Trên mỗi bước chân người
Có bao giờ bạn quan sát những gương mặt người trên phố? Đó là những người xa lạ, họ sống như thế nào ta không can dự và chỉ là lướt qua khi cùng gặp trên một cung đường, trên một chuyến tàu, trên một chuyến bay. Do cuộc sống của mỗi người hình thành ra tính cách, nên khó khi ta khó chịu vì sự ầm ĩ của một nhóm người, bực mình vì những lời nói to tiếng. Nhưng giống như ngày khép mở, đó chỉ là một khoảng thời gian ơ thờ, thoáng chốc, sau đó là lãng quên nhau.

Dòng người đến chùa ở Nhật
Tôi đi không nhiều lắm, chủ yếu là các nước Đông Nam Á và vài nước châu Á trong điều kiện cho phép. Bạn bè hay hỏi là ăn có được không? Chuyến đi có vui không? Thực ra, mỗi chuyến đi là mỗi trải nghiệm, ở những thành phố là và ăn những món ăn của đất nước đó. Tôi ăn hầu hết các món ăn ở nơi chốn đến, như xôi xoài, gỏi Thái hay đậu hũ thúi Trung Quốc và cả kim chi hay gà hầm sâm, cơm trộn Hàn Quốc. Sự hình thành ẩm thực của một đất nước, cũng như hình thành tính cách mỗi con người của mỗi quốc gia chúng ta đặt chân đến trong một khoảng thời gian ngắn ngủi là chỉ một phần. Như Lào chẳng hạn, thói quen ăn xôi hay gà nướng trở thành ẩm thực đặc sắc dành cho du khách.
Các hướng dẫn viên vẫn thường hay dặn dò là khi ra nước ngoài phải đi đúng vạch đường cho người đi bộ, không hút thuốc sai quy định, không sờ mó vào đồ vật của người khác… Đó lời dặn dò tùy vùng đất đến.
Kể về những gương mặt người là điều thú vị. Tôi đến Hàn Quốc ba lần và tôi rất thích thú đất nước này. Có thể ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc từ những bộ phim được chiếu rộng rãi ở Việt Nam chăng? Đất nước bận rộn này có những con người rất vội, xếp hàng băng qua đường với chiếc điện thoại cứ dí vào gương mặt. Họ ăn mặc rất đẹp, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm vui, những con phố luôn lấp lóa ánh đèn. Tôi cũng yêu Singapore, một đất nước rất nhỏ nhưng phát triển kinh tế vượt bậc. Ở Singapore, họ nâng niu từng thảm xanh trên phố và hoa có khắp mọi nơi đủ để người yêu người…
Tôi yêu những hàng quà vặt trong cuộc hành trình đi đây đi đó.Ở Hàn Quốc, chiếc xe nhỏ bán táo, lê và dâu sau khi khách ăn xong, ai cũng mua về cho vui. Các ngôi chùa ở Thái Lan, nơi nào cũng bán mọi thứ trên đời, họ còn cẩn thận dán tờ giấy bạc mệnh giá Việt Nam cho biết giá thành món hàng và bạn có thể trả tiền Việt. Ở Trung Quốc, các xe trái cây tặng cho bạn con dao bé tí để bạn gọt trái cây. Và tỉ dụ như bạn đến Văn Võ Miếu ở Đài Loan (Trung Quốc) sẽ gặp anh chàng bán khoai luộc huyền thoại, hay gặp những tiệm bánh xinh xinh khi đi thăm Hồ Nhật Nguyệt… Còn ở những nơi khác, đôi khi cứ tới cửa hàng Eleven, ở đây bán mọi thứ, kể cả hộp cơm cho bạn ăn đỡ lòng.
Rồi tôi đi Nhật, tất nhiên là đã bao người đến Nhật và tôi là người đi sau biết bao người. Như đã nói ở trên, mỗi đất nước có một nền văn hóa khác biệt, nên Nhật không là ngoại lệ. Ở Nhật, là phòng khách sạn nhỏ nhưng đủ tiện nghi, bồn cầu hiện đại và lễ tân luôn cúi đầu chào khi thấy khách. Ở Nhật, thành phố vắng bóng xe ô tô vì mọi người đi tàu điện ngầm. Ở Nhật, đi chừng một trăm mét là gặp một cửa hàng tiện lợi… Các cửa hàng dùng máy tính tiền, bạn bỏ tiền vào, sau khi được tính, máy sẽ trả lại cho bạn kể cả 5 xu, một mệnh giá rất nhỏ, khoảng 500 đồng. Họ không nhận tiền boa, mà ngay cửa hàng có một hộp từ thiện, bạn bỏ tiền thừa vào đấy nếu thích.
Ở Nhật là một sự khác biệt, là một thế giới khác so với các nước bạn đi qua. Thành phố không để thùng rác, bạn mang rác về nhà. Thành phố không trang phục nhiều sắc màu, như thể không muốn gây chú ý với người khác. Và dĩ nhiên, những xe hàng rong không có mặt. Để một lần đến Nhật Bản là điều thật là thú vị, bởi sẽ chạm đến núi Phú Sĩ huyền thoại. Dẫu là du khách, nhưng chúng tôi không cảm thấy bị lạc loài, bởi với người Nhật, việc gây khó chịu cho người khác là điều không xảy ra.
Là sự kiên nhẫn đến lạ với văn hóa xếp hàng, mà đa phần là các bạn trẻ. Xếp hàng để vào chùa thắp một nén hương, xếp hàng để mua một cây kem, xếp hàng vào điểm tham quan.
Trên mỗi bước chân người phố sớm, khi những cây ngân hạnh đang chuẩn bị ươm vàng màu lá, tôi bắt gặp những cô cậu học trò với đồng phục chủ yếu hai màu trắng đen đi học, họ đợi để vào ga tàu. Họ không ồn ã như những thành phố khác tôi từng gặp. Có lẽ sự khe khẽ của âm thanh ấy vừa đủ cho hai người. Nhưng quả thật là đặc biệt khi có rất nhiều quạ bay trong thành phố.
Và đó là đất nước có nhiều người cao tuổi cao nhất thế giới. Để khi đi trên đường, chúng tôi gặp rất nhiều người già, họ đi chậm hoặc chống gậy, chỉ một mình. Hình ảnh những người già không người thân trong nắng mềm và se lạnh trên phố ấy mang cho chúng tôi một cảm giác buồn buồn. Trên mỗi bước chân người đó, chắc họ đi cho ngày qua, đi để quay lại nơi mình chỉ có một mình.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202502/tren-moi-buoc-chan-nguoi-ea368f0/