Trên hành trình vẽ lại bản đồ thuế doanh nghiệp toàn cầu

Sau các cuộc thảo luận, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cuối tuần này thông báo hầu hết các nước tham gia đàm phán về thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã ủng hộ sự ra đời của thỏa thuận này.

Phải chăng, một thỏa thuận quốc tế về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp mà người ta gọi là “mang tính lịch sử” sắp chính thức hình thành?

Dựa trên ý tưởng được thúc đẩy bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mức thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp toàn cầu được thống nhất đưa ra là ít nhất 15%. Hãng thông tấn Kyodo cho biết, cuộc đàm phán của OECD có sự tham gia của 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số 130 thành viên đồng thuận, có Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ. Sự phản đối chỉ đến từ phía một số quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để thu hút đầu tư như Ireland và Hungary.

"Kế hoạch thực hiện chi tiết cùng với các vấn đề còn lại sẽ được hoàn tất vào tháng 10-2021", tuyên bố được ký bởi 130/139 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đàm phán có đoạn nêu rõ.

 Bên ngoài trụ sở của OECD ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Bên ngoài trụ sở của OECD ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Đến nay, thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu với mức áp thuế ít nhất là 15% đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp hay Đức... Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, việc đặt ra một mức sàn 15% về thuế là dấu hiệu rõ ràng cho thấy “cuộc đua xuống đáy về áp thuế doanh nghiệp” đã sắp kết thúc. "Giờ đây, chúng tôi có cơ hội xây dựng một hệ thống thuế nội địa và toàn cầu cho phép người lao động cùng doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh và giành chiến thắng trong nền kinh tế thế giới", AFP trích dẫn lời phát biểu đầy hân hoan của Bộ trưởng Janet Yellen.

Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng hoan nghênh việc 130 thành viên, trong đó có tất cả các nền kinh tế thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều nhất trí với thỏa thuận, đồng thời cho rằng, sự kiện này đánh dấu bước tiến xa hơn trong nhiệm vụ cải cách thuế toàn cầu. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, thỏa thuận toàn cầu nhằm áp thuế suất tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia sẽ là thỏa thuận thuế quốc tế quan trọng nhất đạt được trong một thế kỷ qua.

Mặc dù các bên tham gia đàm phán sẽ phải tiếp tục hoàn thiện các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế để hướng tới mục tiêu hoàn thiện thỏa thuận vào năm 2023, song một số ý kiến khác cho rằng, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ mức đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã mở ra “cơ hội lịch sử” để xây dựng lại các quy định đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia và các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Facebook Inc.

Như lưu ý của OECD, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% có thể giúp các chính phủ thu về thêm khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Và nhiều khả năng trong những tháng tới, các quốc gia tham gia đàm phán sẽ cố gắng đưa mức thuế này lên cao nhất có thể.

Các chuyên gia cũng cho rằng một khi ra đời, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ trở thành thứ vũ khí quan trọng trong việc ngăn chặn các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp. Những ý kiến khác cũng tin tưởng rằng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Đến nay, “hình hài” của thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu-cuộc cách mạng về thuế doanh nghiệp quốc tế gần như đã rõ ràng. Điều quan trọng là thỏa thuận này cần hướng tới sự công bằng, nhất là trong việc nộp thuế của các tập đoàn công nghệ lớn.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tren-hanh-trinh-ve-lai-ban-do-thue-doanh-nghiep-toan-cau-664330