Trên nền tảng văn hóa

5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Dòng chảy văn hóa, con người Việt Nam luôn phát triển từ mạch ngầm truyền thống văn hóa dân tộc. Ảnh: A.Nhiên

Dòng chảy văn hóa, con người Việt Nam luôn phát triển từ mạch ngầm truyền thống văn hóa dân tộc. Ảnh: A.Nhiên

Theo NQ 33/TW, Lâm Đồng triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ về văn hóa, bao gồm: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời, thực hiện 4 giải pháp của NQ 33/TW đó là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa.

Toàn tỉnh hiện có 266.480 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 88,5%, tăng 2,5% so với năm 2014). Có 1.435 thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 93,1%, tăng 6,4% so với năm 2014). Đặc biệt, thôn Bồng Lai (Đức Trọng) và thôn Đất Làng (xã Xuân Trường - TP Đà Lạt) đã được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa liên tục 15 năm. Có 1.513 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 94%, tăng 15,9% so với năm 2014).

Toàn tỉnh có 147 xã, phường, thị trấn đăng ký và phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; trong đó, có 91 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 26 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (chiếm 79,5%, tăng 25,3% so với năm 2014).

Những mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện NQ 33/TW trên địa bàn tỉnh như: Mô hình “Camera an ninh” của Phường 1 (TP Đà Lạt); “Tiếng kẻng an ninh” của Hội CCB xã Ninh Loan (Đức Trọng); “Tổ tuần tra dân cử, dân nuôi” của xã Gia Lâm (Lâm Hà) và Phường 2 (TP Bảo Lộc); “Tổ an toàn” của Hội CCB và Công an xã Hương Lâm (Đạ Tẻh); “Tổ tự quản an ninh trật tự” của Hội CCB và Công an xã Gia Viễn (Cát Tiên); “Khu dân cư và giáo họ không có người vi phạm pháp luật” của Hội CCB xã Lạc Lâm (Đơn Dương); “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu của thôn Đưng K’Si - xã Đạ Chais (Lạc Dương)...

Xuất hiện những điển hình cá nhân tiêu biểu như: Gia đình bà Lê Thị Quyền (Thôn 4, xã Tiên Hoàng - Cát Tiên) hiến 5.000 m2 đất ruộng để làm đường; gia đình ông Dưng Gur Ha Long (Thôn 2, xã Đạ Long - Đam Rông) hiến 300 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn; gia đình ông Nguyễn Văn Dần (tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương - huyện Lạc Dương) hiến 1.100 m2 đất để làm đường; già làng Ya Bá (xã Đa Quyn - Đức Trọng) đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru; bác sĩ Moul Thoàn (Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm hết lòng chăm sóc người bệnh; ông Lê Đình Mai (xã Quảng Lập - Đơn Dương) là CCB tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; bà Roda Nai Linh (thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương) là Trưởng ban Công tác mặt trận được bà con trong tổ dân phố tín nhiệm nhiều năm liền; ông Đỗ Văn Thành (xã Phú Sơn - Lâm Hà) tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn...

Đến nay, toàn tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (chiếm 92,51%, tăng 17% so với năm 2014). Có 1.280 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng (chiếm 83,06%, tăng 14,46% so với năm 2014). Toàn tỉnh có 12 thư viện cấp huyện và 420 tủ sách nông thôn với gần 400.000 đầu sách phục vụ Nhân dân tại các khu dân cư. Trên 90% đám cưới, đám tang đã thực hiện nếp sống văn minh; 18 lễ hội được tổ chức đúng quy định, góp phần giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc ở các vùng miền đang sinh sống tại Lâm Đồng. Toàn tỉnh hiện có 84 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có 55 lễ hội đang được duy trì thường xuyên và đến nay đã tiến hành phục dựng được nhiều lễ hội của đồng bào DTTS. Đặc biệt, có 2 lễ hội văn hóa Lâm Đồng tiêu biểu là Festival Hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa trà Bảo Lộc được duy trì tổ chức 2 năm/lần, nhằm thu hút du lịch và quảng bá, tôn vinh các ngành, nghề đặc trưng, thế mạnh của tỉnh và thương hiệu nông sản của địa phương như: hoa, rau, trà, cà phê...

Lâm Đồng đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã thu hút 147 dự án trên lĩnh vực du lịch, tập trung xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan; nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng; phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề như dệt thổ cẩm, đan lát; du lịch canh nông, thể thao mạo hiểm...

Đội ngũ cán bộ công tác trực tiếp phục vụ ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn về số lượng, nâng cao chất lượng, hiện có 520 CBCCVC-LĐ được đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, chuyên môn mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhiệm vụ chính trị - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân. Vấn đề nhận thức, đạo đức, lối sống của đảng viên, CBCCVC và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, thu hẹp dần khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201909/tren-nen-tang-van-hoa-2964067/