Giải thưởng vinh danh những thành phố xuất sắc trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và phát triển bền vững thông qua giáo dục. Được trao hai hoặc ba năm một lần, giải thưởng công nhận những nỗ lực biến giáo dục thành động lực cho gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và làm giàu văn hóa. Từ năm 2015 đến nay, 58 thành phố từ các châu lục và các bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa khác nhau đã nhận giải thưởng danh giá này.
Khám phá những mô hình của thế giới
Sự đa dạng về quy mô dân số và kinh tế giữa các thành phố đoạt giải Thành phố Học tập của UNESCO vô cùng ấn tượng, minh chứng cho khả năng áp dụng mô hình này trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt.
Các thành phố như Doha (Qatar) và Thượng Hải (Trung Quốc) đại diện cho các trung tâm kinh tế giàu có bậc nhất thế giới. Doha, với GDP bình quân đầu người trên 60.000 USD (2023), tập trung chuyển đổi từ nền kinh tế tài nguyên sang nền kinh tế tri thức và xây dựng lực lượng lao động bền vững thông qua các chương trình giáo dục gắn với công nghiệp. Trong khi đó, Thượng Hải, một trong những trung tâm tài chính toàn cầu với GDP bình quân đầu người khoảng 27.000 USD (2023), đã tích hợp học tập suốt đời vào quy hoạch đô thị, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ và dịch vụ tài chính.
Ngược lại, Bouaké (Bờ Biển Ngà) và Mayo-Baléo (Cameroon) xây dựng thành phố học tập trong những điều kiện kinh tế còn rất nhiều thách thức và hạn chế. Bouaké, với GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD (2023), đã sử dụng giáo dục như công cụ phục hồi xã hội hậu xung đột. Tương tự, Mayo-Baléo, một thị trấn nông thôn nhỏ, tập trung vào mở rộng tiếp cận giáo dục cơ bản để giải quyết bất bình đẳng có tính hệ thống trong xã hội. Những trường hợp này cho thấy, ngay cả với nguồn lực hạn chế, giáo dục vẫn có thể là chìa khóa cho sự chuyển đổi tích cực.
Về dân số, sự khác biệt rất rõ ràng. Thượng Hải và Vũ Hán, Trung Quốc, là các siêu đô thị, với quy mô dân số của Thượng Hải lên tới trên 29 triệu người và Vũ Hán trên 10 triệu người. Đây là nơi mà các hệ thống giáo dục quy mô lớn phải đối mặt với thách thức đáp ứng nhu cầu đa dạng của đô thị. Ngược lại, các thành phố nhỏ như Benguerir (Morocco), với dân số khoảng 100.000 người, nhấn mạnh vào các cách tiếp cận dựa trên cộng đồng và được tùy chỉnh tại địa phương. Sự khác biệt này nhấn mạnh tính linh hoạt của mô hình thành phố học tập trong việc giải quyết cả sự phức tạp của đô thị lớn cũng như sự gần gũi của các cộng đồng nhỏ.
Bài học cho Việt Nam
Các thành phố học tập toàn cầu được UNESCO vinh danh, dù chênh lệch lớn về quy mô dân số (tới 290 lần) hay GDP bình quân đầu người (hơn 30 lần), đều chứng minh rằng thành công không phụ thuộc vào nguồn lực dồi dào hay quy mô lớn, mà nằm ở khả năng thích ứng linh hoạt và khai thác tiềm năng địa phương.
Nhìn từ góc độ đó, hành trình xây dựng các thành phố học tập tại Việt Nam, từ đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đến các thành phố quy mô vừa và nhỏ như Vinh, Sa Đéc, Cao Lãnh hay Sơn La mở ra nhiều hướng đi đầy tiềm năng.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn, có thể học hỏi từ các đô thị lớn như Thượng Hải (Trung Quốc), Doha (Qatar) hay Yanbu (Saudi Arabia) để tích hợp học tập suốt đời vào quy hoạch đô thị và gắn kết giáo dục với các ngành công nghiệp chủ lực. Việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu công nghệ cao và năng lượng xanh có thể trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, các thành phố vừa và nhỏ như Sơn La, Sa Đéc và Cao Lãnh – nơi kinh tế còn phụ thuộc khá nhiều vào nông nghiệp và thương mại địa phương – có thể tham khảo Bouaké (Bờ Biển Ngà) hay Benguerir (Morocco). Những mô hình này cho thấy sức mạnh cộng đồng và việc tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đào tạo, chuyển đồi nghề cho người lao động chính là chìa khóa cho sự thay đổi khi nguồn lực còn hạn chế.
Về văn hóa, sự đa dạng sắc tộc và di sản phong phú của Sơn La và Cao Lãnh có điểm tương đồng với Cuenca (Ecuador). Việc hài hòa tri thức bản địa với giáo dục hiện đại không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn củng cố gắn kết xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Thành công của các thành phố học tập toàn cầu cũng là nguồn cảm hứng cho những đô thị tại Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập mạng lưới UNESCO vào năm 2025.
Những câu chuyện từ các siêu đô thị phát triển đến các cộng đồng nhỏ bé, hay các thành phố đang phục hồi hậu xung đột, chiến tranh đều khẳng định cơ hội là ngang bằng. UNESCO đề cao sự đa dạng và công bằng, phá bỏ định kiến rằng chỉ những thành phố phát triển mới có thể tham gia mạng lưới. Đây là thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích mọi thành phố, bất kể điều kiện kinh tế, chính trị hay xã hội, tự tin theo đuổi mục tiêu học tập suốt đời.