Trên quê hương cách mạng Tân Trào

Là mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa', Tân Trào (Sơn Dương) được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, lựa chọn làm trung tâm căn cứ địa cách mạng để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nơi đây chứng kiến những quyết định trọng đại, những câu nói nổi tiếng đã trở thành lời hiệu triệu cả dân tộc đứng lên giành độc lập, những câu chuyện giản dị ấm áp của Người…

Đến quê hương cách mạng, người ta vẫn nhắc đến ông Hoàng Ngọc như một trong những nhân chứng sống cuối cùng trên mảnh đất này. Ông Hoàng Ngọc đã từng được gặp Bác Hồ và chứng kiến khí thế hào hùng của những ngày Tổng khởi nghĩa. Ông kể lại, khi mới về đây, Bác Hồ ở nhà ông Tiến Sự thời gian ngắn rồi sau đó lên lán Nà Nưa, chân núi Hồng hoạt động. Tại đây Bác làm việc liên tục không nghỉ ngơi; khi đọc báo cáo, tài liệu, lúc đánh máy thảo văn bản, chỉ thị, khi họp bàn với cán bộ, đoàn thể, lúc thăm bộ đội, nhà dân.

Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về quê hương cách mạng Tân Trào.

Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về quê hương cách mạng Tân Trào.

Từ nơi đây tỏa đi khắp các chân trời của đất nước mọi chỉ thị về đường lối, phương châm, sách lược của Đảng. Để rồi ngày vận mệnh lịch sử đã đến, ngày 16-8, Đại hội Quốc dân (tiền thân của Quốc hội) khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam mới là lá cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh…

Trước đình Tân Trào, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc Lời tuyên thệ:“ giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta..

Hơn 79 mùa thu trôi qua, Tân Trào mãi vùng đất thiêng, điểm tựa truyền thống cách mạng vững chắc cho người dân nơi đây xây dựng quê hương. Tân Trào là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào đã và đang phát huy truyền thống, tạo nên diện mạo quê hương cách mạng ngày càng khởi sắc.

Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào cho cho biết hiện nay, kinh tế của xã tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại. Với hàng trăm Di tích lịch sử trên địa bàn, để phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương, xã Tân Trào đang tiếp tục thực hiện Quy hoạch Phát triển Du lịch, khuyến khích lao động địa phương làm dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu du lịch tỉnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón trên 520.000 lượt khách; tổng thu xã hội từ các dịch vụ du lịch: Ăn uống, lưu trú, dịch vụ trải nghiệm văn hóa, mua sắm đạt trên 230 tỷ đồng.

Cùng với chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xã Tân Trào cũng có các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là: Mật ong Tân Trào, rượu men lá và sản phẩm chè Vĩnh Tân đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Triệu Sinh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong Chất lượng cao Tân Trào, cho biết, trước đây toàn xã có trên 100 hộ nuôi ong nhưng mô hình nhỏ lẻ. Từ khi thành lập hợp tác xã, quảng bá hiệu quả, sản phẩm mật ong của xã Tân Trào được nhiều người biết đến, có thương hiệu. Hiện nay, sản phẩm mật ong của đơn vị đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Các hộ gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi ong.

Tân Trào hôm nay mang diện mạo hoàn toàn khác, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, những con đường nhựa, bê tông trải rộng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng các công trình phúc lợi xây dựng khang trang. Thu nhập bình quân của xã đạt 55 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5 tỷ đồng, duy trì chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 90%, 8/8 thôn đạt chuẩn văn hóa; xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bao thế hệ người làng Tân Trào lớn lên trên mảnh đất này vẫn mang trong mình lòng tự hào về mảnh đất đã từng đón Bác Hồ và che chở cho cách mạng. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám quật khởi luôn là mạch nguồn bất tận, thấm sâu vào ý chí, tình cảm mọi người dân Tân Trào, từ đó tạo động lực để người dân xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tren-que-huong-cach-mang-tan-trao-197148.html