Dạo gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện "trend" gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc, do nhiều bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài thực hiện.
Trào lưu gói bánh chưng bằng giấy bạc được cho là xuất phát từ tài khoản TikTok có tên @huyenmiu333, một cô gái quê ở tỉnh Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Vì xa gia đình, muốn có không khí tết ấm cúng giống quê hương, cô gái này cùng các bạn gói bánh chưng, bánh tét mừng năm mới. Do không biết chỗ mua lá dong, lá chuối để gói bánh giống như tại Việt Nam, nên đã dùng giấy bạc để thay thế.
Ngoài ra, để bánh có màu xanh, mùi thơm đúng vị, cô gái thêm hương lá dứa vào nếp và trộn đều. Sau đó cho tất cả các nguyên liệu như nếp, đậu xanh, thịt mỡ lên giấy bạc rồi gói chặt, bỏ vào nồi ngập nước nấu khoảng 10 tiếng đồng hồ.
Chủ nhân những video gói bánh này nhận nhiều lời khen từ cộng đồng mạng là vừa khéo tay, vừa sáng tạo. Dù cách làm có hơi tốn nhiên liệu để nấu nhưng đổi lại bánh ăn rất ngon. Bên dưới bài đăng có nhiều người bình luận hỏi xin bí quyết, cách làm bánh chưng, bánh tét không cần lá chuối, lá dong.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người thắc mắc liệu bánh chưng, bánh tét gói bằng giấy bạc nấu trong thời gian dài có bị ảnh hưởng gì không?
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, PGS.TS Nguyễn Đình Quân, công tác tại Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết giấy bạc thực chất là giấy nhôm. Việc dùng giấy bạc đun nấu thức ăn ở nhiệt độ cao hiện nay khá phổ biến vì tính tiện dụng và khả năng chịu nhiệt trong quá trình nấu nướng...
Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến việc nhôm nhiễm vào thức ăn, đặc biệt trong quá trình đun cùng nước ở nhiệt độ cao với thời gian rất lâu như nấu bánh chưng. "Nhiệt độ cao thúc đẩy các phản ứng trao đổi cation giữa nhôm và các muối, hợp chất ion trong thức ăn".
PGS.TS Nguyễn Đình Quân cũng khuyên bạn trẻ nên cân nhắc trước khi "bắt trend" gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc như trên mạng xã hội. Tốt nhất hãy dùng nguyên liệu lá chuối, lá dong truyền thống để an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, nếu dùng giấy bạc để chế biến thức ăn, PGS.TS Nguyễn Đình Quân cũng lưu ý bạn trẻ không nên dùng quá nhiều và thường xuyên trong nấu nướng. Nên chọn loại sản phẩm chất lượng, đảm bảo. Dấu hiệu nhận biết giấy nhôm chất lượng là có kết cấu chắc, bền, bề mặt nhẵn, dày đều. Không nên dùng loại giấy nhôm đã bị ăn mòn vì nước, oxy hóa xỉn màu... Vì nhôm oxit hoặc các muối nhôm khi đó dễ phản ứng hoặc hòa tan vào dung dịch muối của thức ăn hơn.
Thiên Anh