Trên tuyến đầu chống dịch

Trong cuộc chiến khốc liệt với 'kẻ thù vô hình' virus SARS-CoV-2 năm qua, ngành Y tế tỉnh nhà đã trải qua không ít gian lao, khó khăn để cùng cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

Giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ảnh: Tâm Giang

Huy động toàn lực cho công tác điều trị

Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (ĐKTN) là đơn vị nhận bệnh tầng 3 trong tháp điều trị 3 tầng bệnh nhân Covid-19 của tỉnh. Tháng 7.2021, bệnh viện thành lập thêm Bệnh viện dã chiến số 2 và số 3 (bệnh viện tầng 2) trong điều trị Covid-19. Giai đoạn đỉnh dịch, Khu điều trị hồi sức người nhiễm Covid-19 (khu ICU) của bệnh viện tiếp nhận trên 1.500 bệnh nhân, trong đó có gần 1.200 bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, nguy kịch.

Bác sĩ Liêu Chí Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “So với số lượng bệnh tiếp nhận trong năm tại bệnh viện, bệnh nhân Covid-19 chiếm 2/3. Đây là thời điểm căng thẳng đối với bệnh viện, khi hầu hết các bệnh nhân chuyển đến đều trong tình trạng nguy kịch, phải hỗ trợ hô hấp, suy đa tạng, bão cytokine... Lực lượng y, bác sĩ cố gắng hết mình, bất kể ngày đêm để cứu chữa, giảm nguy cơ tử vong vì Covid-19 đến mức thấp nhất”.

“Chính tình đồng bào, tinh thần dân tộc giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn, nhất là trong giai đoạn đỉnh dịch”.
Bác sĩ Liêu Chí Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chia sẻ

Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, trong năm 2021, đội ngũ y, bác sĩ làm việc hết sức vất vả nhưng không hề nản chí, thể hiện được tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của những người theo ngành y. Ngoài ra, sự ủng hộ của người dân đã tiếp thêm động lực để các y, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ.

Bệnh viện Đa khoa tư nhân (BVĐKTN) Hồng Hưng không phải đơn vị nhận bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng đây cũng là một trong các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, góp phần giảm tải cho bệnh viện công lập.

Đặc biệt, trong giai đoạn đỉnh dịch, bệnh viện hỗ trợ ngành Y tế tỉnh nhà trong chương trình “tăng tốc tiêm chủng” và điều trị bệnh nhân. Bên cạnh công tác điều trị bệnh thông thường, bệnh viện còn hỗ trợ các đơn vị y tế công lập thu dung, test sàng lọc Covid-19 cho người dân, phân loại tình trạng bệnh để đưa đến các khu điều trị phù hợp. “Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, phải huy động tất cả y, bác sĩ để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Có thời điểm, bệnh viện phải tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân/ngày khiến công việc rất áp lực”- bác sĩ Đào Anh Dũng, Phó Giám đốc BVĐKTN Hồng Hưng chia sẻ: “Năm 2021 là năm đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người dân- từ lo lắng, hoang mang đến đau lòng cho những bệnh nhân không qua khỏi. Đến nay, ngành Y tế cũng như người dân hòa chung niềm vui khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào”.

Khó khăn vẫn vượt qua

Giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh nhà phải đối mặt với áp lực, khó khăn, thiếu thốn- từ trang thiết bị, vật tư y tế đến nhân lực. Thế nhưng, những “chiến binh áo trắng” với tinh thần thép đã đồng lòng, vững tin cùng vượt qua vì mục tiêu “đẩy lùi dịch bệnh”.

Nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất của Bệnh viện ĐKTN, bác sĩ Liêu Chí Hùng chia sẻ: “Có những lúc bệnh viện đối mặt với áp lực rất lớn khi nguồn cung ứng thuốc men, đồ bảo hộ, oxy bị gián đoạn.

Tuy nhiên, Ban Giám đốc Bệnh viện không ngừng ra sức động viên, tận dụng mọi nguồn lực để chăm lo các y, bác sĩ; huy động và bố trí lực lượng một cách khoa học, ngay cả lãnh đạo Bệnh viện cũng chia nhau túc trực để hỗ trợ, động viên các y, bác sĩ luôn vững tinh thần trong công việc. Điều đáng mừng là chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện”.

Ông cho biết thêm: “Sau đợt dịch vừa qua, mặc dù nguồn lực y tế chưa đủ mạnh, năng lực chuyên môn của các đơn vị y tế chưa phát huy hết, chỉ có tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng của ngành Y tế mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh”.

Bác sĩ Đào Anh Dũng chia sẻ: “Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong đợt dịch vừa qua đó chính là sự đồng lòng. Chỉ có đồng lòng trong công tác y tế, sự phối hợp giữa các đơn vị y tế mới giúp cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh thành công”.

Trước tình trạng thiếu nhân lực, ngành Y tế tỉnh nhà vận động cả con em học ngành y về Tây Ninh cống hiến; tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực y tế tại chỗ; nâng cao năng lực chuyên môn, áp dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, để giải quyết vấn đề nhân lực, vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm số lượng phục vụ cho toàn ngành, tỉnh cần có những chính sách đủ mạnh, đủ hiệu quả để thu hút nhân lực y tế từ nơi khác về Tây Ninh.

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn nhận định, sau dịch Covid-19, nhân lực ngành Y tế thiếu trầm trọng hơn. Đã có nhiều nhân viên y tế, bác sĩ bị quá tải công việc, một số trường hợp xin nghỉ việc, người đến tuổi hưu cũng khá nhiều.

Để giải quyết vấn đề nhân lực, ngành Y tế tỉnh nhà đang triển khai chính sách thu hút y bác sĩ từ nơi khác về địa phương công tác; có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, y, bác sĩ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; mời bác sĩ về hưu còn sức khỏe tiếp tục công việc.

Ngoài ra, ngành Y tế còn mời các chuyên gia Y tế từ TP. Hồ Chí Minh và Trung ương về địa phương để hỗ trợ công tác chuyên môn. Bác sĩ Sơn cho biết, đây chỉ là những giải pháp bước đầu, nhưng sẽ giúp ngành Y tế địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Muốn thực hiện được chính sách này cần có sự hỗ trợ, đồng thuận của các cấp, ngành, để phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh nhà.

Y, bác sĩ Phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng.

Giữ vững niềm tin

Vượt qua năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức, người dân Tây Ninh sẽ luôn ghi nhớ sự hy sinh, không ngại khó khăn, gian khổ của những “người hùng blouse trắng”. Năm 2022, dịch bệnh được đẩy lùi, tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao, số người nhiễm SARS-CoV-2 giảm dần, số ca cần điều trị tại các cơ sở y tế chỉ chiếm hơn 10%, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong vì Covid-19 giảm đáng kể. “Có thể nói rằng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát.

Trong thời điểm dịch bệnh, các đơn vị y tế cần bảo đảm các yếu tố cơ bản: 5K, công nghệ thông tin, ý thức của người dân. Trong đó, ý thức người dân là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả”- bác sĩ Sơn đánh giá.

Theo bác sĩ Liêu Chí Hùng, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh và Bộ Y tế, Bệnh viện triển khai mô hình “tháp đôi”, vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa chuyên trách tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Trong đó, kiểm soát thật tốt tình trạng bệnh của bệnh nhân để giảm tỷ lệ tử vong và phòng, chống lây nhiễm; đồng thời chuẩn bị tốt mọi nguồn lực để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Bác sĩ Đào Anh Dũng chia sẻ: hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại và xuất hiện một số biến thể mới, người dân không nên lơ là trong phòng, chống dịch. Trong năm 2022, với những ưu điểm, thành quả đạt được trong năm vừa qua, BVĐKTN Hồng Hưng sẽ tổ chức hệ thống hội chẩn trực tuyến kết nối với tất cả các tuyến chẩn đoán từ Trung ương đến các tuyến cao hơn trong tỉnh để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hội chẩn, điều trị cho các ca bệnh nặng.

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế nhận định trong đợt dịch thứ 4, Tây Ninh là tỉnh có số ca mắc Covid-19 đứng thứ 4 cả nước. Trung bình mỗi ngày có 1.000 ca mắc. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca mắc trong ngày giảm đáng kể. Đây là kết quả đáng mừng, là thành quả, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Tây Ninh, trong đó có sự đóng góp của ngành Y tế.

Tâm Giang - Ngọc Bích

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tren-tuyen-dau-chong-dich-a142521.html